Sau 22 năm hình thành và phát triển, Thaco đã trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó ô tô là một trong hai lĩnh vực chủ lực (lĩnh vực còn lại là cơ khí), đồng thời phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh bổ trợ cho nhau, tạo ra giá trị cộng hưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh như nông nghiệp; đầu tư xây dựng; logistics; thương mại và dịch vụ.
Xây dựng chuỗi giá trị khép kín
Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (được viết tắt là Thaco) được thành lập ngày 29/4/1997 tại Đồng Nai với tiền thân là Công ty TNHH ôtô Trường Hải. Người sáng lập là ông Trần Bá Dương, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco. Sau vài năm đầu mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở một số tỉnh, thành thì đến năm 2001, Thaco đã thành lập Công ty Sản xuất và Lắp ráp Ô tô Tracimexco – Trường Hải, xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô (xe tải nhẹ KIA) và xưởng Cơ điện.
Năm 2003, Thaco tiếp tục thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Lắp ráp Ô tô Chu Lai - Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, đầu tư 600 tỷ đồng để triển khai xây dựng nhà máy sản xuất - lắp ráp ô tô rộng 36,8 ha, công suất 25.000 xe/năm…
Liên tục được đầu tư mở rộng hoạt động, Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải được xem là trung tâm sản xuất ô tô và công nghiệp hỗ trợ lớn nhất Việt Nam. Tại đây có 32 công ty, đơn vị trực thuộc, bao gồm: các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, các nhà máy linh kiện phụ tùng và Tổ hợp cơ khí; cảng Chu Lai và các đơn vị giao nhận - vận chuyển đường bộ, đường biển; các công ty đầu tư - xây dựng, trường Cao đẳng Thaco và các đơn vị hỗ trợ khác.
Cận cảnh siêu phẩm Thaco từ Khu phức hợp Chu Lai Trường Hải |
Tuy không phải đơn vị đầu tiên hiện thực hóa giấc mơ ô tô Việt như Vinfast nhưng Thaco là doanh nghiệp hàng đầu và có quy mô lớn nhất tại Việt Nam về lĩnh vực sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô, với chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D), sản xuất linh kiện phụ tùng, lắp ráp ô tô đến giao nhận vận chuyển và phân phối, bán lẻ.
Sản phẩm có đầy đủ các chủng loại: xe tải, xe bus, xe du lịch, xe chuyên dụng và đầy đủ phân khúc từ trung cấp đến cao cấp với doanh số và thị phần luôn dẫn đầu thị trường Việt Nam trong nhiều năm qua. Không chỉ xác định mục tiêu giữ vững vị trí hàng đầu này, Thaco sẽ mở rộng thị trường trong khu vực Asean, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm lựa chọn công nghệ phù hợp, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo nền tảng để phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm vươn tới vị trí hàng đầu khu vực.
Điều đáng chú ý là cách đây 3 năm, tỷ lệ nội địa hóa xe con của Trường Hải (chủ yếu là các dòng xe Kia và xe Mazda) đã ở mức từ 16 - 46%, còn tỷ lệ nội địa hóa của 2 loại hình xe buýt và xe tải lên tới 60% và 42%, nghĩa là đều ở mức khá cao và cao hơn nhiều so với thời điểm năm 2013. Có thể thấy, cách làm của Trường Hải là khéo léo đầu tư nội địa hóa sao cho phù hợp với tiềm lực tài chính. Điều này giúp Trường Hải tránh khỏi nhiều rủi ro tài chính mà Vinaxuki đã gặp phải trong quá khứ.
Văn hóa "8 chữ T"
Cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, Thaco còn xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, định hình được bản sắc văn hóa riêng của Thaco dựa trên triết lý kinh doanh “Mang lại giá trị cho khách hàng, xã hội và có đóng góp thiết thực vào nền kinh tế đất nước” và nguyên tắc “8 chữ T: Tận tâm - Trung thực - Trí tuệ - Tự tin - Tôn trọng - Trung tín - Tận tình - Thuận tiện”.
Đây chính là giá trị cốt lõi của văn hóa Thaco, là tài sản vô hình tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển. Luôn quan niệm cán bộ công nhân viên là nguồn lực quan trọng tạo nên sự thành công và phát triển bền vững, văn hóa Thaco hướng đến việc xây dựng một đội ngũ nhân sự có ý chí mạnh mẽ; thái độ làm việc tích cực; tính sáng tạo cao và ý thức trau dồi năng lực chuyên môn để có thể làm việc trong môi trường kỷ luật, đóng góp vào sự phát triển của Công ty, qua đó trở thành người hữu ích của xã hội, đất nước.
