Dường như nhận ra sự “hở” tính pháp lý của mình, vừa qua, Thông tư 10/2016-BVHTTDL đã “chữa cháy” bằng cách sửa đổi và bãi bỏ một số điều chưa hợp lý của Thông tư 01/2016-BVHTTDL.
Vội vàng, cảm tính
Thông tư 01 của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang: thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định số 15/2016/NĐ ngày 15/3/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP đã có hiệu lực từ ngày 15/5/2016. Theo đó, những người đoạt danh hiệu tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu không được chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông.
Ngay khi Thông tư 01 có hiệu lực đã nảy ra cuộc tranh luận gay gắt trong dư luận xã hội. Bất chấp Thông tư, các trang mạng vẫn tràn lan ảnh khỏa thân của các người đẹp. Mới đây, trên trang cá nhân của Hoa hậu Hoàn vũ 2015 Phạm Hương đã đăng tải một số hình ảnh bán “nuy” khi cô để trần, chỉ mặc mỗi quần bơi. Hoa khôi Lan Khuê cũng tung một bức ảnh khoe trọn tấm lưng trần trong ánh sáng mờ tối. Siêu mẫu Hà Anh chẳng kém cạnh khi đưa lên trang cá nhân bức ảnh “cởi trần”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên nói: “Hình ảnh không có trang phục có được hiểu là ảnh khoả thân? Vì sao lại cấm những người đẹp, người mẫu chụp ảnh khoả thân, vì đó là quyền của họ?”. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên tiếp tục đặt ra câu hỏi: “Dưới góc độ nhà nhiếp ảnh khỏa thân, nếu chụp một cô hoa hậu, chỉ chụp lưng, không chụp mặt, không ảnh hưởng gì đến nhân thân của cô ấy thì có được không”?. Ông Thái Phiên nhận định, Bộ VH-TT&DL chưa đưa ra được một sự mạch lạc rõ ràng trong quy định của Thông tư 01.
Nhiếp ảnh gia Sơn Trần cho hay: “Tôi thấy rằng, Thông tư 01 quy định như thế là vội vàng, cảm tính. Bởi thông thường nếu quy định nào đó liên quan đến nhiếp ảnh và nghệ sỹ, người mẫu thì nên trưng cầu ý kiến của giới đó, nhưng với Thông tư 01 này thì chúng tôi chưa thấy các cơ quan chức năng hỏi ý kiến người trong cuộc và nếu không được đồng tình thì nên xem xét lại, nên sửa đổi lại Thông tư…”.
Lại “mở cửa” cho ảnh nude
Trước những ý kiến trái chiều về một số nội dung trong Thông tư 01, Cục Kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật (KTVBQPPL) của Bộ Tư pháp đã nhanh chóng vào cuộc, xem xét tính pháp lý của Thông tư này. Ngày 13/6/2016, Cục KTVBQPPL đã chính thức có văn bản gửi Bộ VH-TT&DL, chỉ ra nhiều điểm thiếu tính pháp lý của Thông tư trên.
Việc này đã được Cục KTVBQPPL khẳng định, đối chiếu với pháp luật hiện hành cho thấy, các hành vi không được thực hiện (bị cấm) quy định tại các điểm a, c khoản 1 Điều 3 Thông tư 01 không thuộc những hành vi bị cấm quy định tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP. Mặt khác, các hành vi bị cấm liên quan đến đưa thông tin, hình ảnh cá nhân lên các phương tiện truyền thông và ra xã hội đã được quy định trong Luật Công nghệ thông tin (2006), Bộ luật Hình sự (1999)…
Trong đó, việc xác định các hành vi bị cấm này đều gắn với xem xét mục đích và hậu quả của hành vi. Ngoài ra, theo Hiến pháp 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Vì vậy, quy định các hành vi bị cấm tại Thông tư 01 là không phù hợp.
Dường như nhận ra sự “hở” pháp lý của mình, vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã sửa đổi, bãi bỏ một số điều chưa hợp lý của Thông tư 01/2016-BVHTTDL. Theo đó, Thông tư số 10 (Thông tư mới) đã bãi bỏ khoản 1 Điều 3 Thông tư 01. Ngoài ra, Thông tư cũng quy đinh về bãi bỏ một số nội dung khác của Thông tư 01 như về nội dung, hình thức đề án tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; về các trường hợp không cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp, người mẫu... Thông tư 116/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
Việc sửa đổi Thông tư đã giúp các nhiếp ảnh gia, diễn viên, ca sĩ, người mẫu… không còn phải đứng “ngã ba dòng”, hoang mang khi thực hiện các bộ ảnh để đời. Thay vào đó, họ có thể thoải mái sáng tạo những bức ảnh nude đầy nghệ thuật. Thực tế một lần nữa đã cho thấy, trước khi ra ban hành một chính sách, các nhà quản lý cần thấu hiểu cuộc sống để tránh tình trạng vất vả, xuôi ngược “chữa cháy” cho sản phẩm mình tạo ra.