Đô đốc Giáp Văn Cương sinh năm 1921 tại thôn Thép Thượng, xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội như: Cán bộ chỉ huy cấp sư đoàn, quân khu, Phó Tư lệnh mặt trận Quảng Đà, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đô đốc Anh hùng
Tháng 3/1977, ông được cấp trên điều về làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Năm 1988 ông được phong Đô đốc đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam. Ông mất năm 1990. Ngày 7/5/2010, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Khi nhận nhiệm vụ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đô đốc Giáp Văn Cương chỉ đạo tập trung xây dựng lực lượng tàu mặt nước phù hợp với nền kinh tế của đất nước và điều kiện biển, đảo của Việt Nam, trong đó quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ thuyền.
Xác định đất nước ta có bờ biển dài và có nhiều đảo xa bờ nên ông quan tâm đến lực lượng hải quân đánh bộ, đặc công nước, pháo binh - tên lửa bờ biển. Các lực lượng này giữ vai trò quan trọng trong cấu thành lực lượng của Hải quân hiện đại nói chung và hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng.
Trong tầm nhìn chiến lược của mình, Đô đốc Giáp Văn Cương cho rằng, Hải quân Việt Nam không thể thiếu các binh chủng không quân hải quân và tàu ngầm. Cùng với việc xây dựng các trung đoàn, lữ đoàn cơ động trực thuộc Quân chủng vững mạnh toàn diện, ông luôn quan tâm đến chất lượng các căn cứ, các vùng hải quân, các lữ đoàn thuộc vùng và các cơ sở bảo đảm kỹ thuật trên bờ để phục vụ các lực lượng của vùng, của Quân chủng thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất.
Tầm nhìn chiến lược
Nhiều cán bộ cao cấp của Hải quân làm việc cùng thời với Tư lệnh Giáp Văn Cương đều nói rằng, những năm làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân, ông đặc biệt quan tâm đến hoạt động tác chiến. Để các lực lượng tác chiến thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả, xử lý nhanh nhạy các tình huống trên biển, ông chỉ đạo cơ quan, đơn vị chăm lo bổ sung, kiện toàn, mở rộng và nâng cấp lực lượng bảo đảm cho tác chiến như: Thông tin, ra-đa, quan sát biển, trinh sát, bảo đảm hàng hải, công binh chiến đấu...
Trong điều kiện đất nước ta còn nghèo, vũ khí trang bị của Hải quân còn nhiều mặt hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong Quân chủng, đồng thời phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả nước để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ở Trường Sa và nhà giàn DK1 cuối những năm 80 của thế kỷ XX, không ai có thể quên hình ảnh vị tướng già mặc quần đùi đu lên nhà giàn quá đơn sơ lúc ấy để kiểm tra độ an toàn cho chiến sĩ, rồi vị Tư lệnh 68 tuổi chào cờ cùng anh em và xắn quần lặn lội để kiểm tra việc gia cố nhà giàn cho đảo chìm...
Trong xây dựng lực lượng phòng thủ trên biển, điều ông rất quan tâm là bảo vệ thềm lục địa phía Nam. Theo đề nghị của ông, ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị về việc xây dựng Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ, tiếp tục khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam đối với khu vực thềm lục địa của Tổ quốc. Chủ trương này có ý nghĩa vô cùng to lớn, cả trước mắt và lâu dài.
Là một Đô đốc nhưng Giáp Văn Cương luôn sống cuộc sống giản dị và tiết kiệm. Đối với cấp trên cũng như cấp dưới, ông luôn thẳng thắn góp ý phê bình, đặc biệt, ông lắng nghe ý kiến cấp dưới để giải quyết có tình, có lý./.