Chưa hết bàng hoàng về cái chết của con
Cho đến nay, gia đình anh Tạ Ngọc Nguyện (SN 1981) và chị Nguyễn Thị Vượng (SN 1982), bố mẹ của bé Tạ Thu Hiền vẫn chưa hết bàng hoàng về sự ra đi đột ngột của con mình.
Chị Vượng cho biết: “Cháu Hiền sinh ngày 27/2/2016, ngày 5/5, cháu đến lịch tiêm phòng mũi thứ hai vắc xin Quinvaxem 5-1 tại trạm y tế xã Nguyễn Trãi. Vì sợ đi muộn phải chờ đợi lâu nên tôi đưa con đến sớm đợi từ 7h sáng, đến 8h sáng bác sĩ làm việc mới gọi con tôi vào để khám lâm sàng trước khi tiêm. Trong khi khám, bác sĩ hỏi con tôi có bị ốm đau hay sốt gì không, có bị dị ứng gì không? Thấy cháu sức khỏe bình thường, cặp nhiệt độ 37oC nên bác sĩ cho tiêm vắc xin như bình thường. Sau khi tiêm xong, tôi bế cháu ngồi theo dõi thêm 30 phút, không thấy biểu hiện gì bất thường mới cho về”.
Vẫn theo lời của gia đình, sau khi về nhà cháu bé vẫn bú tốt, chơi ngoan. Đến 19h cùng ngày, cháu có biểu hiện sốt nhẹ nên được chị Vượng dùng nước ấm chườm hạ sốt. Sau đó vài tiếng đồng hồ, cháu bắt đầu quấy khóc. Đến khoảng 3h ngày 6/5, thấy cháu vẫn sốt nhẹ nhưng người có biểu hiện tím tái, thở nhanh nên gia đình vội vàng đưa cháu vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Thường Tín. Tại đây, sau khi thử máu, chụp x-quang và khám trực tiếp, bác sĩ cho biết sức khỏe cháu hoàn toàn bình thường, cho về nhà theo dõi.
Đến 7h cùng ngày, chị Tạ Thị Dẻo, là bác ruột của cháu Hiền ghé vào thăm thấy toàn thân cháu tím tái, thở nhanh nên vội vàng gọi bố mẹ bé cho cháu vào bệnh viện đa khoa Thường Tín cấp cứu lần thứ 2.
Gia đình chưa hết bàng hoàng về cái chết của bé Hiền. |
Chị Dẻo nghẹn ngào cho biết: “Ra đến bệnh viện, bác sĩ tại đây lại bảo sao để cho con nặng thế mới đi cấp cứu? Tôi đã trình bày là lúc 3h sáng đã cho cháu ra một lần rồi nhưng bác sĩ trực lúc đó bảo không sao lại cho về. Sau đó, bác sĩ bảo giờ tình trạng của cháu nặng phải chuyển viện lên tuyến trên là bệnh viện Xanh Pon”.
Tại bệnh viện Xanh Pon, dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng diễn biến bệnh tình của cháu vẫn ngày càng nặng và không qua khỏi. Cháu Hiền tử vong vào lúc 5h20 rạng sáng ngày 7/6.
Tử vong do sốc phản vệ trên nền cơ địa trẻ bị giãn cơ tim
Bé Hiền là con gái thứ hai của vợ chồng anh Nguyên. Đây không phải là lần đầu bé tiêm vắc xin, mà trước đó bé đã được tiêm một mũi Quinvaxem 5-1 khi được một tháng tuổi. Lần tiêm đầu, bé không gặp phản ứng phụ nào nghiêm trọng. Bé không sốt, không quấy khóc, bú tốt, chơi ngoan. Phía gia đình cũng cho biết, cháu Hiền trước đó không có biểu hiện dị ứng. Cháu ra đời bằng phương pháp sinh mổ, cân nặng lúc chào đời được 2.8kg.
Sau cái chết của bé Tạ Thị Hiền, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội đã họp và đưa ra kết luận ban đầu: trẻ tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem trên cơ địa bé mắc bệnh cơ tim giãn.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết: “Cháu bé bị sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem trên cơ địa của bệnh cơ tim giãn. Bệnh cơ tim giãn là bệnh lý nền làm cho tình trạng sốc của bệnh nhi nghiêm trọng hơn. Vì vậy dù được cứu chữa rất tích cực nhưng đến 4 giờ sáng ngày 7/5 tình trạng cháu càng yếu đi và không đáp ứng được với điều trị nữa”.
Cũng theo ông Trần Nhật Cảm, sốc phản vệ là tai biến trong y khoa không ai mong muốn và tai biến này có thể xảy ra với bất kỳ một loại thuốc nào, một loại vắc xin nào và thậm chí cả thức ăn, hay chất lạ. Trong sốc phản vệ có nhiều cấp độ và nguy cơ tử vong rất cao.
Ví dụ có người ăn tôm, cá, cua cũng có thể dẫn đến dị ứng, khó thở và nặng hơn là sốc phản vệ. Với vắc xin cũng như vậy, nhưng tỷ lệ không cao. Cháu bé hai tháng tuổi trong trường hợp vừa rồi, nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu là do cơ địa quá mẫn với thành phần của vắc xin nên dẫn đến sốc phản vệ. Theo thông tin từ phía gia đình nạn nhân, sức khỏe của bé hoàn toàn khỏe mạnh và không có bệnh lý gì từ khi sinh ra.
“Hiện tại chúng tôi vẫn chưa nhận được kết quả về nguyên nhân cái chết của cháu, nhưng từ lúc sinh ra đến lúc cháu mất sức khỏe của cháu hoàn toàn bình thường, không hề có bệnh lý nào khác”, chị Vượng mẹ cháu bé cho biết.