Lãnh đạo của 20 Sở Tư pháp TP.HCM, TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và đồng bằng sông cửu long đã tham dự.
Tạo thuận lợi cho người dân
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC), Bộ Tư pháp – chủ toạ hội nghị cho rằng đây là buổi giao ban quan trọng nhằm triển khai có kết về công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC). Theo ông Phan, khi đã tin học hoá được 100% phần mềm đến các cấp việc này sẽ tiến tới thực hiện báo cáo không giấy từ cấp xã lên cấp Sở và Trung ương. Đây là lần đầu tiên triển khai đưa công nghệ thông tin vào CCTTHC, KSTTHC từ cơ sở. Một khi chuẩn hoá được công nghệ vào tất cả các cấp thì chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã sẽ biết được việc làm của thuộc cấp mình làm cho người dân đang đến đâu và hiện như thế nào thông qua các báo cáo cập nhật liên tục từ cấp dưới của mình.
Theo Bộ Tư pháp, Năm 2014, công tác CCTTHC nói chung và KSTTHC nói riêng trên cả nước đã đi vào nề nếp và trở thành nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Kết quả của CCTTHC, KSTTHC đã giúp đơn giản hoá và công bố, công khai hàng nghìn thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời song dân sinh. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính trong việc tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính.
Tính đến quý I, năm 2015, các Bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản QPPL để đơn giản hoá 4.431 thủ tục hành chính trên tổng số 4.723 thủ tục hành chính phải đơn giản hoá; đạt tỷ lệ 93,8%, tăng 1,0% so với kết quả cuối năm 2014.
Bộ Tư pháp cũng cho biết, công tác CCTTHC, KSTTHC được tổ chức thực hiện tốt tại các Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Quốc Phòng, Tư pháp; các tỉnh như: Quảng Ngãi, Tuyên Quang, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Thái Bình và Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, tại một số đơn vị, việc triển khai vấn đề này còn hạn chế như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, tỉnh Thanh Hoá. Bên cạnh đó, đã có 24/24 Bộ, ngành, 51/63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương đã ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện qua đó nhằm phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị trực thuộc và yêu cầu đảm bảo chất lượng, tiến độ thời gian.
Qua theo dõi, Bộ Tư pháp nhận thấy, ở các Bộ như: Lao động Thương bình và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc Phòng, Tư pháp; các tỉnh, thành như: TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Lâm Đồng, Hà Nam, Quảng Bình, Phú Yên, Vĩnh phúc đã rất chủ động, tích cực trong việc tổ chức thực hiện vấn đề nêu trên.
|
Cải cách hành chính tạo thuận lợi cho người dân, ảnh MH |
Khó trong công tác nhân sự
Ông Nguyễn Văn Hạnh, giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM chia sẻ: Chúng tôi cố gắng làm sao để người dân, doanh nghiệp đến bất cứ nơi nào (sở, ngành, UBND các cấp) trên địa bàn TP đều nhận biết được cách làm và biết được hồ sơ của mình đã và đang được cơ quan Nhà nước thực hiện đến đâu để họ chủ động trong công việc. Chứ không nên để khi nói đến CCHC mà ai đó phải ngơ ngác không hiểu gì. Và tại Sở chúng tôi, đường dây nóng góp ý về CCTTHC hoạt động 24/24 giờ để người dân, doanh nghiệp có thể phản hồi, góp ý vào đây, từ đó chúng tôi tiến hành xử lý thông tin…
Tiếp theo lời ông Hạnh, bà Tống Thị Thanh Nam, phó giám đốc Sở Tư pháp TP. Hà Nội cho biết, ngoài các sở, ngành, hiện ở Hà Nội còn triển khai thí điểm CCTTHC ở hai đơn vị dịch vụ công ích. Với suy nghĩ rằng, không phải chỉ CCTTHC ở các cơ quan công quyền mà ngay cả đơn vị công ích cũng nên áp dụng.
Ông Phan Văn Châu, phó giám đốc Sở Tư pháp Đồng Nai cho biết: Đồng Nai đã xây dựng được bộ TTHC cấp huyện, xã và bộ TTHC cho 19 sở, ngành. Bên cạnh đó, do Đồng Nai là 1 trong 4 địa phương được trung ương chọn thí điểm mô hình văn phòng đăng ký một cấp. Cho nên trước đây khi triển khai nghị định liên quan đến Luật Đất đai Đồng Nai gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, Đồng Nai đã nhanh chống khắc phục thực trạng này nhằm tạo thuận tiện cho người dân.
Theo ông Châu, tới đây trên địa bàn Đồng Nai có 26 xã đưa vào thực hiện “một cửa hiện đại”, tuy nhiên vẫn gặp “khó” trong triển khai thực hiện phần mềm, nhất là đường truyền và hệ thống máy tính… Cũng có ý kiến cho rằng, mỗi lần có nghị định mới, trung ương cần có thông tư hướng dẫn kịp thời. Bởi khi có luật mới, hay nghị định mới thì địa phương gặp lúng túng trong xử lý công việc, bởi đây là thời điểm giao thoa giữa luật mới và cũ...
Ông Phan chia sẻ với các địa phương: Thực tế nếu ở hai xã mà có hai nhà thầu khác nhau thực hiện cung cấp công nghệ thì giữa hai xã đó chưa chắc kết nối được, vì mỗi nhà thầu lại có thể ứng dụng công nghệ khác nhau. Cũng nói về cái khó trong việc CCTTHC và KSTTHC, đại diện Sở Tư pháp Trà Vinh và nhiều tỉnh khác đều cho rằng, quả thật họ gặp khó trong công tác nhân sự. Như ở Trà Vinh phải sử dụng cán bộ của Sở để làm luôn công tác CCTTHC. Tuy không như mong đợi nhưng công việc vẫn “chạy được”.
Bà Phan Thị Bình Thuận, phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM thì nói: Khó khăn hiện nay của chúng tôi là sự lúng túng của các sở, ngành trong việc phối hợp và xây dựng liên thông trong CCTTHC. Và có những thủ tục phụ thuộc vào Trung ương nên tính chủ động của địa phương không được phát huy. Vì vậy bà Thuận nêu kiến nghị để có thể được cơ quan có thẩm quyền xem xét…
CCTTHC có 8 nhóm nhiệm vụ chung được giao cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện gồm: Hoàn thiện thể chế về giao dịch và đăng ký giao dịch bảo đảm, đẩy mạnh XHH dịch vụ công; Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh CCTTHC, rà soát, đơn giản hoá, bãi bỏ thủ tục hành chính không cần thiết; Công khai minh bạch các thủ tục hành chính; Triển khai, thiết lập hệ thống thông tin về phản ánh, kiến nghị và giải quyết thủ tục hành chính; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính; Triển khai đồng bộ, hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong việc thực hiện thủ tục hành chính.