Tặng quà được xem là thông lệ trong tất cả các nền văn minh và ở mọi thời đại. Việc tặng quà cho quốc khách là một trong những nghi thức ngoại giao quan trọng không thể thiếu của mọi đất nước. Quà tặng là thông điệp cuối cùng mà khách sẽ mang về đất nước họ, ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công trong mọi hoạt động. Chính vì vậy mà bên cạnh các hoạt động chính thức, món quà được các nguyên thủ quốc gia đem ra tặng nhau là thứ mà dư luận luôn rất quan tâm.
Những món quà đầy ẩn ý
Trung Quốc là một trong những cái nôi của nền thư pháp. Trong văn hóa nước này, thư pháp được cho là thể hiện hành vi và mức độ tinh tế của một người, và những người có nét chữ đẹp được đánh giá cao. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc như ông Hồ Cẩm Đào – Chủ tịch Trung Quốc từ năm 2003 đến 2013, ông Giang Trạch Dân - Chủ tịch Trung Quốc từ năm 1993 đến năm 2003 - đều nổi tiếng với tài năng về thư pháp Trung Quốc. Ngoài ra, các ông Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Lý Tiên Niệm cũng đều nổi tiếng với những bức thư pháp điêu luyện.
Tầm quan trọng của thư pháp Trung Quốc không chỉ nằm ở việc có thể tạo ra những chữ viết đẹp, mà còn ở ý nghĩa của các ký tự, thường là từ những bài thơ, tục ngữ hoặc thành ngữ đầy cảm hứng, được viết ra. Điều này thể hiện khá rõ nét ở những bức thư pháp mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chọn để làm quà cho những người đồng cấp nước ngoài.
Một bức thư pháp Trung Hoa. |
Điển hình là vào tháng 4/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức tới Mỹ và gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Mar-a-Lago của ông Trump ở West Palm Beach, bang Florida. Đây là lần đầu tiên hai người gặp nhau kể từ sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Những tuyên bố cứng rắn chống Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử được ông thay bằng sự tiếp đón nồng nhiệt dành cho lãnh đạo Trung Quốc tại khu “Nhà Trắng mùa đông” của ông ở Florida. Phát biểu sau cuộc gặp, ông Trump cho rằng ông sẽ có một quan hệ “rất tuyệt vời” với ông Tập Cận Bình.
Tại cuộc gặp này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tặng Tổng thống Mỹ Trump một bức thư pháp, với nội dung là câu nói nổi tiếng của Lão Tử: “Cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu bằng một bước đi nhỏ bé đầu tiên”. Câu nói mang ý nghĩa rằng ngay cả những cuộc phiêu lưu dài nhất và khó khăn nhất cũng đều điểm khởi đầu; rằng bất cứ việc gì đều có giai đoạn khởi đầu với những bước đơn giản nhất. Nhiều người cho rằng, ông Tập muốn mượn lời người xưa để nói về việc xây dựng quan hệ với ông Trump.
Người tiền nhiệm của ông Trump tại Nhà Trắng là ông Barack Obama cũng đã nhận được một món quà thư pháp từ người tiền nhiệm của ông Tập là ông Hồ Cẩm Đào tại cuộc gặp của 2 người diễn ra vào năm 2009. Tuy nhiên, thay vì một câu nói của một danh nhân, ông Obama đã được đưa ra một thành ngữ gồm bốn chữ Hán - “guan hai ting tao” - có nghĩa là “ngắm biển và lắng nghe sóng”. Phần thú vị ở thành ngữ này là ký tự cuối cùng “tao”, giống với “tao” trong tên của ông Hồ Cẩm Đào. Do đó, một số cư dân mạng Trung Quốc đã giải thích ý nghĩa của món quà là “Ông Obama nên quan sát Trung Quốc ở bên kia đại dương và ông ấy nên nghe lời ông Hồ Cẩm Đào”.
Năm 1998, ông Giang Trạch Dân đến thăm Hokkaido, Nhật Bản và cũng đã tặng cho thống đốc địa phương một bức thư pháp chữ Hán của ông với 4 chữ, đại ý “người ta chỉ nên kết bạn với một người có đức độ”.
Môn nghệ thuật tao nhã
Thư pháp, nghĩa đen là “chữ viết đẹp”, được đánh giá là một loại hình nghệ thuật trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên khắp thế giới, nhưng tầm vóc của thư pháp trong văn hóa Trung Quốc là không gì sánh được. Đây là một nghệ thuật cổ xưa nhất tại Trung Quốc. Chữ Hán theo lối tượng hình ra đời rất sớm trong lịch sử nhân loại và thư pháp cũng được cho là đã hình thành ngay từ thời kỳ đó.
Theo thời gian, môn nghệ thuật này tiến triển từng bước theo những thay đổi trong quá trình phát triển của chữ viết, trở thành một tài sản nghệ thuật quý trong kho tàng văn hoá cổ truyền Trung Quốc. Thư pháp không chỉ được coi là một hình thức nghệ thuật trang trí mà còn được đánh giá cao hơn hội họa và điêu khắc, được xếp cùng với thơ ca. Khoảng từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ IV, nghệ thuật viết chữ chính thức có tên, được gọi là thư pháp hay thư đạo. Từ đó, nó trở thành một bộ môn nghệ thuật tao nhã của tao nhân và những người có học. Một cao thủ về thư pháp thường được đánh giá là người trí thức có học vấn cao.
