Khi đặt chân vào mảnh đất này, nhiều người dân vẫn còn ngồi kể cho nhau nghe câu chuyện án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, sau khi toà quyết định tuyên hoãn tuyên án Lý Nguyễn Chung.
Dư âm sau lũy tre làng
Ông Nguyễn Đức Đệ, nguyên trưởng thôn Me kể lại, ông là một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường vụ án và cũng là người cho giữ nguyên hiện trường rồi báo công an tới làm việc. Từ hôm xảy ra sự việc ông Đệ vẫn một mực tin rằng ông Chấn là người bị oan và sẽ có ngày ông Chấn được thả tự do vì công lý vẫn luôn còn mãi.
Ông chia sẻ: “Vụ án oan của ông Chấn là một dư âm còn mãi tại vùng quê nghèo này và nó còn để lại rất lâu trong lòng người dân thôn Me. Trong vụ án này, tôi đã tin Chấn không phải là hung thủ giết người. Tôi không bênh vực ai, tôi bênh lẽ phải”.
Khi được hỏi về tâm trạng của ông khi ông Chấn chính thức được sạch tội, ông Đệ cho biết: "Không chỉ riêng tôi mà cả người dân thôn Me cũng đều vui mừng khi ông Chấn đã “gỡ bỏ” hoàn toàn được tội danh".
Ông Chấn kể lại những tháng ngày trong tù giam. |
Sau khi nói chuyện xong với ông Đệ, phóng viên đã đến nhà ông Chấn để chúc mừng ông và hỏi thăm sức khỏe của ông. Nhưng khi bước chân vào nhà, bà Chiến (vợ ông Chấn) đang nằm ở giường mặt mày cau có vì cơn đau đầu.
Thấy vậy, ông Chấn vội vàng lấy thuốc và nước cho bà uống để giảm đau. Nhấp một ngụm nước, bà Chiến nuốt viên thuốc vào người một cách khó khăn rồi lại nằm thiếp đi.
Tâm sự với chúng tôi, ông Chấn vẫn không thể ngờ được rằng sự việc này lại xảy ra với chính bản thân mình. Nhấp ngụm nước chè, ông Chấn nói: “Một việc oan trái quá mức tưởng tượng mà chính bản thân tôi cũng không biết làm như thế nào? Tôi không giết cô Hoan và cũng chẳng biết cô ấy chết như thế nào.
Về bản thân tính tình của tôi ra sao thì dân làng ai cũng hiểu. Khi ngồi trong tù, tôi chỉ biết đợi chờ vào pháp luật mà thôi. May mà còn có người vợ bên cạnh an ủi, quan tâm và động viên tôi nên tôi mới cố gắng đến tận bây giờ”.
Một thế hệ bị đánh cắp tuổi thơ
Đề cập về sát thủ nhí Lý Nguyễn Chung, ông Chấn phân trần: “Tôi và Chung đều là người cùng thôn, thời điểm Chung thực hiện hành vi giết người thì đối tượng vẫn còn nhỏ. Lúc đó, tôi cũng không hề có thù hằn hay ác cảm gì đối với Chung cả.
Việc Chung sát hại chị Hoan và việc tôi phải ngồi tù oan không hề liên quan tới nhau. Sau khi thực hiện hành vi giết người, Chung bỏ trốn vào Tây Nguyên sinh sống, nhưng tôi nghĩ đối tượng cũng chịu cảnh dằn vặt, day dứt về lương tâm. Chỉ tiếc rằng Chung không sớm ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng, tha thứ của pháp luật”.
Ông Chấn lấy thuốc và nước uống cho bà Chiến (vợ ông Chấn) để giảm cơn đau đầu. |
Ông Chấn nói đến đây thì bà Chiến tỉnh dậy tiếp lời chồng: “Sau khi ông ấy đi được 4 năm thì Quyền (con gái) thấy gia cảnh nghèo khó và cơ cực nên đã đi xuất khẩu lao động (làm giúp việc - NV) ở Đài Loan kiếm tiền gửi về để tôi minh oan cho bố nó. Trước khi đi, nó có nói với tôi là bao giờ bố được minh oan sẽ trở về đoàn tụ với gia đình”.
Nói đến đây bà Chiến ôm mặt khóc nức nở nhớ về cô con gái Nguyễn Thị Quyền.
Ôm vợ vào lòng, an ủi, động viên ông Chấn kể tiếp, khi ra tù trong lúc dọn dẹp nhà cửa ông đã vô tình phát hiện ra cuốn sổ nhật ký của cô con gái với những lời tâm sự chan chứa nước mắt.
