Thành phần Hội đồng xét xử gồm 5 người, trong đó chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Ngô Quang Dũng (TAND tỉnh Bắc Giang).
Lời khai của hung thủ giết người
Tại tòa Chung khai, Chung đến cửa hàng của chị Hoan để mua dầu gội đầu rồi thấy trong tủ kính của chị Hoan có tiền nên nảy sinh ý định chiếm đoạt. Nhìn trước ngó sau thấy vắng người, lại thấy nạn nhân sơ hở nên rút dao ở trong túi quần lao vào đâm chị Hoan.
Bị đâm, nạn nhân bỏ chạy vào nhà, Chung đuổi theo rồi tiếp tục đâm. Trong lúc giằng co con dao của Chung bị gãy cán. Lập tức, Chung dùng tay túm tóc nạn nhân rồi đập mạnh xuống nên nhà và cầm chai thủy tinh đập vào đầu chị Hoan.
Khi thấy chị Hoan vẫn còn thở, Chung dùng gối đè vào mặt đến khi chị Hoan chết hẳn.
Trước tòa Chung khai, con dao giết chị Hoan là mua từ trước để nghịch chứ không có chủ định sát hại từ trước.
Sau khi gây án, Chung lấy hết tiền trong tủ kính (59 nghìn đông) rồi quay lại tháo hai chiếc nhẫn trên tay của chị Hoan. Sợ mọi việc bị phát hiện, Chung tắt hết đèn và đóng cửa lại.
Trên đường về, Chung vứt con dao bị gãy chuôi xuống mương cách hiện trường khoảng vài chục mét. Đến nhà, Chung tắm rửa và ngâm bộ quần áo dính đầy máu để xóa dấu vết vụ án.
Trả lời HĐXX, Chung hối hận trình bày “Bị cáo là người dân tộc thiểu số, suy nghĩ và hiểu biết nông cạn nên mới hành động như vậy. Đến bây giờ khi nhận thức được sự việc mình gây đối với gia đình nạn nhân nên bị cáo thuyết phục bố mẹ cố gắng bồi thường cho gia đình chị Hoan. Bị cáo thấy hành vi của mình là không thể tha thứ được”.
Bị cáo Chung được giải tới tòa. |
Khi nhìn thấy chậu quần áo đầy máu của con trai mình, ông Chúc, bố Chung biết mọi chuyện. Thay vì khuyên con đầu thú, ông bàn với Chung trốn về quê gốc của mình ở Lạng Sơn.
Tại Lạng Sơn, Chung kể lại sự việc với Lý Văn Phúc là anh trai của mình rồi đưa hai chiếc nhẫn cho Phúc. Sau đó, Phúc vay tiền cho Chung trốn vào Đắk Lắk, bắt đầu một cuộc đời mới của kẻ đồ tể khoác áo người lương thiện.
Khi Chung sống dưới một vỏ bọc khác, cũng là lúc ông Nguyễn Thanh Chấn bị quy án. Chung ung dung nghĩ mình đã lọt lới trời, tạo được cho mình vỏ bọc an toàn trong vai một công dân mẫu mực, một người chồng, người cha tốt giữa Tây Nguyên.
Trả lời lý do tại sao 10 năm mới ra đầu thú , Chung khai: "Lúc đầu không ra vì bị cáo sợ, với lại trong thời gian đó thì nghe thấy thông tin có người nhận thay rồi".
Trước đó, vào năm 2004 ông Chúc có vào thăm và dặn: “Con cứ yên tâm, ở nhà mọi việc vẫn bình thường”.
Một năm sau, Phúc mất Chung có về chịu tang và được bà Lành cho biết tin ông Chấn đã bị bắt và bảo: “Mày cứ yên ổn trong đó làm ăn” .
Nghi vấn của gia đình bị hại
Tại tòa, bà Hội (đại diện gia đình bị hại) cho rằng trước khi chết chị Hoan có đeo vòng tai và dây chuyền vàng nhưng khi bà phát hiện thi thể của chị Hoan thì đã không còn.
Vào thời điểm gây án, Chung chỉ là một đứa trẻ con cao 1,2m, người mảnh khảnh nên không thể tự làm một mình được. Bà Hội nghi ngờ có kẻ đồng phạm với Chung.
Về việc này, bị cáo Chung phủ nhận, cho rằng việc bà Hội mô tả hình dáng của bị cáo thời điểm đó là không chính xác. Ngoài bị cáo ra, không còn ai liên quan đến việc gây án.
Bà Hội đòi bồi thường 80 triệu đồng tiền mai táng phí, đòi bồi thường tổn thất tinh thần là 70 triệu đồng và yêu cầu bị cáo phải cấp dưỡng cho con nạn nhân 2 triệu/tháng.
Đề nghị xử phạt Lý Nguyễn Chung 12 năm tù
Đại diện VKS đưa ra quan điểm: Hành vi của bị cáo cần phải xử phạt một cách nghiêm minh nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.
Tuy nhiên, xét thấy bị cáo là người dân tộc thiểu số, khi phạm tội bị cáo mới 14 tuổi (chưa đủ tuổi thành niên) nên mức hình phạt không vượt quá 12 năm. Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa yêu cầu ông Chúc phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân./.