LTS: Hiện tại, có hàng triệu trẻ em đang phải di cư tới các quốc gia khác nhau bởi nhiều lý do như xung đột sắc tộc, chiến tranh, đói nghèo… Trên hành trình tìm miền đất hứa, nhiều trẻ em đã bị xâm hại những quyền cơ bản của con người. Việc bảo vệ quyền của trẻ em tị nạn và di cư vẫn là một thách thức liên tục và là một cam kết lâu dài từ nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới.
Những con số biết nói
Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, có đến 65,6 triệu người phải chạy nạn trong năm 2016 và mức độ trầm trọng ngày càng tăng do xung đột và bạo lực khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa. Bình quân cứ 3 giây lại có một người rơi vào tình cảnh mất nhà ở. Trong đó, chiếm một nửa số người tị nạn trên toàn thế giới là trẻ em dưới 18 tuổi, trong khi số lượng trẻ em chỉ chiếm 31% dân số toàn cầu. Đây là một sự thật đáng lo ngại, phản ánh thực trạng đáng buồn là trẻ em đã trở thành đối tượng chịu tác động mạnh từ các cuộc xung đột, chiến tranh gay gắt và đẫm máu.
Báo cáo của UNHCR ghi nhận Syria là nước có số người đi lánh nạn nhiều nhất thế giới, với 12 triệu người hiện tạm cư trú tại những nước láng giềng và các khu vực khác. Số người bị mất nhà cửa ở Colombia, Afghanistan, Iraq lần lượt là 7,7 triệu, 4,7 triệu và 4,2 triệu người.
Đáng chú ý, Nam Sudan nổi lên là địa điểm mới đáng quan ngại nhất trong năm 2016, khi các nỗ lực đàm phán hòa bình thất bại. Tổng số người phải rời bỏ nhà cửa ở Nam Sudan tính đến cuối năm 2016 là 3,3 triệu người.
Những bà mẹ xin tị nạn đến từ Trung Mỹ cùng con cái họ đang đợi được đưa đi sau khi vượt sông vào Mỹ. |
Gần 14 triệu trẻ em quốc tế di cư trên thế giới sống ở châu Á. Con số này đại diện cho 39% tổng số trẻ em di cư, mặc dù nó thực sự thấp hơn nhiều so với tỷ lệ dân số trẻ em toàn cầu của châu Á (55% tổng số trẻ em). Mặt khác, châu Âu và Bắc Mỹ là nơi sinh sống của 31% tổng số trẻ em di cư (11 triệu) - gấp 3 lần tỷ lệ của họ trong dân số trẻ em toàn cầu (9%). Khoảng 18% trẻ em di cư sống ở Châu Phi (6,2 triệu).
Các quốc gia có số lượng trẻ em di cư cao nhất thường có một trong hai đặc điểm. Một số, bao gồm Jordan, Iran, Uganda và Mexico, có tỷ lệ trẻ em trong tổng dân số di cư cao (lần lượt là 46, 42, 54 và 57%) .
Giữa cuộc khủng hoảng di cư này, bị kẹt ở giữa chính là các gia đình đem theo những đứa con nhỏ. Tuy nhiên, những đứa trẻ ấy phải trải qua rất nhiều gian khổ và đôi lúc gặp tổn thương về tinh thần khi chứng kiến cảnh cha mẹ, người thân qua đời. Trước khi tới được vùng đất mới, chúng phải ngủ bờ, ngủ bụi, may mắn lắm mới được đưa vào các trại tị nạn.
Canh bạc sống còn
Năm 2020, số người di cư quốc tế đạt 281 triệu người; 36 triệu người trong số họ là trẻ em. |
Vào giữa đêm 31/3, hai bé gái người Ecuador đã bị thả xuống từ bức tường cao 4 m ở biên giới Mỹ-Mexico trước khi được các sĩ quan Mỹ phát hiện. Hai bé gái đã được đưa đến trạm Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) ở Santa Teresa (bang New Mexico), được nhân viên y tế khám sức khỏe, sau đó được đưa đến bệnh viện địa phương.