Cán bộ, nhân viên Thaco Trường Hải trong một hoạt cảnh cuộc thi Thaco với Văn hoa giao thông |
Với những đặc thù của lĩnh vực sản xuất công nghiệp đòi hỏi chất lượng và tầm nhìn về sự phát triển bền vững, Thaco lấy kỷ luật làm nền tảng xây dựng văn hóa. Văn hóa kỷ luật được xem là văn hóa nền tảng, mang tính định hướng cho các yếu tố văn hóa khác.
Theo đó, Công ty đề cao và tập trung nâng cao ý thức kỷ luật, hành động kỷ luật, con người kỷ luật trong đội ngũ nhân sự Thaco, hướng đến hình thành văn hóa kỷ luật. Thaco xem đây là điều kiện tất yếu để mở rộng sản xuất kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực của Công ty trong bối cảnh hội nhập. 8 yếu tố này liên kết, lồng ghép vào nhau linh hoạt trong mỗi ứng xử và mọi hoạt động của Thaco, con người Thaco.
Bên cạnh coi trọng tính kỷ luật, văn hóa Thaco luôn đề cao tính nhân văn “đóng góp, cống hiến cho xã hội” thông qua sản phẩm và dịch vụ cũng như thể hiện “trách nhiệm với xã hội” thông qua các hoạt động cộng đồng. Trong những năm qua, Công ty đã tài trợ hàng trăm tỷ đồng cho các chương trình cộng đồng để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn; xây tặng nhà tình thương, tình nghĩa; tặng học bổng vượt khó, học giỏi; tài trợ các chương trình văn hóa – văn nghệ - thể thao; đồng hành cùng các chương trình an sinh xã hội của địa phương; tham gia thực hiện chương trình An toàn Giao thông cùng với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; triển khai chương trình Hiến máu nhân đạo hàng năm trên toàn hệ thống…
Với những thành quả đạt được trong kinh doanh và những đóng góp cho cộng đồng xã hội, liên tục nhiều năm qua, Thaco đã được ghi nhận và vinh danh qua các giải thưởng: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ; Bằng khen của nhiều bộ, ngành; Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam; Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai; Top 10 Sao vàng đất Việt; Top 10 giải thưởng Thương hiệu Việt; Thương Hiệu Mạnh Việt Nam...
Làm sao trụ vững trước dòng xe nhập khẩu thuế 0%?
Tuy nhiên, với việc thực hiện cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu với ô tô và linh phụ kiện đã giảm theo lộ trình; xe nhập khẩu từ Asean ồ ạt tràn về Việt Nam hơn 1 năm qua. 7-10 năm nữa, thuế ô tô nhập từ châu Âu cũng giảm về 0%. Cũng như các doanh nghiệp nội, liên doanh khác, Thaco đã nghiên cứu các chiến lược phát triển mới để cạnh tranh trước “cơn lốc” xe nhập miễn thuế này.
Thaco đã khánh thành nhà máy sản xuất dòng xe Peugeot ở Chu Lai, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) với vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, cụm nhà máy có diện tích 7,5ha này sẽ xuất xưởng 200.000 xe/năm. Như vậy, sau Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật) thì Peugeot (Pháp) là dòng xe du lịch thứ 3 Thaco lắp ráp trong nước.
Năm 2017, Thaco cũng đã đầu tư 2.000 tỷ đồng để khánh thành nhà máy sản xuất, lắp ráp xe buýt lớn và xe buýt nhỏ với công suất 20.000 xe/năm.
Theo các chuyên gia ô tô, ngoài thị trường tiêu thụ lớn, Việt Nam còn nhiều lợi thế từ Hiệp định Thương mại Hàng hóa Asean (Atiga) về nhân công giá rẻ, chính sách ưu đãi cho ngành sản xuất ô tô.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Đồng, một chuyên gia thiết kế và tư vấn về công nghệ ô tô đã có thời gian sống và làm việc 38 năm ở Đức thẳng thắn cho rằng: Với ngành công nghiệp ô tô, thời gian giảm thuế theo EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU) 7-10 năm không phải dài, thậm chí trôi qua rất nhanh. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hơn 20 năm qua không phát triển được và giá bán xe trong nước cao hơn nhiều so với xe trong khu vực.
Nguyên nhân theo ông Đồng là ngành công nghiệp sản xuất linh kiện phụ trợ kém, bảo hộ dài nhưng doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, chính sách thuế không ổn định (đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cao)... Bởi thế, ông Đồng bày tỏ hy vọng các doanh nghiệp ô tô, trong đó có Thaco, sẽ có những chiến lược đúng để tạo sự cạnh tranh công bằng giữa xe nhập và xe lắp ráp, thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng, dù giá xe vẫn khó giảm sâu.