Ông Trần Văn Thạch – Giám đốc Cty Nam Sơn phản ánh: năm 2010, Cty Nam Sơn ký (hợp đồng hợp tác được gia hạn vào ngày 01/01/2015) Hợp đồng xây lắp với Cty TNHH Hồng Hà về việc đầu tư xây dựng cơ bản mỏ và khai thác chế biến đá tại núi thung Đền Bà Oanh (xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Mỏ đá này được cấp phép cho Cty TNHH Hồng Hà vào ngày 31/8/2010. Trong quá trình hợp tác, Cty Nam Sơn luôn chấp hành đầy đủ các quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của các bên theo đúng thỏa thuận; sản xuất đảm bảo an toàn, hiệu quả và nộp ngân sách cho Nhà nước đầy đủ.
Tuy nhiên, ngày 31/10/2016, Cty Nam Sơn bất ngờ nhận được Thông báo số 01/2016-TB do Giám đốc Cty TNHH Hồng Hà - ông Nguyễn Huy Cường ký ban hành với nội dung “đóng cửa mỏ, dừng sản xuất và khai thác đá từ ngày 01/11/2016” với lí do “để đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên, công nhân trong quá trình khai thác, sản xuất”.
Việc cho đóng cửa mỏ một cách “bất ngờ” của Cty TNHH Hồng Hà khiến những dây chuyền nghiền sàng, thiết bị khoan, ô tô, máy xúc của Cty Nam Sơn vẫn nằm im lìm bất động nhiều tháng nay, có nguy cơ hỏng hóc nghiêm trọng.
Theo ông Trần Văn Thạch, nỗi khát khao của người lao động chân chính đột ngột bị ép buộc mất việc làm do bị đối tác lật lọng mà ông gọi là “ông chủ mỏ tay không bắt giặc” Nguyễn Huy Cường – Giám đốc Cty TNHH Hồng Hà khi ông này đơn phương đóng cửa mỏ đá không có lý do gần 3 tháng nay.
Nguyên do gì mà hai công ty từng một thời là đối tác mặn nồng nay lại coi nhau như kẻ thù? Ông Thạch cho biết, Cty Nam Sơn có đủ năng lực, thiết bị, phương tiện và nhân lực nên cách đây nhiều năm (từ năm 2010) có ký Hợp đồng hợp tác với ông Nguyễn Huy Cường - Giám đốc Cty TNHH Hồng Hà (đơn vị được UBND tỉnh Hà Nam cấp phép khai thác mỏ) để sản xuất khai thác mỏ. Theo đó, ông Cường đến nay vẫn không có gì ngoài giấy phép khai thác mỏ, “nhưng ông ấy hành công ty chúng tôi đủ kiểu, nào là phải nộp nhiều khoản tiền lớn hơn thỏa thuận, nào là các chi phí khác với cả trăm lý do không đâu và đâu. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng đáp ứng bởi chỗ ông Cường có giấy phép khai thác mỏ. Vậy mà đến ngày 28/10/2016, ông Cường định đẩy chúng tôi ra bằng thông báo đóng cửa mỏ, đồng nghĩa với việc mọi thỏa thuận trong hợp đồng đã ký bị rũ bỏ, giá trị đầu tư xây dựng cơ bản của chúng tôi có xác nhận của ông Cường trị giá hơn 32 tỷ đồng đã và đang bị ông Cường chiếm dụng…”, ông Thạch cho biết.
Tại mỏ đá thung Đền Đà Oanh, đập vào mắt chúng tôi là rất nhiều băng rôn “Yêu cầu Cty TNHH Hồng Hà trả tiền đầu tư xây dựng dự án mỏ đá trên 32 tỷ đồng; trả tiền bồi thường đền bù thiệt hại sản xuất”. Nhiều lao động tại đây cho biết, phải căng biểu ngữ như vậy để đánh thức tình người và chút công lý trong con người ông Cường, vì chúng tôi có việc làm thì mới có tiền nuôi vợ con. Giờ ông ấy ngang nhiên dừng khai thác mỏ không có lí do rõ ràng, thì đúng là không biết ông ta có còn nghĩ tới những người lao động trong công ty đối tác như chúng tôi đây không?
Được biết, cách đây gần chục năm, Cty TNHH Hồng Hà vẫn do ông Nguyễn Huy Cường làm Giám đốc đã từng là bị đơn trong một vụ kiện đòi nợ 26.534 USD và 37000 EUR của một đối tác từng hợp tác với ông Cường, vụ kiện cũng phải mấy năm mới kết thúc.
Ông Thạch thông tin thêm, mới đây UBND tỉnh Hà Nam đã có Văn bản số 25/UBND-NN&TNMT ngày 06/01/2016 giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu về việc đóng cửa mỏ của Cty TNHH Hồng Hà cũng như đề nghị của Cty Nam Sơn trong việc tranh chấp mỏ với Cty TNHH Hồng Hà.
Hy vọng với sự chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Nam, cũng như Sở TN&MT và các đơn vị liên quan vào cuộc mọi việc sẽ được giải quyết thỏa đáng. Có như vậy, người lao động nơi đây mới có việc làm để đảm bảo cuộc sống gia đình.