Tháng 10/2015, Tanzania, một quốc gia ở Đông Phi sẽ tổ chức tổng tuyển cử. Đây là thời điểm dự đoán việc mua bán bộ phận cơ thể người bị chứng bạch tạng gia tăng rất nhiều. Vì sao lại có mối liên quan này?
“Mặt hàng” đặc biệt giá cao
Bạch tạng là một chứng bẩm sinh, do rối loạn quá trình sinh tổng hợp sắc tố melanin. Người bị chứng bạch tạng (sau đây gọi tắt là người bạch tạng) có da, tóc và mắt nhạt màu.
Tanzania là nước có nhiều người bạch tạng nhất châu Phi với khoảng 17.000 người. Tại nhiều vùng ở Tanzania, người bạch tạng bị xem là “ma”, có thể bị giết từ lúc mới chào đời.
Tuy nhiên nhiều người mê tín dị đoan ở Tanzania tin rằng các bộ phận cơ thể của người bạch tạng, nếu được các “thầy thuốc phù thủy” (những người chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền, vừa là phù thủy) dùng ma thuật “phù phép”, có thể giúp họ những được những gì họ mong muốn: Tiền bạc, quyền lực, may mắn, chữa lành bệnh…
Niềm tin hoang đường này đã khiến người bị chứng bạch tạng ở Tanzania bị săn đuổi, cắt xẻo từng bộ phận cơ thể để bán chẳng khác nào một con vật. Vài cách dùng bộ phận cơ thể của người bạch tạng như: Người khai thác mỏ chôn xương của người bạch tạng ở nơi đào vàng để mong đào được nhiều vàng, người đánh cá đan tóc của người bạch tạng vào lưới để đánh bắt được nhiều cá, người bị bệnh hiểm nghèo hiếp dâm người bạch tạng để được lành bệnh…
Bộ phận cơ thể của người bạch tạng được ưa thích nhất là chân, tay; nhưng đầu, tai, mắt, lưỡi, bộ phận sinh dục, nội tạng… và đến cả xác chết của người bạch tạng cũng được dùng.
Cũng là bộ phận cơ thể người bạch tạng, nhưng nếu lấy từ trẻ em thì người mê tín cho rằng “linh nghiệm” hơn người trưởng thành; vì trẻ em được cho là thuần khiết, chưa mắc tội lỗi gì...
Người bạch tạng la khóc càng to, càng thảm thiết khi bị cướp đi một phần cơ thể thì những kẻ cuồng tín cho rằng hiệu quả đạt được càng cao hơn.
“Thị trường” mua bán bộ phận cơ thể người bạch tạng sôi động nhất vào các mùa bầu cử vì đó là lúc có nhiều người cần tới bùa phép của các thầy thuốc phù thủy để giành thắng lợi. Tháng 10 năm nay Tanzania sẽ tổ chức tổng tuyển cử, cử tri sẽ bầu tổng thống, phó tổng thống và 323 đại biểu quốc hội. Rất đông người ra ứng cử, vì thế nhiều người bạch tạng có nguy cơ bị tấn công.
Nạn nhân của các vụ tấn công may mắn sống sót nhưng tàn phế |
Ngay từ năm rồi, các vụ tấn công người bạch tạng đã có dấu hiệu gia tăng: Trong vòng 11 ngày trong tháng 8/2014, đã xảy ra 3 vụ tấn công người bạch tạng: Ngày 5/8, bé gái Pendo Sengerema, 15 tuổi, bị chặt mất cánh tay phải trong lúc ăn tối cùng gia đình.Điều tra cho thấy một người giàu có đặt một “thầy thuốc phù thủy” cung cấp cánh tay Pendo với giá 600 USD.
Ngày 14/8, thi thể một thanh niên bạch tạng trong độ tuổi đôi mươi được phát hiện trên một bãi cỏ ở ngoại ô thành phố Dar Es Salaam, nhiều bộ phận trên cơ thể đã bị lấy đi. Ngày 16/8, Munghu Masaga, một bà mẹ 7 con ở vùng Tabora bị chặt mất một cánh tay, chồng Munghu bị giết khi cố bảo vệ vợ mình. Đó là chưa kể vài người bạch tạng bị tấn công nhưng may mắn chưa bị cắt mất phần nào trên cơ thể.
