Gà Mông báo điều lành, dữ
Trong chuyến công tác tại tỉnh Cao Bằng, tình cờ PV được nghe mấy vị cán bộ văn hóa địa phương trò chuyện về hình tượng con gà trống trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, trong đó có Cao Bằng, đặc biệt là người Mông trên rẻo cao. Trong đó có tình tiết con gà trống biết dùng tiếng gáy của nó để báo điềm lành, dữ, hay, dở cho gia chủ cộng đồng, mà đôi khi vì tiếng gáy tiên tri đó, nó có thể phải trả giá bằng mạng sống. Câu chuyện vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân gian, vừa có chút ly kỳ, bí ẩn khiến PV lập tức bị thu hút.
Sức hấp dẫn về câu chuyện con gà trống tiên tri thôi thúc PV ngược đường, ngược núi lên các bản làng rẻo cao để tìm hiểu những phong tục tập quán, văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Mông. Những bản làng, mái nhà nằm lưa thưa trên các sườn đồi, núi cao của người Mông ở các huyện Nguyên Bình, Hòa An, Bảo Lâm, Bảo Lạc… nhìn bề ngoài tưởng chừng như buồn tẻ, thiếu sự gắn kết cộng đồng. Tuy nhiên, sự thật lại hoàn toàn ngược lại, dân tộc Mông có nhiều phong tục tập quán, văn hóa tâm linh mang tính đoàn kết cộng đồng rất cao, điển hình như lễ ma chay, đám cưới, các ngày lễ cúng tổ tiên, thần đá, thần đình làng, chợ tình… đều có tính tổ chức, đoàn kết rất cao.
Một trong số những nét văn hóa tâm linh của đồng bào Mông không thể không kể đến sự liên quan của con gà trống. Qua các lớp thế hệ, người Mông vẫn truyền dạy nhau về truyền thuyết “mặt trăng, mặt trời” cũng như vai trò, công lao to lớn của loài gà trong việc đánh thức mặt trăng, mặt trời xuất hiện luôn phiên nhau thông qua tiếng gáy.
Lễ đón dâu không thể thiếu con gà trống để cúng lên bàn thờ. |
Theo truyền thuyết của người Mông kể rằng, ngày xưa mặt đất có tới 9 mặt trăng, 9 mặt trời chiếu sáng. Vì thế mà trái đất dần trở nên khô cằn, vạn vật có nguy cơ bị hủy diệt. Lúc đó, có một người đã dùng nỏ giương bắn khiến mặt trăng, mặt trời sợ đến nỗi trốn đi hết. Trái đất trở nên âm u và tối tăm. Lúc này, loài người và loài vật mới họp nhau lại, bàn cách để tìm được mặt trăng, mặt trời, nhưng tất cả đều lắc đầu, bó tay. Không ngờ trong lúc đó con gà trống cất tiếng gáy, mặt trăng và mặt trời luân phiên nhau xuất hiện. Từ đó trở đi, gà trống đảm nhiệm công việc gọi mặt trăng, mặt trời. Bởi lẽ đó, từ lâu trong sâu thẳm tiềm thức của người Mông, con gà là con vật linh thiêng.
Không chỉ vậy, đối với người Mông, con gà trống còn có khả năng thông báo điềm lành, dữ. Là một người bạn đồng hành trong đời sống hàng ngày, tiếng gáy của con gà trống đánh thức cho người Mông lên nương, làm rẫy, gọi mọi người trở về nhà khi đã sang canh. Và theo các cụ cao niên ở huyện Hòa An (Cao Bằng), nếu gà gáy thất thường thì tất có chuyện lành hoặc dữ. Thường thì gà trống gáy đúng cữ vào sáng sớm và trưa.
Nếu đột nhiên con gà không gáy hoặc gáy thất thường, không đúng giờ giấc thì đó là điềm báo không lành. Khi ấy, theo phong tục, gia chủ sẽ đi ra chuồng nói vài câu và vẩy vài hạt ngô để xua điều không may mắn. Còn cách xua đuổi điềm gở hiệu nghiệm nhất là cắt luôn cổ con gà vứt đi coi như một vật thay thế dựa trên câu “của đi thay người”. Ngược lại, nếu gà trống của nhà nào gáy vào lúc trời chập tối thì đó lại là điều lành, những chuyện xui xẻo vừa định đến nhà “trú ngụ” qua đêm thì đã bị tiếng gà gáy xua đuổi.
