Lắng nghe ý kiến cử tri
Buổi tiếp xúc cử tri chiều ngày 10/5 tại điểm tiếp xúc cử tri số 1 (gồm quận 1, quận 3, quận 4) đã diễn ra hết sức cởi mở. Nhiều cử tri đã đưa ra những vấn đề hết sức thiết thực xung quanh những vấn đề tham nhũng, chủ quyền quốc gia, nợ công, an ninh trật tự...
Trước tình trạng tham nhũng và ngân sách phải trả quá nhiều cho các cán bộ “sáng đi ô tô, chiều cắp ô tô về” ông Nguyễn Hữu Châu, cử chi phường 7, quận 3 đã nêu ra ý kiến: “Một trong những giải pháp tốt nhất là tinh giảm biên chế như Quảng Ninh đã làm, hàng năm tiết kiệm được 300 tỷ đồng. Chỉ có điều phải lưu ý như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: cần có cơ chế kiểm soát quyền lực để tránh lạm quyền khi hai chức danh đứng đầu hai cơ quan Đảng và chính quyền được thể chế hóa trong tay một cá nhân. Dù sao, biên chế giảm, lương khá hơn sẽ góp phần đẩy lùi tham nhũng, giảm số lượng 30% cán bộ sáng đi ô tô, chiều cắp ô tô về”. Ngoài ra, cần phát huy nhân tố con người, tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc.
Cử tri Hà Hạnh phường 3, quận 3 ngoài nói đến việc khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, ông còn đề cập đến vấn đề an ninh trật tự xã hội. Hiện nay, việc trấn áp tội phạm có làm, nhiều biện pháp nhưng chưa tích cực, đặc biệt tội phạm nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm vẫn tồn tại rất nhiều hay việc xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông khiến dư luận bất an. Bên cạnh đó còn nhiều các vụ án oan sai do những người thi hành luật pháp không hiểu biết hoặc cố tình không tôn trọng pháp luật.
Cử tri Đinh Thế Dũng ở phường 7, quận 3 đưa ra vấn đề nợ công. Ông Dũng chất vấn trong bài phát biểu: “Vẫn biết muốn kinh tế phát triển chúng ta phải vay, nhưng vay đến bao giờ mới trả, lấy gì để trả?”
Nhiều cử tri quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp của thanh niên vì hiện nay có một bộ phận không nhỏ thanh niên dao động trước những khó khăn, thách thức. Một bộ phận khác ra nước ngoài học nhưng không về dẫn đến “chảy máu chất xám...”
Các ứng cử viên đại biểu quốc hội đã tiếp thu những ý kiến của người dân và có những hồi đáp ngay tại buổi tiếp xúc cử tri. Chủ tịch nước Trần Đại Quang thay mặt các ứng cử viên hứa sẽ tiếp thu những ý kiến tâm huyết của những cử tri đã nêu ra.
“Vì dân phục vụ”
Sau khi lắng nghe những ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đưa ra những nhiệm vụ mà các Đại biểu Quốc hội cần phải làm. Theo đó, mỗi một Đại biểu Quốc hội phải thường xuyên lắng nghe ý kiến của nhân dân, phải gần dân, sát dân, trọng dân, tin dân và vì dân phục vụ.
Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ của đất nước cũng như của Thành phố, một trong những công việc mà Đảng, Nhà nước ta phải hết sức chú trọng đó là tập trung xây dựng Đảng, xây dựng đường lối chính trị, xây dựng bộ máy nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
“Phải tập trung với tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, chống tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bài trừ chủ nghĩa cá nhân. Mỗi một cán bộ, đảng viên trong đó có chúng tôi cũng ý thức được rõ phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, phải phấn đấu thực sự là công bộc của dân”, Chủ tịch nước nhấn mạnh. Ông cũng đồng tình với cách nói của nhiều cử tri: “Là một cán bộ đảng viên dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải là một công dân tốt, là một đảng viên gương mẫu”.
Chủ tịch nước đồng tình với chia sẻ của cử tri về vấn đề bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ biển đảo của Tổ quốc. Chúng ta đều thống nhất về nhận thức độc lập, chủ quyền đất nước là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, chúng ta phải sử dụng mọi biện pháp và sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của tổ quốc. Trước hết phải tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.
“Với trách nhiệm của mình, chúng tôi cũng đã đề ra trong chương trình là phải quan tâm, xây dựng lực lượng vũ trang quốc gia thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại... đủ sức đảm bảo vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”, Chủ tịch nước nói.
Vấn đề cải cách tư pháp cũng được Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: Trong thời gian sắp tới cần phải tập trung, đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng bộ máy tư pháp trong sạch, vững mạnh với tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ công lý, chống oan sai.
Thời gian qua, rút kinh nghiệm về một số vụ việc đã xảy ra trước đây... các cơ quan chức năng cũng đã triển khai chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống oan và sai. Một trong những biện pháp đó là phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về chính trị, về pháp luật và những người cán bộ trước hết là những điều tra viên phải xây dựng đạo đức nghề nghiệp, những người được giao nhiệm vụ điều tra, xử lý tội phạm và người vi phạm pháp luật. Vừa phải tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm để góp phần xây dựng bộ máy tư pháp trong sạch, vững mạnh phòng ngừa oan, sai.
Về cải cách hành chính, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục đẩy cao cải cách hành chính phải ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, vào công tác quản lý nhà nước để làm sao giảm dần và đi đến giảm hết các thủ tục gây phiền hà cho các tổ chức, doanh nghiệp, cho nhân dân. Hướng tới môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp, cho người dân tổ chức kinh doanh thuận lợi.