Có hay không một “thế hệ lạc lõng”?
Mới đây, nhà văn trẻ Hà Thủy Nguyên, tác giả của các tác phẩm văn học như Điệu nhạc trần gian, Cầm thư quán… đồng thời là nhà biên kịch của nhiều bộ phim truyền hình như Vòng nguyệt quế, Blog nàng dâu, Nếp nhà… đã có một buổi tọa đàm với chủ đề “Một thế hệ lạc lõng ở Việt Nam, có hay không?”.
Dưới góc nhìn của Thủy Nguyên, trong mắt thế hệ đi trước, lứa giữa 8x và 9x này bị coi là “thế hệ lạc lõng” kém cỏi, ham chơi, thờ ơ với thời cuộc, trôi theo cuộc sống sa đọa… Những con người trong thế hệ này đều được dạy dỗ với quan niệm cần học hành chăm chỉ, có bằng cấp, công ăn việc làm đầy đủ, lấy vợ, sinh con...
Chỉ ra khá nhiều bế tắc, khó khăn của những người trẻ trên con đường tìm thấy cái tôi và theo đuổi những đam mê trong cuộc sống, nhà văn Hà Thủy Nguyên cũng đã nhận được khá nhiều chia sẻ của người trẻ về sự lạc lõng của họ khi không có lý tưởng sống, không có ước mơ, học hành thi đại học như công việc phải làm để vừa lòng cha mẹ… nhưng bản thân họ luôn thấy bế tắc, mệt mỏi, không thể hòa hợp với thế giới xung quanh.
Bên cạnh đó cũng còn khá nhiều ý kiến cho rằng nhà văn Hà Thủy Nguyên đang đánh giá mọi thứ quá tiêu cực, võ đoán và không hẳn những quy chuẩn, giá trị của thế hệ trước đã khiến người trẻ bị kìm kẹp, lạc lõng tới như thế.
Nhiều ý kiến của các bạn trẻ cho rằng, những đặc điểm đó không đại diện cho giới trẻ ở các vùng miền khác trên cả nước. Võ Tiếng, sinh năm 1991, một hướng đạo sinh quê gốc miền Tây đang đi xuyên Việt và tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, anh không đồng cảm với thái độ này. Là hướng đạo sinh, người được huấn luyện bài bản về khả năng sinh tồn và tinh thần cống hiến cho xã hội,
Tiếng cho biết bạn chưa bao giờ cảm thấy lạc lõng trên hành trình xuyên Việt một mình, bằng xe đạp và xe máy. Chính nhờ trải nghiệm và hoạt động thực tiễn, tìm hiểu và giúp đỡ người dân các vùng miền Việt Nam, bạn xa lạ với cảm giác lạc lõng mà bạn trẻ cho là “chỉ của giới trẻ thành thị”. “Con người, cây cỏ, loài vật xung quanh cũng là những người bạn khiến tôi thấy không hề lạc lõng” - Tiếng nói.
Vậy thế hệ cuối 8x, đầu 9x ngày nay có hoang mang và lạc lõng? Nhà phê bình 69 tuổi La Khắc Hòa cho rằng, việc bất mãn, mâu thuẫn trong suy nghĩ của thế hệ trước và thế hệ sau lúc nào cũng có. Và thế hệ ông cũng từng lạc lõng trong sự đi tìm bản ngã cho chính mình như các bạn trẻ bây giờ, đó là khi người ta trẻ và kể cả tới tuổi già vẫn có sự lạc lõng...
Còn Nguyễn Lê Chung, người thuộc thế hệ 8X chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ thấy lạc lõng. Trân trọng và yêu quý thế hệ trước dù đôi lúc rất ghét bị phán xét. Luôn tò mò tìm hiểu và hòa mình vào những niềm vui tuổi mới lớn dù đôi lúc vẫn phán “trẻ trâu”. Nói về lạc lõng thì dường như giữa các thế hệ luôn có một lớp đệm về tuổi tác, tâm lý, văn hóa... khiến họ không phải ngay lập tức hiểu nhau. Cái gì cũng phải có một quá trình. Bản thân tôi nghĩ thế”.
Hình ảnh trong buổi tọa đàm |
Hải Yến, cô gái trẻ đến từ ĐH Mỹ thuật công nghiệp chia sẻ câu chuyện của mình: Khi học tới năm thứ 2 cô đã rất muốn nghỉ học để đi làm một việc gì đó có ích chứ không phải vô bổ, bởi cô thấy mình đang lãng phí tuổi trẻ của mình. Nhưng khi tham khảo ý kiến của mọi người cô thấy rằng, trong hồ sơ xin việc, không cần biết bạn nghỉ học vì tích cực hay tiêu cực, cứ nghỉ học là… bất thường rồi. Thực tế, các bạn bè của Yến, có bạn nghỉ học một năm nhưng đúng là nghỉ dưỡng, cô không muốn mình rơi vào trường hợp như vậy.
