Phá rừng trồng keo
Theo chân một người dân địa phương tên P, chúng tôi băng qua những cánh rừng keo, đến suối Nà Cau, đoạn chảy ra sông Tranh. Tại đây, chúng tôi bắt đầu lội bộ lên dốc Giằng Mặt thuộc tiểu khu 577. Ông P cho biết, rừng phòng hộ Tiên Lãnh giờ chỉ còn 2 tiểu khu 556 và 557. Những tiểu khu khác như 551, 552, 553 đã bị “xóa sổ” cách đây vài năm. Hiện tại, những khu vực rừng bị “xóa sổ”, cây keo đã lớn và có thể khai thác.
Tại tiểu khu 557, nhiều khoảnh rừng bị phá nham nhở, hàng trăm gốc cây nằm phơi giữa nắng, bên cạnh, nhiều thân cây vẫn còn nằm la liệt. Những cây có đường kính 60-80cm đã bị cưa lấy gỗ. Những cây có đường kính từ 20-50cm còn trơ gốc, bao phủ bởi lớp cháy đen.
Có khoảng 5 héc-ta đã được phủ bởi những cây keo mới trồng. Keo cao khoảng 30cm, mọc xen lẫn gốc, thân cây gỗ đã bị đốn hạ, đốt cháy xém trước đó. “Khu vực này vốn là rừng tự nhiên, một năm trước bị người dân đốn hạ. Sau đó, họ đưa cây keo đến trồng”, người dẫn đường nói với chúng tôi.
Theo chân người này, chúng tôi vào sâu trong rừng. Khi đến suối Cửa Cá đổ ra sông Tranh, chúng tôi thấy một con đường in đậm dấu gỗ bị kéo bằng trâu. Mức độ mòn của con đường do gỗ “lết” hằn sâu xuống đất cả mét. Điều đó cho thấy lượng gỗ mà trâu đã kéo qua đây vô cùng khủng khiếp.
“Phía trong, rừng bị chặt hạ hết rồi, họ để lại một ít cây phía ngoài làm bình phong. Do đó, đứng từ xa rất khó phát hiện, phải đi vào trong mới chứng kiến rừng bị chặt phá tan hoang” - ông P cho hay.
Hàng chục héc-ta rừng bị xóa sổ |
Từ suối Cửa Cá đi bộ hơn 30 phút chúng tôi tận mắt nhìn thấy cả một khu rừng rộng lớn hàng chục héc-ta bị đốn sạch. Bạt ngàn cây gỗ lớn hơn một người ôm nằm ngổn ngang. Tại hiện trường, những loài gỗ quý được người dân cắt khúc, một số đã cưa xẻ cho trâu kéo đưa tra khỏi rừng, một số chưa kịp khai thác đang còn nằm lại.
Tại đỉnh đồi Khu Tưởng Niệm, thuộc tiểu khu 556, chúng tôi cũng bắt gặp nhiều cánh rừng bị “bức tử”. Trong đó, có những khoảnh rừng đã bị “cạo trọc” để trồng keo và keo đã mọc cao gần nửa mét. “Thực trạng phá rừng xảy ra nhiều năm nay, có hàng trăm héc-ta bị xóa sổ nhưng không thấy cơ quan chức năng ngăn chặn”, một người dân cho biết.
Chúng tôi rất ngạc nhiên bởi đường sá đi lại rất khó khăn, việc vận chuyển keo sau khi thu hoạch là bài toán không đơn giản. Khi nghe chúng tôi thắc mắc về điều này, một người dân địa phương trả lời: “Hiện thủy điện Sông Tranh 3 đang xây dựng, khi tích nước gây ngập do đó không thể vận chuyển về hướng xã Tiên Lãnh tiêu thụ. Chủ rừng keo sẽ mở đường vận chuyển qua hướng thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My). Họ “đi tắt đón đầu” đấy, phá rừng để trồng keo kiếm lợi nhuận, việc mở đường không có gì khó khăn”.
Theo tìm hiểu được biết, vùng Lãnh - Ngọc - Hiệp (cụm từ người dân thường gọi cho 3 xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Hiệp thuộc huyện Tiên Phước) có diện tích rừng tự nhiên khá lớn còn sót lại. Chỉ riêng xã Tiên Lãnh, diện tích rừng phòng hộ nơi đây khoảng 2.000 héc-ta. Thế nhưng hiện nay đã có hơn 100 héc-ta bị “xóa sổ”.
Chính quyền địa phương và ngành chức năng nói gì?
Người dân xã Tiên Lãnh cho biết, trước đây do thiếu đất sản xuất, diện tích rừng tự nhiên gần khu vực dân cư nên người dân địa phương cũng có phá để trồng keo. Còn thời gian gần đây, người ở nơi khác đến thuê người dân tộc thiểu số chặt phá rừng. Hỏi họ làm cho ai thì họ chỉ nói là ông chủ gọi đi làm chớ không dám nói tên.
Một người dân địa phương tên H kể: “Trước đây, một số hộ có rừng sản xuất giáp với rừng phòng hộ tiểu khu 556 nên đã tự ý cơi nới bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính từ 3 đến 20 triệu đồng. Cụ thể, như anh Võ Xuân Hùng tự ý xâm chiếm 8 sào thì bị phạt 5 triệu, chị Thu tự ý phá 10 sào đất rừng phòng hộ bị phạt 3 triệu đồng, anh Tân phá hơn 10 héc-ta bị phạt 23 triệu đồng…
Cũng theo ông H, sau đó người dân địa phương không dám tự ý phá rừng nữa. Còn diện tích lớn rừng bị phá hiện nay là do người ở địa phương khác thực hiện. “Người dân địa phương chúng tôi không đủ điều kiện để thực hiện. Bởi việc phát cây con trong rừng nguyên sinh trước khi đốn hạ đã mất 2,5 triệu đồng một héc-ta. Tiếp đến thuê người dùng cưa máy đốn hạ, tiền công mỗi ngày vài triệu đồng. Để “xóa sổ” hàng chục ngàn héc-ta, số tiền thuê nhân công lên đến gần trăm triệu đồng”, ông H giải thích.
Ông Lê Văn Sơn, Bí thư xã Tiên Lãnh xác nhận, việc người dân phá rừng phòng hộ lấy đất trồng keo diễn ra từ lâu. Nguyên nhân do cây keo đem lại giá trị cao nên người dân lén lút chặt phá rừng tự nhiên. Ông Sơn dẫn chứng tháng 3/2016, chính quyền phát hiện ông Đinh Văn Hiếu (xã Tiên Hiệp) thuê 3 người đốn hạ hơn 1 héc-ta rừng và đang chuẩn bị chặt phá hơn 3 héc-ta tại khoảnh 6, tiểu khu 577. Chính quyền xã lập biên bản bàn giao cho kiểm lâm xử phạt ông Hiếu 750.000 đồng.
Đường trâu kéo gỗ hằn sâu xuống đất |
Theo ông Sơn, địa phương có hơn 3.000 héc-ta rừng sản xuất và tự nhiên. Diện tích rất lớn nhưng chỉ có một kiểm lâm địa bàn phụ trách, do người ít nên khó quản lý hết được.
“Mỗi khi tổ chức tuần tra thì bị người dân theo dõi và gọi điện thông báo cho người phá rừng chạy thoát. Quá trình tuần tra nhiều lần nhưng không thể bắt tại chỗ người dân đang phá rừng”, ông Sơn nêu khó khăn và thông tin thêm, chính quyền đã nhiều lần yêu cầu cấp trên tăng cường lực lượng cho địa phương để bảo vệ rừng, tuy nhiên đến nay chưa được chấp thuận.
Còn ông Bùi Văn Tưởng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam thì cho hay, rừng phòng hộ xã Tiên Lãnh được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tiên Phước ký hợp đồng với người dân bảo vệ. Ngày 17/8, lực lượng tổ chức truy quét bắt được 7 người đồng bào Ca Dong huyện Bắc Trà My đang phá rừng tại khoảnh 5, tiểu khu 556.
“Số người này khai đi làm thuê cho ông Phùng Văn Bảy (xã Tiên Lãnh). Qua kiểm đếm có 7 héc-ta rừng bị phá. Trong vài ngày tới cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường để điều tra, xử lý”, ông Tưởng nói và cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin hàng trăm héc-ta rừng bị phá.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ở đây các thôn được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng. Khi các nhóm hộ phát hiện các vụ phá rừng đều có báo cáo gửi lên lãnh đạo UBND xã Tiên Lãnh.
“Chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra, hễ phát hiện nơi đâu xảy ra phá rừng, chúng tôi làm báo cáo gửi ngay cho UBND xã Tiên Lãnh để có hướng xử lý. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy có giải pháp gì để ngăn chặn, chấn chỉnh. Kết cục là các cánh rừng thuộc lâm phận các thôn trên địa bàn xã vẫn liên tiếp bị tàn phá...”, ông B một cán bộ thôn 8, xã Tiên Lãnh bức xúc nói.
Qua tìm hiểu cho thấy, đến nay chưa có ngành chức năng nào vào hiện trường thống kê đầy đủ diện tích rừng phòng hộ nơi đây bị triệt phá. Tuy nhiên, theo thông tin từ người dân địa phương, tổng diện tích rừng ở khu vực này đã bị xóa sổ trên 500 héc-ta. Trong đó, chỉ riêng diện tích rừng ở tiểu khu 556 gần như đã bị “xóa sổ”, ước tính hơn 300 héc-ta rừng ở đây đã bị triệt hạ.