Thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy, khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thuộc lĩnh vực quản lý đất đai là loại việc khó, phức tạp nên chất lượng giải quyết các khiếu kiện này của TAND cấp huyện còn hạn chế, số vụ án bị hủy, sửa vẫn còn cao, khoảng từ 4-5%/năm so với tỷ lệ trên dưới 1%/năm đối với các loại án khác.
Để tránh cho TAND cấp huyện tâm lý e ngại hay tình trạng bao che, không bảo đảm tính khách quan khi giải quyết các khiếu kiện cấp huyện, Dự thảo Luật Tố tụng Hành chính (TTHC) đã giải quyết bằng qui định chuyển các khiếu kiện này lên TAND cấp tỉnh giải quyết.
Tuy vậy, việc giải quyết các khiếu kiện liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của lãnh đạo, chính quyền cấp tỉnh thì Dự thảo Luật lại chưa có cơ chế nào tương ứng.
Cũng chính từ đó, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên qui định hiện hành về thẩm quyền của TAND cấp huyện để bảo đảm phù hợp với định hướng cải cách tư pháp theo hướng tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện.
Ông Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh bày tỏ: “Không dồn lên cấp tỉnh để TAND cấp huyện thực hiện quyền tư pháp, bảo về quyền lợi của người dân”. Còn ông Trần Văn Tú – nguyên Phó Chánh án TANDTC đề nghị dành cho người khởi kiện quyền lựa chọn Tòa án cấp huyện hoặc cấp tỉnh xử lý các khiếu kiện liên quan đến cấp huyện.
Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên |
Bên cạnh đó, thực tế không Chủ tịch nào chịu ra Tòa, thỉnh thoảng Phó Chủ tịch được ủy quyền xuất hiện, còn chủ yếu là Trưởng phòng hay Chánh Văn phòng UBND nên không giải quyết được gì.
“Vì thế, nếu Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND bị kiện thì bắt buộc phải ra hầu Tòa, không thể được ủy quyền” – Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh cương quyết đề nghị. Đồng tình quan điểm về “câu chuyện hầu Tòa của các “quan” trong TTHC”, ông Đỗ Ngọc Bảo – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Có như vậy mới bảo vệ được toàn quyền của người khởi kiện vốn luôn có vị thế yếu hơn so với người bị kiện”.
Tuy nhiên, Phó Chánh án TANDTC Bùi Ngọc Hòa lưu ý, nếu qui định cứng không cho ủy quyền thì trong điều kiện hiện nay, Chủ tịch chỉ suốt ngày đi hầu Tòa và cũng vi phạm quyền tố tụng về việc ủy quyền tham gia tố tụng.
Do vậy, “Dự thảo qui định việc ủy quyền trong TTHC phải do Tòa án quyết định, và người được ủy quyền phải có toàn quyền quyết định những vấn đề có liên quan đến vụ án, không thể ủy quyền cho một người đến Tòa án chỉ để hoãn phiên tòa, về xin ý kiến khiến vụ án kéo dài.