Học hết cấp ba, do nhà đông anh em, Yến xin vào làm công nhân may tại một xưởng may giày da thuộc tỉnh Hải Dương. Thấy Yến xinh đẹp, nết na, Mạnh - một đối tượng bất hảo trong khu phố- đã chủ động đến làm quen và tán tỉnh. Biết rõ gia đình Mạnh chủ yếu sống bằng nghề cho vay nặng lãi và có tiếng là “đầu gấu” trong phố, nên bố mẹ Yến không đồng ý, bản thân Yến cũng thấy sờ sợ mỗi khi Mạnh đến gần.
Biết vậy nhưng Mạnh vẫn tìm đủ mọi cách để có được cảm tình của người đẹp. Một mặt, hắn mua chuộc Yến và gia đình cô bằng những món quà đắt tiền, mặt khác lại đe dọa, khủng bố tinh thần người yêu và cho người đến gây rối.
Biết khó có thể thoát được Mạnh và sợ bị gã côn đồ này trả thù, thay vì báo cơ quan công an đề nghị xử lý hoặc tìm cách cho con gái đi làm nơi khác, cha mẹ Yến lại ngậm ngùi để cô về làm dâu một gia đình toàn những thành phần bất hảo. Họ hy vọng sau khi lấy vợ, Mạnh sẽ thay đổi tính nết, yêu thương Yến nhiều hơn và con gái họ cũng sẽ được hưởng cuộc sống sung sướng, an nhàn, không phải vất vả mưu sinh bằng nghề thợ may nữa.
Nào ngờ, vì biết Yến không yêu mình nên Mạnh thường xuyên ghen tuông vô cớ và đánh đập cô tàn nhẫn. Thậm chí, hắn còn cấm đoán cô giao du với bạn bè, kể cả bạn gái và bắt cô chỉ được quanh quẩn ở nhà. Ngay cả khi biết rõ Yến đang mang thai giọt máu của mình, Mạnh vẫn thường xuyên “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ.
Bị đối xử tàn nhẫn, Yến luôn sống trong sợ hãi. Ý nghĩ phải trốn nhà ra đi thường xuyên nung nấu trong đầu cô. Nhưng bụng mang dạ chửa, lại không có tiền phòng thân, cô đành cắn răng chịu đựng. Sau khi sinh con, nhìn thiên thần bé bỏng của mình luôn toét miệng cười, cô lại không nỡ rời xa.
Ra đi mà không mang theo con thì không đành lòng, còn nếu mang theo thì cô sợ sẽ không có điều kiện chăm sóc con chu đáo, do vậy cô nấn ná hết tháng này sang tháng khác. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, khi con gái được 7 tháng tuổi, sau một lần bị “đàn anh” bắt nạt, Mạnh về trút hết cơn giận dữ lên đầu người vợ trẻ.
Ảnh minh họa từ Internet |
Bị đánh đập dã man và vô cớ, Yến đã gạt nước mắt ra đi. Chẳng biết về đâu, cô ra ga lấy vé tàu rồi đi trong vô định. Đi mãi, con tàu cũng đến sân gia cuối. Theo lời giới thiệu của một người đồng hương mới làm quen trên tàu, Yến tìm đến một huyện ngoại thành thuộc thành phố Hồ Chí Minh với hy vọng Mạnh sẽ không tìm thấy.
Từ khi Yến bỏ đi, Mạnh nhiều lần nhờ người quen tìm kiếm thông tin về vợ nhưng đều bặt vô âm tín. Tuyệt vọng, hắn nhiều lần đến chửi bới bố mẹ Yến và đập phá đồ đạc, đòi ông bà cho biết nơi Yến trốn, nhưng cha mẹ Yến không nỡ hại con gái một lần nữa.
Sau những nỗ lực tìm kiếm vợ không có kết quả, Mạnh đành một mình nuôi con. Hận vợ, anh ta đi đăng ký khai sinh cho con- việc mà đáng lẽ phải được làm từ khi đứa bé mới sinh- và đặt tên cho con là Trần Thị Hận.
Sống trong cảnh thiệt thòi, không có mẹ chăm sóc, không được vui chơi và sống trong tình thương như những đứa trẻ khác, nên gương mặt bé Hận lúc nào cũng u buồn và già trước tuổi.
Ông bà ngoại tuy sống cùng khu phố nhưng cũng chẳng giúp được gì cho cháu ngoại vì Mạnh luôn cấm cửa. Hắn dọa, nếu ông bà trái lời, sẽ bị hắn cho người đến đốt nhà.
Còn Yến, một mình vào thành phố Hồ Chí Minh, không người quen, không tiền bạc, đối với cô là quãng thời gian đầy thử thách. Cô xin làm rửa bát tại một quán phở rồi thuê trọ gần đó. Nỗi niềm về đứa con bé bỏng luôn canh cánh trong lòng, nhưng biết mình chưa đủ điều kiện để đưa con theo, cô đành nuốt nước mắt vào trong.
Một thời gian sau, cô xin được làm thợ may tại một tiệm may có tiếng trong thành phố. Cô cũng được gia chủ tạo điều kiện cho ở nhờ trong một căn phòng nhỏ. Do nguồn thu nhập từ nghề thợ may cũng cao hơn trước nên sau khi làm lụng được vài năm, Yến tích cóp được chút lưng vốn. Đến lúc này, cô quyết định về quê đón bé Hận vào thành phố Hồ Chí Minh để nuôi dưỡng.
Bí mật trở về Hải Dương, lựa lúc Mạnh vắng nhà, với sự giúp đỡ của những người thân thiết cùng xóm và cô em chồng tốt bụng, Yến đã đưa được con gái bé bỏng trở về an toàn với mình.
Mẹ con được đoàn tụ khi bé Hận đã lên 5 tuổi. Nhờ được mẹ cho ăn học tử tế, giờ đây, Hận đã trở thành một cô sinh viên của một trường Đại học tại thành phố mang tên Bác. Nhưng cô luôn mặc cảm vì cái tên của mình, một cái tên không đẹp và luôn gắn với quá khứ đau buồn và cuộc sống nhiều thiệt thòi của hai mẹ con cô.
“Em muốn được đổi tên là Hân. Em hy vọng cái tên mới sẽ giúp mẹ con em thoát khỏi nỗi ám ảnh mãi với quá khứ bất hạnh và sự mặc cảm về số phận thiệt thòi của mình. Nhưng em không biết mình phải bắt đầu từ đâu? pháp luật có cho phép hay không?”- Hận tâm sự.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì: “Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây: a)Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó.”
Căn cứ quy định này, do việc sử dụng tên hiện tại của em đã ảnh hưởng không tốt tới tâm lý, tình cảm và quyền, lợi ích hợp pháp của em, vì vậy em có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên.
Ngoài ra, theo Điều 37 của Nghị định số 158/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì thẩm quyền thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch được quy định như sau: “Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi và bổ sung hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi. Ủy ban nhân dân cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây, có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi”.
Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 38 của Nghị định này thì người yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính…phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính…và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung hộ tịch..
(Luật gia Trần Hà- Bộ Tư pháp)