Na Uy từng có nguy cơ mất rừng vĩnh viễn
Vương quốc Na Uy là quốc gia cực tây của bán đảo Scandinavie, được bao phủ phần lớn bởi địa hình đồi núi. Vào khoảng đầu thế kỷ 19, hoạt động khai thác gỗ ở Na Uy rất sôi động và thiếu kiểm soát, khiến cho nguồn tài nguyên rừng, gỗ rừng của đất nước rộng lớn này gần như cạn kiệt.
Ở địa phương, nông dân khai thác gỗ để làm củi sưởi ấm các ngôi nhà của họ. Việc chăn thả gia súc tuỳ tiện, để chúng giẫm đạp lên các mầm cây cũng khiến giảm tốc độ phục hồi của rừng. Gỗ rừng quý hiếm còn được dùng để xuất khẩu sang các nước châu Âu khác, còn gỗ thông thường được sử dụng cho các hoạt động xây dựng, công nghiệp hoá.
Tại Na Uy lúc này, mỗi khi rừng bị phá hoại, cây cối bị chặt, không hề có những kế hoạch trồng rừng mới nào. Tuy nhiên, tất cả điều đó đã thay đổi. Ngày nay, Na Uy có số lượng cây gỗ trong rừng gấp ba lần so với 100 năm trước. Rừng và đất cây cối rậm rạp khác bao phủ khoảng 37% (tương đương khoảng 119.000 km2) diện tích đất liền của Na Uy.
Trong đó, gần 23% (tương đương khoảng 72.000 km2) là rừng sản xuất. Việc khai thác gỗ hàng năm chỉ chiếm khoảng một nửa số lượng gỗ phát triển mỗi năm, do đó tài nguyên rừng và gỗ rừng vẫn được duy trì bền vững theo chiều hướng tăng. Ước tính, mức tăng trưởng rừng đủ để giảm trừ khoảng 60% lượng phát thải khí nhà kính được thải ra hàng năm tại đất nước này.
Người Na Uy quý trọng rừng hơn bất cứ điều gì. |
Na Uy hiện đang là một trong những quốc gia có chính sách bảo tổn rừng nguyên sinh tốt nhất, cũng là đất nước tích cực nhất trong công tác bảo vệ rừng trên thế giới. Đáng nói, giới chức ở Na Uy cách đây cả thế kỷ, khoảng vào cuối những năm 1800, đã nhận ra rằng với tiến độ khai thác lúc bấy giờ thì chẳng bao lâu đất nước sẽ không còn rừng.
Từ thời điểm đó, chính phủ Na Uy đã đặt ra các định hướng và chiến lược thay đổi và thực hiện một cách quyết liệt, triệt để. Việc đầu tiên cần làm là phải kiểm kê rừng, tức là điều tra, đánh giá, xác định trạng thái rừng, hệ sinh thái rừng trong quy hoạch và trên thực tế để định hướng các giải pháp. Năm 1919, chính phủ Na Uy tuyên bố kế hoạch đầy tham vọng là Na Uy sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới kiểm kê và đánh giá trạng thái tất cả các khu rừng trên toàn lãnh thổ quốc gia.
Trong khi các quốc gia châu Âu khác chỉ thực hiện kiểm kê theo khu vực để ước tính độ che phủ rừng, thì cơ quan Kiểm kê Rừng Quốc gia Na Uy thực hiện kiểm kê, đánh giá chi tiết hiện trạng hệ sinh thái rừng chứ không chỉ về độ che phủ rừng, nhằm đánh giá “sức khoẻ” của các khu rừng và sự phát triển lâu dài của chúng trong tương lai. Hệ thống thông tin này giúp giới chức Na Uy đánh giá khu rừng nào khoẻ mạnh hơn, khu rừng nào phát triển nhanh hơn, bao nhiêu diện tích rừng có thể được khai thác bền vừng, khu vực nào của khu rừng nào cần được bảo tồn để làm môi trường sống có các loài có nguy cơ tuyệt chủng…
Việc kiểm kê rừng trên phạm vi toàn lãnh thổ được thực hiện bởi với chu kỷ 5 năm, mỗi lần có khoảng 15.000 địa điểm được kiểm kê, đánh giá. Các cuộc kiểm kê vốn không hề dễ dàng. Đoàn cán bộ lâm nghiệp khảo sát hiện trườngcó thể phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như gió tuyết, lạnh giá hoặc phải đi bộ hàng giờ để đến được điểm khảo sát. Kết quả kiểm kê được đưa tới các viện nghiên cứu chuyên sâu để phân tích, đánh giá dài hạn. Đến nay, đã gần một thập kỷ giới chức Na Uy ngày nay vẫn tiếp tục thu thập thông tin và đánh giá hiện trạng của các khu rừng trên cả nước.
Rừng sẽ như thế nào khi khí hậu nóng lên?
