Trong 6 tháng lưu cư kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người phải thi hành án liên tục “thi gan” với chính quyền, vô tư dụng chiếm căn nhà đi thuê như nhà của mình. Câu hỏi đặt ra là, chính quyền thị xã Long Xuyên và lực lượng thi hành án đã làm hết trách nhiệm để bản án của tòa được thực thi hay chưa? Việc Phó Chủ tịch UBND tỉnh này “phủ quyết” bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa phải chăng là lạm quyền?
Thuê nhà rồi… chiếm luôn
Ngày 29/7/1960, ông Lê Văn Trực (phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) mua một căn nhà sàn, vách gỗ, mái ngói, diện tích 60m2 trên thửa đất khoảng 100m2 với giá 40 nghìn đồng của vợ chồng ông Nguyễn Văn Đời và bà Trần Thị Đính (hiện ông bà đã chết). Phạm vi căn nhà tính từ nhà bếp trở ra lộ và từ nhà bếp trở ra ruộng tọa lạc tại số 4, nay là đường Lê Văn Nhung, khóm Bình Long 3, phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên.
Năm 1969, ông Trực cho ông Nguyễn Ngọc Hạnh (trú tại số 12/1 đường Hùng Vương, ấp Bình Long 3, xã Mỹ Bình, thị xã Long Xuyên) thuê căn nhà trên với hình thức trả tiền hàng tháng. Đến ngày 9/1/1976, tại UBND xã Long Xuyên (nay là TP Long Xuyên) ông Hạnh ký tên nhận còn thiếu ông Trực 5 tháng tiền nhà chưa trả. Tuy nhiên, sau khi ký nhận nợ, ông Hạnh đã không những không thực hiện trả tiền đúng hẹn mà còn chiếm luôn căn nhà.
Năm 1979, ông Trực chết, đến năm 1980 các con ông Trực yêu cầu ông Hạnh trả lại nhà nhưng ông Hạnh không chịu trả. Do vậy, năm 1988 anh Lê Minh Hải (cháu nội của ông Trực) được các con ông Trực ủy quyền đã làm đơn khởi kiện ông Hạnh ra TAND TP Long Xuyên.
Theo nội dung Bản án 01/DSST ngày 6/1/1988, TAND TP Long Xuyên đã tuyên buộc ông Hạnh phải trả lại căn nhà cho anh Hải. Không đồng ý, ông Hạnh kháng cáo và được cấp phúc thẩm TAND tỉnh An Giang xét xử và ra Bản án 04/DSPT ngày 21/1/1989 quyết định giữ y bản án sơ thẩm và cho ông Hạnh được lưu cư 6 tháng, hạn chót là ngày 21/7/1989 phải trả nhà.
Những tưởng đến đây hành trình tìm lại công bằng của gia đình anh Hải đã kết thúc. Nhưng trong thời gian lưu cư, ông Hạnh tự ý sửa sang lại nhà (quán cà phê ông cất trong thời gian thuê nhà), mặc dù UBND TP Long Xuyên đã ban hành Quyết định 837/QĐ.UB ngày 22/7/1989 thu hồi giấy phép sửa nhà và đình chỉ ông Hạnh xây dựng công trình. Tuy nhiên, ông Hạnh vẫn mặc nhiên phớt lờ, cất nhà bất hợp pháp trên mặt tiền căn nhà số 4 thuê của ông Trực.
Được biết, ngày 12/4/1991, UBND TP Long Xuyên đã có Quyết định 72/QĐ.UB cấp mặt bằng đất thổ cư cho ông Hạnh 60m2 tại Cồn Phó Quế, phường Mỹ Long để ông di dời nhà trả lại đất cho anh Hải, hạn cuối là ngày 12/6/1991. Tuy nhiên, một lần nữa ông Hạnh vẫn bất chấp, đồng thời làm đơn lên UBND tỉnh An Giang.
Quyết định trái thẩm quyền
Giải quyết đơn khiếu nại của ông Hạnh, ngày 18/5/1993, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang – ông Lê Minh Tùng đã ký Quyết định số 186/QĐ.UB bác yêu cầu đòi lại mặt bằng đất thổ cư tọa lạc tại đường Lê Văn Nhung, khóm Bình Long 3, phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên của anh Hải. Giữ nguyên hiện trạng nhà ông Hạnh vì cho rằng khi thi hành án, ông Hạnh đã chuyển toàn bộ tài sản đồ đạc ra quán cà phê trước mặt tiền căn nhà để ở (quán cà phê do ông Hạnh dựng thêm trong thời gian thuê mướn nhà chính).
Khi ông Hạnh xin cấp phép sửa quán cà phê thành nhà ở đã được UBND TP Long Xuyên cấp Giấy phép 59/CV.UB ngày 27/2/1989, sau khi đã sửa xong căn nhà, ngày 22/7/1989 UBND TP Long Xuyên mới ra Quyết định 837/QĐ.UB thu hồi giấy phép sửa nhà.
Có thể nói, việc Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 186/QĐ.UB khiến vụ việc trở nên phức tạp, khiếu kiện kéo dài vì bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được mọi công dân, cơ quan, tổ chức thực thi…
Nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng và UBND tỉnh An Giang cần nhanh chóng vào cuộc mới tránh được tình trạng khiếu kiện kéo dài.