250 giải pháp cụ thể, nêu rõ trách nhiệm
Nghị quyết đặt mục tiêu đến hết năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4. Trong đó, tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, kiên quyết đổi mới công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu theo thông lệ quốc tế.
Đến hết năm 2017, đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cụ thể là khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; Nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới) thuộc nhóm 30 nước. Riêng chỉ tiêu Tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay (đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế Thế giới) phấn đấu đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.
Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, gồm: Nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm (trong đó thuế là 119 giờ và bảo hiểm là 49 giờ); Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày, bao gồm: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng xuống còn 63 ngày (giảm 19 ngày); thủ tục kết nối cấp, thoát nước xuống còn 7 ngày (giảm 7 ngày); thủ tục đăng ký sở hữu tài sản sau hoàn công xuống còn 20 ngày (giảm 10 ngày); tiếp cận điện năng không quá 35 ngày; đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 20 ngày; thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 300 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp còn 30 tháng.
Tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi sự kinh doanh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp; phấn đấu đạt mức 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, trong đó tối thiểu 0,5% là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Đến năm 2020 đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới). Trong đó, nhóm chỉ tiêu các yêu cầu cơ bản đạt tối thiểu 4,8 điểm (hiện nay là 4,5 điểm). Nhóm chỉ tiêu nâng cao hiệu quả đạt tối thiểu 4,4 điểm (hiện nay là 4.1 điểm). Nhóm chỉ tiêu về đổi mới và mức độ tinh thông trong kinh doanh đạt tối thiểu 3,8 điểm (hiện nay là 3,5 điểm).
Đến năm 2020 các chỉ số đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO) đạt trung bình ASEAN 5. Trong đó, nhóm chỉ tiêu về Thể chế đạt tối thiểu 55 điểm (hiện nay là 51,7 điểm). Nhóm chỉ tiêu về Nguồn nhân lực và nghiên cứu đạt tối thiểu 31 điểm (hiện nay là 30,1 điểm). Nhóm chỉ tiêu về Cơ sở hạ tầng đạt tối thiểu 43 điểm (hiện nay là 36,7 điểm). Nhóm chỉ tiêu về Trình độ phát triển của thị trường đạt tối thiểu 51 điểm (hiện nay 43,0 điểm). Nhóm chỉ tiêu về Trình độ phát triển kinh doanh đạt tối thiểu 35 điểm (hiện nay là 30,6 điểm).
Về thực hiện Chính phủ điện tử (theo cách tiếp cận của Liên Hợp quốc), Nghị quyết yêu cầu cải cách toàn diện cả 3 nhóm chỉ số gồm: Hạ tầng viễn thông (TII), nguồn nhân lực (HCl) và dịch vụ công trực tuyến (OSI); phấn đấu đến hết năm 2017 xếp hạng thứ 80; đến năm 2020 đạt trung bình ASEAN 5 về điểm số và thứ hạng tối thiểu thứ 70 trên thế giới.
Phấn đấu đến hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3; cho phép sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).
Nghị quyết đưa ra 250 giải pháp cụ thể, nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Các giải pháp cụ thể này được liệt kê tại 5 phụ lục, gồm 4 phụ lục cho 4 lĩnh vực và 1 phụ lục cho các nhiệm vụ cần thực hiện ngay trong năm 2017. Các nhiệm vụ này đều được nêu rõ mục tiêu, điểm số, thứ hạng hiện tại của Việt Nam và điểm số, thứ hạng cần đạt được trong thời gian tới.
Giảm thiểu thời gian xử lý về thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất nhập khẩu
Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, kiến nghị sửa đổi Nghị định số 60/2014/NĐ-CP về hoạt động in theo hướng quy định rõ danh mục đối tượng chịu sự điều chỉnh, theo đó không áp dụng đối với hoạt động in bao bì, bề mặt sản phẩm. Bãi bỏ các quy định có tính chất hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp (như quy định hạn chế hợp tác giữa các cơ sở in; cấp phép nhập khẩu các máy móc gia công sau in; quy định về người đứng đầu cơ sở in phải có chứng chỉ cao đẳng ngành in; cấp phép đối với các hợp đồng in từ nước ngoài,...).
Nghị quyết nêu rõ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ quản lý chuyên ngành rà soát, bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi các quy định chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng không phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Luật An toàn thực phẩm theo hướng bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, giảm thiểu thời gian xử lý về thủ tục hành chính đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, tăng cường hậu kiểm.
Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN (ngày 13/11/2015) quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo hướng: Phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ quản lý chuyên ngành xây dựng tiêu chí nhập khẩu máy móc, thiết bị theo tuổi thiết bị (từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu) của từng lĩnh vực cụ thể, không áp dụng hạn chế chung “không quá 10 năm” cho tất cả các máy móc, thiết bị.