Tất nhiên, chính sách nào cũng có những ý kiến trái chiều. Nhiều người dân cho rằng, dù Na Uy đã có nhiều rừng hơn trước đây nhưng không còn nhiều rừng là rừng nguyên sinh. Theo đó, chỉ có khoảng 4% diện tích rừng trên toàn quốc trở thành các khu bào tồn thiên nhiên và vườn quốc gia. Phần còn lại được quản lý cho mục đích kinh tế, chủ yếu là khai thác gỗ bền vững.
Mặt khác, có ý kiến cho rằng, khi các khu rừng tự nhiên bị chặt phá, chúng thường được thay thế thông qua các chương trình trồng rừng. Từ đó, ngành công nghiệp trồng rừng nở rộ. Tuy nhiên, việc trồng lại rừng không thể tạo ra một hệ sinh thái đa dạng, bền vững như các khu rừng tự nhiên đã phát triển hàng trăm năm, hàng ngàn năm, cũng khiến cảnh quan đồi núi Na Uy thay đổi rõ rệt. Mặc dù sản lượng gỗ rừng tăng nhưng sự đa dạng sinh học lại ít đi, các loài cây gỗ hoang dã ngày càng giảm.
Sự nóng lên toàn cầu là thách thức tiếp theo của rừng Na Uy. |
Tiếp nhận những luồng ý kiến nêu trên, trong thập kỷ gần nhất chính phủ Na Uy đã sửa đổi cách tiếp cận bảo tồn rừng theo hướng chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học hơn. Đơn cử, nhiều khu rừng có các loài quý hiếm được bảo tồn nhiều hơn. Ngoài ra, các chuyên gia môi trường Na Uy còn áp dụng phương pháp đo lượng gỗ chết trong rừng, bởi đây là môi trường sống quan trọng của các loài côn trùng có nguy cơ tuyệt chủng.
Chưa hết, những khu rừng của Na Uy hiện còn đang đối mặt với một thách thức mang tính thời đại: biến đổi khí hậu. Tốc độ biến đổi khí hậu do tác động của con người trở nên khó đoán hơn, do đó việc đo lường “sức khoẻ” của các khu rừng và hệ sinh thái trong khu rừng trở nên khó khăn hơn. Được biết, các khu rừng phía bắc của Scandinavie, Canada và Nga nằm trong các địa điểm ấm lên nhanh nhất trên Trái đất. Không ai biết rõ các loài cây cối sẽ “chống chọi” với khí hậu ấm lên toàn cầu như thế nào. Do đó, chính phủ Na Uy đã khuyến khích, tài trợ cho các công trình nghiên cứu về vấn đề này.
Bà Chelsea Chisholm, chuyên gia về hệ sinh thái, tiến hoá và khí hậu từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch), phân tích: “Nếu chúng ta muốn hiểu hệ sinh thái rừng sẽ phản ứng như thế nào trước biến đổi khí hậu trong tương lai, cách tốt nhất là tìm hiểu chúng đã phản ứng như thế nào trong hiện tại và quá khứ. Điều phức tạp nhất là tác động của biến đổi khí hậu tới cây cối không xảy ra ở cấp độ loài mà đang xảy ra ở cấp độ cá thể cây riêng lẻ”.
Theo bà, khả năng một cái cây lâu năm phản ứng với những thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa trong suốt vòng đời của nó liên quan mật thiết đến mã gen ADN của cái cây đó. Mỗi cây có bộ gen riêng biệt, giúp xác định các đặc điểm như chiều cao, kích thước thân cây, hình dạng của lá,… Những đặc điểm này cũng bị ảnh hưởng bởi môi trường sống và quá trình sinh trưởng của cây.
Cũng giống con người, có người có mã gen cao nhưng vẫn bị thấp đi nếu không nạp đủ dinh dưỡng khi còn nhỏ. Nghiên cứu hiện tại của Chisholm và các đồng nghiệp là thu thập dữ liệu đặc điểm và di truyền từ các cây riêng lẻ, sau đó kết hợp nó với quá trình sinh trưởng của các cây.
Trong các đối tượng nghiên cứu, có những chiếc cây đã được theo dõi liên tục gần 100 năm. Các nhà khoa học cho rằng, các công trình khảo sát và nghiên cứu phản ứng của cây trước sự thay đổi khí hậu xảy ra trong thế kỷ trước có thể giúp họ dự đoán cách chúng sẽ ứng phó với những thay đổi lớn hơn của khí hậu toàn cầu trong thế kỷ tiếp theo.
Quả thực, rừng là tài nguyên quan trọng bậc nhất đối với con người. Trên thế giới, Na Uy được công nhận là đất nước đã “khôi phục rừng từ bờ vực sụp đổ”. Tuy nhiên, đó mới chỉ là nửa đầu của câu chuyện, nửa tiếp theo chính là sự nóng lên toàn cầu và các tác động của biến đổi khí hậu thất thường.