“Đày thân” trong “tổ chim, ổ chuột”
Trong căn phòng chật chội, già nua của khu nhà H1 (tổ 6, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội), 4 chiếc quạt máy hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đủ mát cho các thành viên gia đình bà Nguyễn Thị Nội quanh mâm cơm trưa. Nhà bà có đến 11 người, mà tổng diện tích chỉ có 29m2. Riêng việc nhồi nhét quần áo, đồ dùng đã chật, chưa nói đến sinh hoạt hàng ngày.
Bà Nội cho biết: “Ở khu nhà H1 này, hầu như hộ dân nào cũng phải cơi nới và rất dễ thấy những chỗ nứt toang hoác. Mỗi một cái “tổ chim” được tạo ra là có một hộ sinh sống. Gia đình tôi được cấp căn hộ 114 từ năm 1976, tổng thể chỉ có 29m2. Nhiều năm qua đây là chỗ quây quần của hai hộ, đồ đạc ngổn ngang, vô cùng chật chội. Nhưng tôi thấy vẫn còn sướng, nhiều hộ chỉ có 20m2 nhưng có mấy “sổ hộ khẩu”. Người dân chúng tôi rất khao khát khu nhà được sửa chữa, cải tạo để thoát khỏi cuộc sống khổ cực”.
Nhà E4 trước đây được Trường Đại học Y dùng làm chỗ cho sinh viên ở, sau đó chia các phòng 24m2 ra làm đôi để phân cho cán bộ, giáo viên của trường. Cả tòa nhà 4 tầng chỉ có một khu vệ sinh ở tầng một, do chật chội, bất tiện, hầu hết các hộ dân đã cơi nới, dùng một đường ống hút nước về dùng và bắc một đường nước thải lộ thiên “đổ trực tiếp xuống mương”. Bà Thu phản ánh: “Mùa đông còn đỡ, vào mùa hè tất cả các phòng đều nóng, bí như cái lò bánh mỳ. Ngày rằm, mồng một nhiều hộ đốt vàng mã, hun luôn các hộ ở đây…”.
“Nút thắt” khó gỡ
Từ năm 2005, UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch về việc cải tạo và xây dựng các khu chung cư cũ, xuống cấp trên địa bàn thành phố với thời hạn hoàn thành vào năm 2015. Thế nhưng, đến nay tiến độ mới chỉ đạt khoảng 2%, đa số vẫn ở giai đoạn đề xuất, nghiên cứu, làm thí điểm.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo UBND TP.Hà Nội kiểm tra thực tế tình trạng xuống cấp, nguy hiểm của các tòa nhà chung cư cũ nát ở Hà Nội và bàn giải pháp xây dựng lại. Các cơ quan chức năng đánh giá, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nát hiện nay vô cùng phức tạp và khó khăn.
Hiện Hà Nội còn hơn 1.150 nhà chung cư cũ cao 4-6 tầng và 10 khu nhà 1-3 tầng được xây dựng đã nhiều năm. Rất nhiều chung cư xuống cấp ở mức độ báo động (mức độ D) như nhà E6 Thành Công, C8 Giảng Võ... nhưng chưa triển khai cải tạo, xây dựng lại được, do vướng mắc lợi ích giữa ba bên là Nhà nước - doanh nghiệp - người dân.
Còn chị Minh Hạnh bày tỏ: “Không biết đi đến nơi ở mới, cuộc sống có bảo đảm không hay lại tiếp tục lâm vào bế tắc. Nếu được tái định cư, thành phố cho xây cao tầng hơn, chúng tôi có cơ hội được ở lại là tốt nhất”.
Tương tự, việc cải tạo, xây mới những chung cư cũ trong khu vực nội đô khác cũng vấp phải tình trạng vướng nhiều vấn đề trong triển khai dự án và thiếu sự đồng thuận của người dân. Ông Đinh Quốc Trung (Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự, quận Đống Đa) cho biết: “52 KTT trên địa bàn phường đều đã xuống cấp. Từ gần chục năm trước, phường chúng tôi đã thuộc diện được xây mới chung cư để đáp ứng đủ cho người dân. Nhà đầu tư đòi xây 17 tầng, nhưng thành phố chỉ cho 9 tầng nên đến giờ mọi chuyện vẫn ở con số “0”. Đông đảo người dân mong mỏi được cải tạo, hoặc được tái định cư để có điều kiện sống tốt hơn, nhưng tình hình này thì chưa biết đến bao giờ dự án mới khởi công”.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội đang đề xuất phương án xin phép cho các doanh nghiệp nâng cao số tầng. Số tầng đó vừa để tái định cư cho người dân, số khác dôi dư, dành để kinh doanh thì doanh nghiệp mới có lãi. Đây là vấn đề “nóng” và là một nút thắt khó gỡ, khi mà các doanh nghiệp ngại đầu tư cho các dự án vì bị khống chế số lượng tầng cao.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo cho biết: “Nếu không cho tăng tầng cao thì rất khó bố trí nguồn ngân sách lớn cho việc cải tạo nhà chung cư cũ. Sự không đồng thuận đang là rào cản, thách thức cho quá trình thực hiện cải tạo chung cư cũ. Cần thống nhất quan điểm coi việc xây dựng, tái thiết nhà chung cư cũ là trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền các cấp và của người dân, không đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp”.