100% lô hàng nhập khẩu được kiểm dịch nhưng…
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT, hiện có 14 quốc gia đang có giấy phép xuất khẩu trái cây tươi vào VN theo các quy định về kiểm dịch thực vật của Chính phủ gồm: Ấn Độ (1 loại), Argentina (4 loại), Canada (2 loại), Chile (4 loại), Hàn Quốc (3 loại), Hoa Kỳ (4 loại), Mexico (1 loại), Nam Phi (3 loại), New Zealand (8 loại), Peru (4 loại), Philippines (1 loại), Thái Lan (24 loại), Trung Quốc (4 loại), Úc (38 loại).
Ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch, Cục BVTV cho biết, trước khi cấp giấy phép nhập khẩu các loại hoa quả vào VN, các loại hoa quả này đều được phân tích nguy cơ dịch hại để biết các loại sâu bệnh của hoa quả đó có thể gây hại cho thực vật VN. Cục sẽ cử chuyên gia sang tận nước đó để kiểm tra quy trình bảo quản, đóng gói và quy trình xử lý sâu bệnh gây hại, sau đó mới cấp giấy phép số lượng nhập trong vòng 12 tháng và các cơ quan kiểm dịch tại cửa khẩu sẽ kiểm dịch từng lô hàng một để ngăn chặn các loại sâu bệnh gây hại ngay từ cửa khẩu.
Trước thông tin các loại hoa quả nhập khẩu vào VN có thể sử dụng trong khoảng 6 tháng nếu được bảo quản đúng nhiệt độ, ông Hà khẳng định, ở nước ngoài như Mỹ, Pháp, Úc, Ba Lan… có nhiều loại quả nhưng phổ biến nhất là quả táo được bảo quản cả 1 năm vì họ có kho lạnh điều khiển nhiệt độ và không khí theo ý muốn. Về đến VN, nếu bảo quản tốt có thể dùng được trong vài tháng, do một số loại quả có đặc tính sinh học, có thể bảo quản rất lâu, chứ không phải do hóa chất.
Ông Hà cũng cho biết, các chi cục kiểm dịch đã trả nhiều lô hàng thực vật tại các cửa khẩu nhưng quả tươi thì chưa có lô hàng nào bị trả lại. Bởi nếu phát hiện có sâu bệnh gây hại, các cán bộ kiểm dịch sẽ tiến hành khử trùng tại cửa khẩu. Nếu xảy ra 3 lần không đạt chất lượng như vậy sẽ tạm dừng nhập khẩu. Vừa rồi cơ qua này cũng đã tạm dừng nhập khẩu lạc Ấn Độ, lúa mỳ Ucraina vì phát hiện có nhiều sâu bệnh gây hại có thể ảnh hưởng đến hệ thực vật VN.
Tuy nhiên, các chi cục kiểm dịch vùng tại các cửa khẩu không thể đảm bảo sự an toàn và chất lượng sản phẩm của các lô hàng nhập khẩu bởi mặc dù được kiểm dịch 100% số lượng hàng hóa nhập khẩu nhưng các Chi cục chỉ đảm bảo “không có sâu hại gây bệnh nào có thể theo con đường hoa quả xâm nhập vào VN”, không thể đảm bảo các loại hoa quả trên là an toàn bởi việc của họ chỉ là… kiểm dịch, còn kiểm tra chất lượng hàng hóa lại là một phòng khác của Cục BVTV và Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản.
Mặc dù lô hàng được cấp giấy kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhưng phần “lô hàng có kết quả kiểm tra, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm” lại chưa được tích (vì chưa có kết quả kiểm tra) |
Đã thông quan rồi là… chấp nhận
Ông Nguyễn Đình Thông, Phó phòng Quản lý An toàn thực phẩm và môi trường (Cục BVTV) cho biết, khi các DN nhập khẩu đăng ký kiểm tra tại các chi cục kiểm dịch thực vật vùng, trước mắt, các cán bộ phải kiểm tra ngoại quan, bao gồm bao bì nhãn mác (tem, nguồn gốc xuất xứ). Sau khi kiểm tra ngoại quan xong, nếu các trường hợp phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng thì chỉ tiến hành lấy mẫu từ 0-10%. Các mẫu này được gửi về các đơn vị kiểm định, sau khoảng 10 ngày mới có kết quả. Tuy nhiên, theo Thông tư 12/2015/TT-BNNPTNT, do là hoa quả tươi nên sau khi kiểm tra ngoại quan, đảm bảo đầy đủ, các lô hàng sẽ được thông quan.
Còn các mẫu đã được lấy để phân tích chất lượng sẽ được thông báo sau, nếu phát hiện chất lượng không đảm bảo, Cục sẽ gửi công văn đến Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, Cục này sẽ có trách nhiệm thông báo với nước nhập khẩu, còn Cục BVTV sẽ thông báo đến DN nhập khẩu để yêu cầu họ có trách nhiệm thu hồi, tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.
Cũng theo ông Thông, nếu loại hàng hóa nào có 5 lô hàng vi phạm trong một năm sẽ dừng thông quan, thông báo với nước xuất khẩu, sẽ thu hồi tiêu hủy, chuyển đổi mục đích sử dụng. Được biết, một năm thường… mới có đến 5 lô hàng có dư lượng thuốc BVTV vượt quá mức cho phép và độc tố lớn (sau khi lấy mẫu kiểm nghiệm).
Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Với những lô hàng cho ra kết quả thiếu an toàn như vậy, Cục BVTV sẽ làm gì?”. Ông Thông trả lời: “Theo Thông tư 12, vì hàng hóa rau củ quả tươi nên phải cho thông quan ngay. Đã thông quan rồi thì phải chấp nhận mọi rủi ro bởi mục đích là chặn từ gốc, không thể giữ lại chờ kết quả kiểm tra. Chỉ đến lô hàng sau đó, chúng tôi mới được giữ lại, chờ kết quả phân tích mới cho thông quan”.