Thư pháp là việc viết chữ bằng mực tàu trên giấy hoặc lụa. Chữ được viết thường là chữ Hán hoặc chữ Nôm. Một tác phẩm thư pháp là thể hiện giữa thư thể, tức kiểu chữ, và thư gia, tức tác giả. Nội dung và hình thức của thư pháp phải hòa hợp để xác định bố cục và thư thể trong tác phẩm. Hình thức phổ biến nhất của thư pháp là đôi câu đối mà người Trung Quốc thường treo ở cổng nhà, bàn thờ gia tiên, phòng khách, cột nhà của họ.
Có 5 phong cách viết thư pháp phổ biến. Mỗi phong cách lại có những cách thể hiện riêng. Trong đó, khải thư là kiểu chữ được sử dụng phổ biến và thông dụng nhất ngày nay. Nó được dùng trong lĩnh vực quảng cáo, in ấn. Đặc biệt là loại chữ dành cho những người mới bắt đầu học chữ Hán. Khải thư có bố cục ngay ngắn theo dạng hình vuông, được viết chậm rãi và cẩn thận. Khác với các loại chữ khác, khi viết, ngòi bút được nhấc lên khỏi mặt giấy.
Phong cách thứ 2 là Triện thư, là loại chữ thư pháp có lịch sử lâu đời và được lưu hành rộng rãi. Triện thư gồm 2 kiểu chữ là Đại Triện và Tiểu Triện. Đây là loại chữ thư pháp kiểu cổ, các nét thanh, bố cục đơn giản. Phong cách thứ 3 lệ thư là bước phát triển cao hơn của Triện thư.
Hầu hết nét bút của Lệ thư là những nét vuông thể hiện sự mạnh mẽ, đơn giản về đường nét. Hành thư trong khi đó là loại chữ thư pháp gần giống với chữ viết tay thông thường. Khác với các kiểu chữ khác, chữ Hành thư khi viết thì ngòi bút ít nhấc lên khỏi mặt giấy. Chính vì thế các nét chữ trong cùng một chữ được viết nối liên tục nhau. Hành thư có đường nét phóng khoáng, dễ đọc, bố cục chữ tròn trịa, ít góc cạnh.
Phong cách thứ 5 là Thảo thư. Đây là kiểu chữ mang tính nghệ thuật cao, thiên về cảm hứng của người viết. Các nét chữ được biến tấu đầy thi vị, thanh thoát, tốc độ viết nhanh chóng. Các nét chữ thể hiện sự liên kết, uyển chuyển tạo nên sự liên hoàn cho các bộ chữ. Khi viết, ngòi bút được hạn chế nhấc lên khỏi mặt giấy. Thảo thư được viết để thể hiện đại ý của văn tự nên không phải ai cũng có thể thưởng thức được loại thư pháp này.
Vì là một bộ môn nghệ thuật có qui tắc nghiêm ngặt nên một người viết thư pháp phải trải qua một thời gian dài tìm hiểu và khổ luyện mới có thể làm chủ được ngọn bút của mình chứ chưa nói đến việc vẽ nên những nét tựa “rồng bay phượng múa”.
Theo Thư phổ của Tôn Quá Đình, bút pháp của một thư gia lão luyện có thể gợi ra khí lực trong thiên nhiên. Bút khí của thư gia như thể “phi điểu xuất lâm, kinh xà nhập thảo” (có nghĩa là chim bay khỏi rừng, rắn sợ hãi chui vào cỏ) hay “phi hồng hí hải, vũ hạc du thiên” (hồng nhạn bay giỡn trên biển, chim hạc bay múa trên trời)...
Nét bút có khi nhẹ nhàng như “thiền dực” (cánh ve sầu), có khi rắn chắc như “trụy thạch” (đá rơi)... Ngọn bút lướt đi nhẹ như gió xuân thổi trên ngọn cỏ nhưng khi dừng lại thì nặng như thái sơn. Do đó, một tác phẩm thư pháp được cho là sự kết tinh của cả cá tính, sự tu dưỡng thi văn, tư tưởng, kỹ pháp và khí lực của một thư gia.
Kể từ thế kỷ III, những bộ sưu tập thư pháp thường dựa theo thư thể nhiều hơn là nội dung văn chương của tác phẩm. Chính nét bút, kết cấu của chữ và kỹ pháp của tác giả mới là đối tượng của sự thưởng ngoạn chứ không phải là nội dung của tác phẩm. Khi thưởng thức một tác phẩm thư pháp, người ta thường đánh giá nó qua bút pháp và sự sáng tạo của tác giả, thể hiện qua từng nét bút nhanh – chậm, độ đậm – nhạt của mực hay sự tương phản giữa giấy và mực.
Ngày nay, thư pháp vẫn là một môn nghệ thuật khó và hấp dẫn nhiều tầng lớp quan tâm, học tập, nghiên cứu ở Trung Quốc. Không chỉ ở Trung Quốc mà ở các nước Đông Á chịu ảnh hưởng văn hóa Hán khác như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc,… thư pháp chữ Hán vẫn là một môn nghệ thuật rất được chú ý.