Khi phụ huynh quá kỳ vọng
Chị Tuyết Trần (Tây Ninh) chia sẻ: “Năm nay, cậu con trai đầu lòng của tôi bước vào lớp 10. Cháu hay than thở với mẹ về cách giảng dạy khác lạ của thầy cô cấp 3. Các thầy cô không còn vừa giảng vừa nhắc các con ghi bài như ở cấp 2. Các con phải vừa nghe, vừa nhanh tay để ghi những nội dung chính.
Có nội dung thầy cô chỉ định hướng để các con tự tìm hiểu. Khi kiểm tra một tiết, các con cũng không được thầy cô ôn trước các dạng đề. Chưa kể, thầy cô chấm điểm cũng khắt khe hơn ở cấp 2 rất nhiều. Chỉ một ý sai là bị trừ điểm ngay. Hôm làm bài kiểm tra một tiết đầu tiên môn Ngữ văn con chỉ đạt 5.5 điểm. Con đã khóc vì lo lắng và sợ hãi”.
Thực ra, những học sinh vừa chuyển cấp thường có tâm trạng như thế. Các em chưa quen với phương pháp dạy và cách học mới. Kiến thức khó hơn, yêu cầu đòi hỏi cũng cao hơn. Chính vì vậy mà tâm trạng nhiều em thường trở nên hoang mang, lo lắng.
Ngay cả phụ huynh cũng tâm trạng như thế. Khi nhận được điểm số của con thường thất vọng thấy rõ. Rồi họ bắt đầu so sánh với kết quả học tập của năm học trước. Người nọ hỏi người kia, phụ huynh cũng cuống lên vì lo lắng. Cuối cùng là ép con phải đi học thêm để theo kịp bạn bè.
Đành rằng, mối lo lắng của phụ huynh cũng là điều dễ hiểu, bởi kết quả học tập của một học kỳ cũng phản ánh sự nỗ lực hay không của học sinh trong suốt học kỳ vừa qua. Bên cạnh đó, áp lực về điểm số, xếp loại học tập ngày càng rõ nét bởi hiện nay nhiều trường phổ thông, đại học xét học bạ của học sinh, chỉ nhận những học sinh có học lực khá giỏi, các môn học chính điểm tổng kết phải từ khá trở lên…
Trong sự kỳ vọng của mình không đạt được như ý muốn, nhiều phụ huynh đã tìm cách trút giận lên con cái, mang ra so sánh với “con nhà người ta” học giỏi, điểm cao…
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh lấy làm thất vọng và xấu hổ khi giáo viên chủ nhiệm liên tục nhắc con mình trước tập thể phụ huynh lớp bằng việc liệt kê hàng loạt những khuyết điểm. Nhận xét từng môn học, cũng nêu những học sinh ở trong nhóm từ giỏi tới yếu.
Kết quả là những màn trút giận lên đầu con cái khi trở về nhà, thậm chí không ít phụ huynh dọa dẫm, mắng chửi con em mình và đưa ra hình thức phạt nặng nếu như không cải thiện được lực học, hạnh kiểm trong học kỳ II.
Học sinh viết tâm thư lên bảng trước buổi họp phụ huynh “Đừng để điểm số làm ảnh hưởng hạnh phúc gia đình”. (Ảnh minh họa). |
Đồng thời, những ngày qua, mạng xã hội cũng đang lan truyền những đoạn tin nhắn giữa giáo viên chủ nhiệm ở một trường THPT tại Hà Nội tới các phụ huynh. Theo cô giáo, sau buổi họp phụ huynh, vì không hài lòng với kết quả học tập của con em mình mà nhiều phụ huynh về nhà đã quát mắng, chì chiết con.
Nhiều em vì không chịu được đã nhắn tin tâm sự với cô giáo. Sau khi biết được tình trạng của học trò, cô giáo chủ nhiệm đã gửi “tâm thư” của mình đến các bậc phụ huynh và đề nghị các bậc phụ huynh không nên chì chiết, gây áp lực lên con em mình…
Học không phải vì điểm mà để phát triển bản thân
Ở góc độ khác, nhà văn Hoàng Anh Tú cũng bày tỏ sau buổi họp phụ huynh của các con: Kết quả học tập của con là kết quả quá trình nỗ lực của con chứ không phải điểm số. Đừng nhớ về điểm số, hãy nhớ cách mà con đã làm được điều đó.
"Bố muốn con sẽ luôn có cái nhìn tích cực về chính bản thân mình, về những điều con có thể làm được khi con đặt ra quyết tâm. Sức mạnh của một người đàn ông không nằm ở cơ bắp mà nó nằm ở việc anh ta có độ bền thế nào khi theo đuổi một mục tiêu và chiến thắng chính bản thân mình. Nó còn là trách nhiệm của anh ta với mục tiêu anh ta đã đặt ra."
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho biết: Không nên dùng thi cử, điểm số để gây áp lực cho học trò. Học sinh phải nhận thức được là không phải học vì bố mẹ, vì điểm số hay vì thi cử, mà là để phát triển bản thân.
Việc học sinh theo điểm số, điểm thi và chạy đua thành tích đã kéo theo nhiều hệ lụy cho cả phụ huynh và học sinh. Học sinh sẽ phải căng mình đi học thêm, luyện thi vào trường điểm, trường chuyên. Gây áp lực cho con phải đạt điểm cao, phải hơn bạn hơn bè mà không quan tâm tới khả năng của con.
Nhiều học sinh vì sợ bố mẹ hoặc muốn làm vừa lòng bố mẹ đã phải ép mình để học và khi không đạt được kết quả như bố mẹ mong đợi, nhiều em bị khủng hoảng tâm lý và đã có những hành động tiêu cực, dại dột.
Gần đây, cái tên Doãn Thanh Vân đang trở thành hiện tượng của Trung Quốc bởi hành trình vươn lên từ một đứa trẻ “thất bại từ vạch xuất phát” để trở thành tiến sĩ Harvard. Cô gái sinh năm 1990 hiện cũng đang là một Luật sư nổi tiếng ở Mỹ.
Từng đạt danh hiệu “Người tranh luận hay nhất” trong Giải hùng biện Quốc tế, tháng 11 năm 2019 vừa qua, Thanh Vân tiếp tục tham gia chương trình “Người đặc biệt” dành cho những nhân vật có khả năng hùng biện giỏi nhất cả nước và là ứng viên vô địch. Với những thành tích ấy, có lẽ không ai ngờ, Doãn Thanh Vân từng là đứa trẻ xếp cuối lớp trong suốt những năm cấp 1, cấp 2.
Cô từng bị xem là học sinh cá biệt khi luôn bị các giáo viên phê bình nhiều nhất lớp. Thế nhưng mẹ của Thanh Vân luôn động viên cô con gái của mình vì bà tin rằng, điểm số chỉ là tạm thời, thời điểm cô con gái mình là học sinh xuất sắc sắp đến và chỉ là do mình chưa nhìn thấy mà thôi.
Sau này, khi trả lời báo chí, mẹ Thanh Vân chia sẻ: “Ngay cả khi thế giới đều không lạc quan về Thanh Vân, tôi vẫn luôn sát cánh cùng cháu. Làm mẹ thì sẽ không bao giờ quay lưng lại với con mình”. Thanh Vân cũng cho biết: “Bố mẹ chưa bao giờ đòi hỏi tôi là một người nổi bật và giỏi hơn người. Điều họ mong muốn duy nhất ở tôi là phải sống thật hạnh phúc”.