Vụ gần đây nhất, vào tháng 12/2014, bé gái Pendo Emmanuelle, 4 tuổi, bị bắt cóc ngay tại nhà. Cha và chú của em bị bắt vì bị tình nghi có liên quan. Cha của Pendo mất tới nửa tiếng để báo chuyện con bị bắt trong khi hàng xóm có thể ứng cứu nếu được báo ngay khi em bị bắt. Cảnh sát hứa thưởng khoảng 1.700 USD cho ai giúp tìm thấy em nhưng vẫn chưa có kết quả.
Trước đó, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Navi Pillay đã bày tỏ sự kinh hãi khi chỉ trong vòng 16 ngày của 2 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra tới 4 vụ tấn công người bạch tạng ở Tanzania, 3 trong số 4 nạn nhân là trẻ em: ngày 31/1, bé Lugolola, 7 tuổi ở vùng Tabora chết sau khi bị chém nhiều chỗ và bị cắt mất cánh tay trái .
Bảo vệ người bạch tạng
Chính quyền Tanzania đã có những nỗ lực nhất định để giúp người bạch tạng. Đã có một người bạch tạng, bà Al –Shymaa Kway-Geer, trở thành thành viên Quốc hội.
Chính quyền Tanzania tuyên bố đặt các thầy thuốc phù thủy ngoài vòng pháp luật. Sau vụ Pendo Sengerema bị chặt tay, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Tanzania tuyên bố: “ Những kẻ gọi là phù thủy phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công người bạch tạng”.
Năm 2009, Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete cũng đã phản ứng tương tự sau một vụ tấn công người bạch tạng: tuyên bố đặt các “thầy thuốc phù thủy cùng những người giúp đỡ, người trung gian và thân chủ ngoài vòng pháp luật”.
Nhiều người Tanzania không đồng tình với tuyên bố của chính phủ vì niềm tin của họ vào các thầy thuốc phù thủy rất mạnh mẽ. Do vậy ý định hình thành một luật để ngăn đối tượng này tiếp tục lợi dụng sự mê tín để trục lợi chưa thực hiện được.
Vụ xử kẻ tấn công cướp bộ phận cơ thể người bạch tạng đầu tiên ở Tanzania diễn ra ngày 23/9/2009. Thủ phạm là 3 người đàn ông đã tấn công Matatizo Dunia, cậu bé bạch tạng 14 tuổi ở vùng Shinyanga tháng 12/2008. Dunia bị bắt đưa ra khỏi nhà và bị chặt thành nhiều mảnh. Một trong 3 thủ phạm đã cất chân của cậu bé làm của riêng. Các thủ phạm khai đã bán các bộ phận cơ thể của Dunia cho một thầy thuốc phù thủy. Cả ba bị xử treo cổ.
Từ đó cho đến nay chỉ mới có 10 kẻ bị đưa ra xét xử, gồm thầy thuốc phù thủy và những kẻ tấn công cướp bộ phận cơ thể người bạch tạng.
Nạn cướp bộ phận cơ thể người bạch tạng ở Tanzania chưa có dấu hiệu giảm. Dư luận cho rằng số người bị pháp luật trừng phạt còn ít so với số người bạch tạng bị giết hại. Thắc mắc được nêu ra nhiều nhất là vì sao chưa từng có người mua bộ phận cơ thể người bạch tạng nào bị nêu tên và bị đưa ra xét xử. Phải chăng công lý “né” người giàu có, thế lực?
Hiện nay chính phủ Tanzania chú trọng tới biện pháp giáo dục để người dân nhận biết sự sai lầm trong việc tin vào các thầy thuốc phù thủy, vào sự mê tín và sai trái trong cách đối xử kỳ thị độc ác đối với người bạch tạng. Nhiều cá nhân, tổ chức, báo chí trong ngoài nước đồng hành với chính phủ Tanzania trong việc xóa bỏ mê tín và bênh vực, bảo vệ người bạch tạng./.