Rồi tới năm thứ tư ĐH, vì sức khoẻ có vấn đề nên Yến quyết định xin nghỉ một năm. Và hiện cô đã đi học trở lại và thấy quyết định đó là đúng đắn. Cô vẫn đang miệt mài lấy tấm bằng thiết kế thời trang như một thủ tục cần thiết. Dù đó là công việc cô thích nhưng không phải là số 1.
Hiện cô đang làm công việc vẽ phân cảnh truyện tranh và ước mơ làm búp bê Việt Nam với các trang phục cổ của người Việt. Đồng thời, Yến tham gia nhóm Tôi xê dịch, một nhóm hoạt động văn hoá cổ như chèo, tuồng, mái đình, cổng làng… do chính các bạn trẻ tìm tòi tới những gì cổ xưa nhất trong dòng chảy kết nối với hiện tại…
Tất cả những điều đó làm Hải Yến dường như đã thấy mình không còn lạc lõng, hoang mang trong tuổi trẻ của mình… Với Yến, cuộc sống chỉ sống một lần, không ai sống hộ mình nên Yến muốn thực hiện mọi ước mơ để không phải nói lời hối tiếc…
Và đứng ở bình diện khác nhưng đồng quan điểm với Hải Yến, GS Chu Hảo cho rằng, sự lạc lõng sẽ dần được khoả lấp bởi những hoạt động văn hoá. Bởi cuộc đời trước hết là một sự tự học, tự đi tìm bản ngã cho chính mình. Sự lạc lõng tích cực chỉ có khi bạn có tính phản biện, khi bạn băn khoăn về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Bởi càng băn khoăn, càng suy tư thì trách nhiệm với bản thân, với xã hội càng lớn. Và trách nhiệm của những trí thức là dám phản biện và dự báo khi mà hàng triệu người mới có những trí thức xuất sắc.
Thế nên, với các bạn trẻ hoang mang trước cuộc sống, các bạn hãy ngồi trước trang giấy trắng với câu hỏi: Sống để làm gì? Và câu hỏi này sẽ theo bạn ở nhiều giai đoạn của cuộc đời. Mỗi giai đoạn bạn sẽ có một câu trả lời khác nhau để tìm ra lẽ sống cho riêng mình. Tiếp theo sẽ là những câu hỏi cái gì không vượt qua được để mình chung sống, thoả hiệp? Đồng thời, thay vì hoang mang, bạn hãy tìm một công việc để đam mê, vạch ra những việc ngay từ hôm nay sẽ làm gì?...
Trước chia sẻ của GS Chu Hảo, nhà văn Hà Thủy Nguyên bày tỏ, cô chỉ ra sự lạc lõng trong thế hệ của cô là bởi khi có nhiều người cùng lạc lõng như cô thì sẽ không còn lạc lõng nữa. Bởi những người trẻ trong sự lạc lõng đó là những người sẵn sàng xuống đường tìm kiếm những em bé lang thang và dạy cho chúng học đọc, học viết.
Những người bỏ hết công sức và tiền bạc để thu gom kiến thức nhân loại và tìm mọi cách để chia sẻ với mọi người. Những người dám xông xáo tìm kiếm một cách tân nghệ thuật có giá trị mang tầm thời đại. Những người lao đầu vào các dự án bảo vệ môi trường và cộng đồng người; những người đang cố giữ gìn nền tảng đạo đức tôn giáo bất kể sự xuống cấp của niềm tin. Những người sẵn sàng rũ bỏ đời sống vật chất giả dối để lên đường đi phiêu lưu khắp thế giới cố gắng tìm kiếm một sự kết nối với chính bản thân mình và kết nối với vũ trụ…
Thủy Nguyên chia sẻ: Còn rất nhiều, rất nhiều người như thế có thể rằng tôi cũng chưa được biết tới. “Và nếu ai đó nói rằng những người tôi biết chỉ là thiểu số, vậy thì có lẽ tôi đã quá may mắn được kết bạn với họ, được cùng họ chia sẻ ý tưởng về thời đại mới và ở bên họ, tôi biết rằng mình chẳng bao giờ đơn độc nữa!”…
Vâng, những người trẻ sẽ không còn hoang mang trong cuộc sống ảo và “hàng hiệu”, trong sự giao thoa bản lề của những luồng văn hoá khác nhau khi họ tìm ra sự gắn kết, khi mỗi con người thuộc về một nơi nào đó. Nhà văn Tâm Phan cho biết, cô đã từng là một người nghiện việc trong những năm đầu của tuổi trẻ. Làm trong một công ty nước ngoài, lương tăng lên hàng tuần theo hiệu quả công việc. Cô làm việc điên cuồng trong nửa năm, tiền rất nhiều nhưng cô không có thời gian để tiêu, để đi bar hay gặp gỡ bạn bè.
Rồi tới một ngày, cô nhận được tin mẹ bị ung thư, cô sững lại. Cô đã làm việc mà không biết tới cuộc sống, người thân. Cô bỏ hết công việc với thu nhập khủng ở sau lưng, bay về chăm sóc mẹ, đưa mẹ đi du lịch. Với cô, đơn giản lúc ấy tiền để làm gì khi không còn mẹ trên đời…