Gloria Chavez, trưởng đặc vụ tuần tra của CBP tại Santa Teresa, bày tỏ sự kinh hoàng trước cách những kẻ buôn người thả rơi những đứa trẻ vô tội từ hàng rào biên giới. Nếu không được kịp thời phát hiện nhờ công nghệ cao, hai đứa trẻ có thể sẽ phải chịu điều kiện khí hậu khắc nghiệt của sa mạc trong nhiều giờ liền. Chavez cho biết các đặc vụ Mỹ đã phối hợp với các nhà chức trách Mexico tìm ra những kẻ phải chịu trách nhiệm cho vụ việc.
Năm 2015, một phóng sự của nhà báo Katya Adler đã miêu tả về những góc khuất trong hành trình của những đứa trẻ tị nạn ở các khu trại dành cho chúng tại Ý, điểm đến trước tiên quen thuộc của người nhập cư trong các năm qua khi tới châu Âu. Rất ít niềm vui và nụ cười, bởi rất đông các em đang bị dồn vào thế bị bỏ rơi và bóc lột. Nhiều em ngày càng lún sâu vào con đường phạm pháp.
Những trẻ em đến từ Trung Mỹ ngồi sau xe của lực lượng tuần tra biên giới Mỹ. |
Chạy trốn khỏi nỗi kinh hoàng ở quê nhà, một số em đã bị cưỡng hiếp và cướp bóc trong hành trình tới châu Âu. Khi đặt chân được tới đất liền, nhiều em tưởng đã qua khỏi trường đoạn khốn khổ. Nhưng đáng buồn là mọi việc không phải vậy. Phần lớn trẻ em di dân đang trở thành đối tượng bị bóc lột ngay từ đầu hành trình di cư. Ở miền nam nước Ý, tại một số trại tiếp nhận người tị nạn, mỗi ngày một đứa trẻ phải trả 75 euro (rất khác so với mức 35 euro/ngày/một người lớn).
Không thể giải quyết được quá đông lượng người nhập cư, chính quyền địa phương ở Ý đã cho phép các trung tâm tị nạn tư nhân cũng được phép mở cửa tiếp nhận trẻ em trong tình trạng quản lý không đảm bảo.
Phó Giám đốc điều hành UNICEF Justin Forsyth khẳng định: “Mỗi đứa trẻ tị nạn chính là một lời nhắc nhở về những thách thức to lớn mà thế giới phải đối mặt. Do đó, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong việc hỗ trợ những đứa trẻ di cư và tị nạn, vì chúng xứng đáng nhận được sự giúp đỡ”.
UNICEF cũng giới thiệu các biện pháp để tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em, bao gồm cả việc đào tạo các nhân viên xã hội, làm việc với các tổ chức phi chính phủ và các nhóm chuyên nghiệp để phát huy tối đa hiệu quả các chiến dịch hỗ trợ trẻ tị nạn. Tổ chức này cũng lên tiếng kêu gọi tăng cường nỗ lực tập thể của các chính phủ, cộng đồng và khu vực tư nhân để cung cấp các dịch vụ về giáo dục, y tế, nhà ở, dinh dưỡng, nước và vệ sinh, cũng như giúp trẻ em được hỗ trợ pháp lý và tâm lý xã hội. Theo UNICEF, đây không chỉ là trách nhiệm tập thể, mà còn vì lợi ích chung của toàn xã hội.
UNICEF mới đây cho biết, số lượng trẻ em di cư và tị nạn đi một mình trên các chuyến hành trình đến miền đất hứa, nhằm thoát khỏi đói nghèo và bạo lực đang ngày càng gia tăng. Điều này đặt các em trước những nguy cơ của việc bị lạm dụng trong chuyến hành trình của mình.
Theo ước tính, cứ 3 trong số 5 trẻ em di cư hay tị nạn đến phía Bắc từ khu vực Trung Mỹ và Caribe là nạn nhân của những kẻ buôn người. Trước tình hình trên, UNICEF đã kêu gọi nhóm 7 nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cam kết bảo vệ quyền lợi cho trẻ di cư và tị nạn bằng cách chấm dứt tình trạng tạm giữ trẻ em, tăng cường nỗ lực đoàn tụ gia đình, bảo đảm quyền được đi học và chăm sóc sức khỏe cho các em.
(Còn tiếp)