Vừa khóc ông vừa đọc lại cho tôi nghe: “Đây là cái Tết thứ hai bố xa nhà rồi bố ơi. Đêm qua, con đón giao thừa một mình ngoài cửa, con đã khóc rất nhiều. Khi ấy pháo hoa ở phía xa rực trời.
Ở trong tù, không biết bố có được đón giao thừa không nữa. Bây giờ thì con chẳng thể làm gì được, chỉ thầm cầu mong cho bố khỏe mạnh, sớm trở về với gia đình. Bố ơi, bố có nghe thấy lời con nói không. Con nhớ bố nhiều lắm!”
Bà Hội (mẹ đẻ chị Hoan) và anh Tiến (con trai đầu của chị) trao đổi với phóng viên. |
Những năm đầu tiên ông Chấn đi tù, mỗi khi Tết đến, người thôn Me ai cũng đều khinh miệt gia đình nhà ông. Trong mấy ngày Tết, chỉ họ hàng thân thích, còn chẳng ai dám bén mảng qua nhà ông chơi vì sợ mang tiếng chơi cùng “gia đình có kẻ giết người”.
Thậm chí khi nhìn thấy bà Chiến đi ngang qua là họ tránh mặt, không chào hỏi nhau một câu.
Mặc dù biết gia đình nhà ông Chấn không phải là hung thủ trong vụ án, nhưng phía gia đình nhà bà Hội (mẹ đẻ chị Hoan – nạn nhân bị Chung sát hại) cũng không thể quan hệ, đi lại được như trước. Có lẽ vì 10 năm qua, cái chết của chị Hoan vẫn ám ảnh trong tâm trí của bà khiến ba vô cùng đau khổ.
Thương con, xót cháu bà một mình gồng gánh nuôi bé Đức khôn lớn, bao nhiêu khó khăn vất vả đè nặng lên đôi vai của bà. Cứ mỗi lần “trái gió trở trời” là hai tay của bà bị tê buốt, có hôm nửa đêm bà phải tỉnh dậy để xoa bóp hai cánh tay rồi mới có thể ngủ tiếp được.
Lý Nguyễn Chung khóc nức nở tại tòa, hối hận về hành vi mình đã gây ra cái chết cho chị Hoan 10 năm về trước |
Sát thủ "nhí" trong phiên xử ngày 9/3
Về phần Lý Nguyễn Chung, sau khi sống dưới một vỏ bọc khác đã nghĩ mình đã lọt lới trời, tạo được cho mình vỏ bọc an toàn trong vai một công dân mẫu mực, một người chồng, người cha tốt giữa Tây Nguyên.
Đến tháng 7/2013, Chung biết tin cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đang điều tra lại vụ án chị Hoan bị giết nên ngày 25/10/2013, sau khi được người thân trong gia đình động viên, khuyên nhủ, Lý Nguyễn Chung đã đến cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao để đầu thú và khai nhận hành vi giết chị Hoan.
Tại phiên tòa sơ thẩm mở ngày 9/3 vừa qua, Lý Nguyễn Chung hối hận trình bày:“Bị cáo là người dân tộc thiểu số, suy nghĩ và hiểu biết nông cạn nên mới hành động như vậy. Đến bây giờ khi nhận thức được sự việc mình gây ra đối với gia đình nạn nhân nên bị cáo thuyết phục bố mẹ cố gắng bồi thường cho gia đình chị Hoan. Bị cáo thấy hành vi của mình là không thể tha thứ được”.
Ông Chúc lấy tay lau nước mắt tại phiên xử sơ thẩm ngày 9/3. |
Trước giờ nghị án, Chung được gặp ông Lý Văn Chúc (bố đẻ Chung) kể về quãng thời gian bị bắt, quá trình bị giam giữ trong nhà giam. Sau đó, y hỏi thăm sức khỏe người vợ trẻ và hai đứa con thơ của mình đang ở trong Đắk Lắk.
Khi được cha thông báo vợ con vẫn ổn định, Chung đã gợi ý muốn bán căn nhà trong đó đề bồi thường cho gia đình bị hại nhằm giảm nhẹ tội trạng của mình với mong muốn sớm được ra ngoài đoàn tụ cùng vợ con.
Đồng thời, Chung cũng không quên dặn dò cha đừng bao giờ để vợ con y ra ngoài Bắc. Có lẽ, y sợ những điều tiếng, dè bỉu của dư luận về mình mà không muốn hai con thơ và người vợ trẻ phải gánh chịu.
Khép lại hành trình lẩn trốn, có thể Lý Nguyễn Chung đã phần nào đỡ cắn rứt lương tâm vì tội ác mình đã gây ra. Nhưng một sự day dứt khôn nguôi với kẻ tù tội là số phận người vợ và những đứa con của mình rồi sẽ đi về đâu…/.