Thực phẩm bị làm giả, làm nhái nhiều
Vấn đề hàng giả đang gây nhức nhối cho xã hội, khiến người dân hoang mang, ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp, làm thất thu thuế của Nhà nước. Trong thời kỳ hội nhập, tình trạng này làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phản ánh: “Hàng giả ảnh hưởng không nhỏ về kinh tế, sức khỏe người tiêu dùng. Người dân phải đối mặt với những mặt hàng trong “mê cung”, vàng - thau lẫn lộn”.
Thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) cho thấy, năm 2014 các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 21.645 vụ hàng giả. Hàng giả xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, tập trung tại một số ngành hàng như: mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, mũ bảo hiểm, rượu - bia - nước giải khát, phân bón…
Ông Nguyễn Trọng Tín – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, quy mô cũng như số lượng hàng giả, hàng nhái bị bắt giữ năm sau cao hơn năm trước. Trong quý I/2015, Cục đã kiểm tra, kiểm soát trên 4.000 vụ hàng giả, hàng nhái, trong đó quan tâm nhiều đến mặt hàng thực phẩm. Nhiều vụ nổi cộm đã được cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng biên giới, biên phòng, hải quan.
Gia tăng hàng giả xuất xứ
Theo đánh giá của các bộ, ngành, nguyên nhân chính dẫn tới việc hàng giả tràn ngập thị trường Việt Nam trong những năm gần đây là do các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự vào cuộc cùng cơ quan chức năng, sự phối hợp giữa các ban ngành chưa đồng bộ. Trong khi đó việc tuyên truyền đến người dân chưa thực chất.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, so với thực trạng sản xuất, buôn bán hàng giả trên thị trường thì kết quả phòng, chống hàng giả thời gian qua vẫn chưa tương xứng vì một số cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc quyết liệt.
Do vậy, để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả trong thời gian tới, lực lượng chức năng các địa phương đóng vai trò quan trọng, nhất là ở các tuyến biên giới, lực lượng biên phòng, hải quan và cảnh sát biển.
Cùng với đó là phát huy lực lượng quản lý thị trường, công an và thuế cũng như các cơ quan báo chí trong việc phát hiện, tuyên truyền phổ biến cho người dân phân biệt được hàng giả, hàng nhái, không mua, tiếp tay, bao che cho các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái...