Bùng nổ thông tin, bùng nổ các phương tiện truyền thông khiến ai cũng có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình, đó là cái được của tự do ngôn luận nhưng cũng là mặt trái của dạng tự do này khi nhiều người lợi dụng nó để làm nhiễu thông tin, khiến người đọc một khi thiếu bản lĩnh sẽ trở thành con rối trong quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin trong không gian mạng phi giới hạn.
Xét đến cùng, từ báo chí truyền thông, các trang tin điện tử đến mạng xã hội, mỗi khi các bài báo, bài viết xuất bản trên đó đều chứa đựng các dụng ý có tính thông điệp. Mà sâu xa vẫn là mong muốn công chúng đồng tình với quan điểm hay cách đặt vấn đề của mình. Gọi cho có vẻ học thuật thì đấy là ý đồ “định hướng dư luận xã hội”, còn nôm na dễ hiểu chính là muốn “dắt mũi” công chúng theo ý đồ của người viết.
Cũng vì vậy mà nền báo chí nào có khách quan, trung thực đến mấy cũng đều thể hiện tính khuynh hướng rõ nét. Rằng họ sẽ bảo vệ cho ai hay bảo vệ cho cái gì trong một dòng chảy thông tin đề cao việc phụng sự lẽ phải, bạn đọc và lợi ích công như một mục đích tối thượng.
Cứ xem báo chí Mỹ đưa tin về cuộc tranh cử giữa bà Hillary Clinton và tỷ phú Donald Trump là một ví dụ. Hay trong cùng một sự kiện Donald Trump bị tố né thuế suốt 18 năm cũng có những góc nhìn hoàn toàn khác nhau. Ở Mỹ, có tờ báo thì tố, trái lại có tờ thì cho rằng đây việc làm và hành vi khôn ngoan nên tạo ra những luồng dư luận trái chiều.
Và truyền thông, bằng cách này hay cách kia, không thể che đậy những ý đồ “định hướng” của mình. Và cũng chính vì lẽ muốn “dắt mũi” công chúng vì một đích nào đó, ngoài đội ngũ những người làm báo, ngoài sự biểu đạt ý kiến cá nhân của bạn đọc thì còn một lực lượng mang tên dư luận viên cũng đang tham gia một cách tích cực lẫn “tiêu cực” vào ma trận thông tin.
Lực lượng này có nhiều dạng, trong đó có những dư luận viên chuyên “thọc gậy bánh xe”, bóp méo sự thật, thậm chí kích động dư luận nhằm phục vụ cho các mưu đồ chính trị của mình. Nhiều người lợi dụng dư luận, công kích, “xui Nguyên dục Bị”, tỏ ra khách quan nhưng kỳ thực lại gây chia rẽ đoàn kết dân tộc.
Ở góc nhìn “ra vẻ khách quan” nhưng kỳ thực nếu bạn đọc bĩnh tĩnh suy xét thì sẽ thấy ngay được chân tướng của các bài viết sặc mùi xỏ lá. Và để sự thật tường minh theo đúng nghĩa của nó, hơn bao giờ hết bạn đọc cần bình tĩnh suy xét. Sự nhiễu loạn thông tin làm dư luận xã hội trở nên lộn xộn có phần do lỗi về sự cả tin và hồ đồ của chính người đọc. Một vài ví dụ sẽ làm rõ hơn về sự phán xét vội vã của công chúng.
Sự kiện một Thiếu úy công an nắm tóc dân lôi xềnh xệch ở hồ Con Rùa - TP Hồ Chí Minh.
Mạng xã hội và báo chí đăng tải hình ảnh này đã tạo ra dư luận xã hội không đồng tình với cách làm của công an viên này. Phần lớn các bình luận bày tỏ sự phẫn uất với hành động phản cảm của Thiếu úy công an kia.
Và rồi lại xuất hiện những bài viết cho rằng Thiếu úy công an là người chừng mực, làm việc thiện, bị chửi rủa mới không kìm chế được trong khi làm nhiệm vụ. Người phụ nữ bị túm tóc kia chính là đối tượng cho vay nặng lãi ở hồ Con Rùa. Lập tức dư luận xã hội “quay ngoắt 180 độ”, thậm chí có bình luận còn cho rằng “bọn nhà báo không có não”, viết lách không chịu thẩm định tính chính xác của thông tin! Trong lúc đó, sự thật chỉ có một.
Clip đăng tải trên Zing về những tâm sự xa xót, những giọt nước mắt của chị bán hàng rong trong ngôi nhà chật chội mà chị gồng gánh để nuôi người thân đang bị tai biến nằm một chỗ đã nói lên tất cả…
Hay một sự kiện khác, truyền thông phê phán văn bản hành chính của một một công ty không đúng thể thức văn bản, dùng các từ nhạy cảm như bao cao su, hay cổ xúy cho trào lưu có bồ nhí. Có luồng dư luận trái chiều lại cho rằng đấy là cách để công ty xoa dịu tình hình và tạo ra sự thân thiện, vui vẻ và thoải mái cho công nhân viên.
Nhưng bên cạnh những tranh cãi trên truyền thông, bạn đọc bình tĩnh đôi lúc lại có những nhận định khác, kiểu như: “Cái tên doanh nghiệp bỗng dưng được nhắc đến nhiều khi doanh nghiệp không cần bỏ ra một xu để quảng cáo”. Truyền thông cứ cãi vã, chỉ có doanh nghiệp là… “ngư ông đắc lợi”!
Như vậy, ma trận truyền thông ngày càng có quá nhiều các chủ thể tham gia vào đó, từ báo chí, công chúng, dư luận viên…Vậy nên thông tin dễ bị gây nhiễu một cách có ý thức. Tâm trạng xã hội trở nên thất thường, sáng nắng chiều mưa cũng vì bị lạc trong mớ thông tin lộn xộn ấy. Lỗi của truyền thông là một phần và đấy là một quy luật không thể cưỡng lại của thông tin trong thời đại số. Và chỉ có sự tĩnh tâm, bình tĩnh suy xét và bản lĩnh người đọc mới có được sự chọn lọc các giá trị thông tin thời sự, trung thực, chính xác, nhân văn từ các phương tiện truyền thông và mạng xã hội mang lại.
Khi bản lĩnh tiếp nhận thông tin của bạn đọc được khẳng định, tự thân họ sẽ biết tìm đến các kênh truyền thông chân chính, và đương nhiên chính họ sẽ khai tử cho những kênh truyền thông nhảm nhí, lộn xộn, thiếu trung thực. Bản lĩnh bạn đọc suy cho đến cùng chính là sự quyết định thành bại, tồn vong cho các tờ báo hiện nay…