Vụ tài xế xe Range Rover đâm nữ sinh rồi bỏ mặc, chạy trốn không phải là hiếm gặp ở Việt Nam. Trong mọi trường hợp, dư luận luôn phẫn nộ lên án mạnh mẽ lương tâm, đạo đức, cách hành xử của những lái xe như vậy. Có thể, trong phút hoảng loạn, tâm trí rối bời, có những tài xế đã không đủ bình tĩnh để đối diện sự thật, nhận ngay trách nhiệm nhưng cũng có tài xế sau vài ngày suy nghĩ, vẫn đến cơ quan đầu thú.
Thế nhưng ở vụ việc vừa qua, đã 1 tuần, tài xế lái chiếc Range Rover gây tai nạn nghiêm trọng vẫn ẩn mình thoái thác trách nhiệm, mặc cho cộng đồng chỉ trích, thách thức lực lượng chức năng truy tìm.
Bỏ rơi nữ sinh, xe bạc tỷ, đạo đức một xu |
Loại trừ những yếu tố gắn với từng cá nhân, có lẽ, một trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là câu chuyện đạo đức lái xe đã không được chú trọng đúng mức ngay ở khâu học lái, cấp bằng.
Trước tiên, phải thấy rằng, trong chương trình đào tạo lái xe từ hạng B2 trở lên hiện nay đều có nội dung đào tạo về đạo đức người lái xe. Đây là một nội dung rất quan trọng, bên cạnh tay nghề, kỹ năng, kinh nghiệm lái xe.
Thiếu yếu tố này, người lái xe không thể thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả mà có khi còn gây hại cho mình và gây hại cho người khác. Vụ việc trên là một ví dụ rất điển hình về đạo đức của người lái xe.
Tuy nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng đạo đức người lái xe hiện nay rất hạn chế. Hiện, Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa ban hành nội dung chương trình chi tiết đào tạo, bồi dưỡng đạo đức của người lái xe. Các trung tâm đào tạo lái xe “tự biên, tự diễn” với lĩnh vực này.
Đạo đức lái xe đã bj buông lỏng |
Bản thân tôi đã tham gia khóa đào tạo lái xe và cũng được bồi dưỡng về nội dung này này nhưng nhận thấy, những gì được học không ăn nhập gì đến đạo đức của người lái xe. Đáng chú ý là giáo viên có kỹ năng sư phạm kém, nội dung truyền tải kém thuyết phục, thái độ học tập của học viên cũng thiếu nghiêm túc…
Mặt khác, một số học viên học lái xe hiện nay chỉ chú ý tập lái, hoàn thiện kỹ năng lái xe mà không chú ý học đạo đức người lái xe, lý thuyết Luật giao thông đường bộ.
Thậm chí, một số học viên được tiếp tay của các cán bộ trung tâm được “lo” đậu phần lý thuyết, các nội dung kiểm tra chứng chỉ nghề, trong đó có đạo đức người lái xe cũng bị xem nhẹ, cho qua nhưng cuối cùng vẫn được cấp chứng chỉ. Thực tế, học viên chỉ cần “bồi dưỡng” cho cán bộ trung tâm khoảng 2 triệu đồng là đã đảm bảo đậu lý thuyết và các chứng chỉ nghề.
Những lỗ hổng lớn trong dạy lái xe hiện nay chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hành vi ứng xử thiếu hiểu biết, thậm chí là văn hóa tồi của người lái xe.
Phổ biến là việc vi phạm luật giao thông đường bộ, rồi đến những tình huống tranh giành lấn làn, đi đường không nhường nhịn, hành xử bạo lực khi va chạm giao thông và đỉnh cao gây bức xúc dư luận hiện nay là hành vi gây tai nạn nhưng trốn chạy, không cứu chữa cho nạn nhân...
Sở hữu một chiếc ô tô giờ đây đã trở nên dễ dàng hơn trước. Rất nhiều người dân mua xe ôtô và mặc nhiên trở thành người lái xe, nhưng lại thiếu những hiểu biết, nguyên tắc ứng xử như một người lái xe có đạo đức.
Họ là những tài xế không chuyên, lái xe của mình phục vụ nhu cầu của bản thân, gia đình… Việc tiếp cận, trao đổi kinh nghiệm trên các diễn đàn về thường không chịu áp lực "giữ nghề" nên khía cạnh đạo đức bị buông lỏng.
Tuy nhiên, những người lái xe chuyên nghiệp làm nghề vận tải hành khách, hàng hóa, lái xe thuê… hầu hết lại đều chú trọng vấn đề đạo đức, kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi trong quá trình làm việc để có thể tồn tại với nghề. Họ cũng thường xuyên tham gia vào những hội đoàn nghề nghiệp để trao đổi kinh nghiệm, cách xử lý tình huống, đạo đức khi lái xe… trên nhiều diễn đàn của kênh VOV, mạng xã hội... góp phần xây dựng văn hóa lái xe an toàn, thượng tôn pháp luật.
Vậy, chúng ta cần giải quyết vấn đề đạo đức khi lái xe hiện nay như thế nào?
Điều quan trọng nhất là cần phải nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, trong đó cần chú trọng xây dựng nội dung, chương trình đào tạo đạo đức của người lái xe, tổ chức đào tạo bồi dưỡng một cách nghiêm túc, hạn chế tối đa hành vi tiêu cực trong đào tạo lái xe để bất kỳ người nào được cấp giấy phép lái xe cũng đạt chuẩn, trong đó có chuẩn về đạo đức.
Mặt khác, cần phải xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ để uốn nắn hành vi, thái độ, nâng cao nhận thức, rèn luyện đạo đức của người lái xe, giữ an toàn cho mình và cho người khác.
TS Đoàn Văn Báu (Chuyên gia tâm lý học tội phạm)