Theo nghiên cứu của TS. Trần Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, vào dịp Tết, người Mông bao giờ cũng bắt một con gà trống đặt cúng trước bàn thờ, sau đó đem cắt tiết rồi thả trong nhà. Họ sẽ quan sát xem đầu của con gà quay về hướng nào để đoán định công việc làm ăn trong năm ấy thất hay phát.
Nếu lúc giãy chết, đầu con gà quay về nơi thờ ma nhà hoặc buồng chủ nhà thì năm đó gia đình sẽ làm ăn phát đạt, nhưng nếu con gà quay đầu ra cửa thì coi như năm đó hao tiền tốn của, gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, người ta phải bắt con gà khác cúng lại. Nếu như con gà vẫn có biểu hiện như vậy phải mời thầy cúng về hóa giải. Vào đầu năm mới, đồng bào Mông lấy máu gà và lông gà bôi lên bàn thờ tổ tiên, bàn thờ ma nhà, bàn thờ cột ma nhà, bàn thờ thần cửa và tất cả những vật dụng trong gia đình. Họ cho rằng làm như thế thì mọi điều may mắn sẽ đến với họ.
Thậm chí người Mông còn dùng lông gà dán lên bàn thờ để cầu may mắn. |
Lễ đón dâu phải có con gà trống
Ngay từ khi còn là bào thai nằm trong bụng mẹ, cuộc sống của một người Mông đã gắn liền với con gà. Theo phong tục của người Mông, khi một phụ nữ mang thai bắt buộc họ phải được ăn thịt gà, dù giàu hay nghèo, người phụ nữ đó cũng phải có con gà tẩm bổ. Nhưng tuyệt đối chỉ ăn phần thịt, được nấu riêng một nồi với hạt tiêu, mà không được ăn phần cánh, chân, đầu, cổ. Có như thế, đứa trẻ sinh ra mới khỏe mạnh, không ốm đau.
Anh Sùng A Tua ở xã Quý Quân, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) cho hay: “Khi đứa trẻ sinh ra được 3 ngày, bất kể là con gái hay con trai gia đình sẽ làm lễ đặt tên cho đứa bé. Khi ấy không thể thiếu một đôi gà 1 trống, 1 mái để thầy cúng gọi hồn đứa trẻ và cảm ơn ma cửa, ma nhà từ nay sẽ bảo vệ đứa trẻ khỏe mạnh, lớn lên không bệnh tật, ốm đau. Khi chọn gà cúng không được lấy gà có bộ lông trắng hay màu xám lẫn lộn màu trắng bởi với người Mông, đây là màu của tấm vải lanh làm chăn cho người chết đắp, nó sẽ trở thành mối nguy hại cho đứa trẻ nếu lấy con gà có màu sắc như vậy để cúng trong ngày làm lễ đặt tên”.
Không những thế, con gà cũng là con vật để người Mông gửi gắm niềm tin đem lại may mắn và chữa lành bệnh cho trẻ con bị thương tích, ốm đau. Người Mông quan niệm, con người luôn có hai phần: linh hồn và thể xác. Khi một đứa trẻ bị ốm, ấy là lúc phần hồn bị đi lạc, lang thang đâu đó. Bởi vậy phải có con gà đưa đường chỉ lối, đi gọi hồn về lúc đó mọi bệnh tật sẽ biến mất.
Ngoài ra, trong đám cưới, khi đưa dâu về nhà chồng phải có một đôi gà để gọi hồn cho cô dâu. Khi mọi người đứng ở trước cửa nhà, nhà trai sẽ có một người đại diện cầm đuốc lửa, con gà trống sẽ gọi hồn báo hiệu cho đình, cho bàn thờ và tất cả các loại ma nhà, ma cửa, ma bếp lò… nhà mình có thành viên mới để tổ tiên công nhận người cháu dâu.