Ví dụ: Bộ nọ vẽ ra tổng cục để “chia hàm”, đến mức có lúc Phó Tổng cục trưởng nhiều hơn số Cục trực thuộc; đến mức một lãnh đạo địa phương phải kêu lên: “Mất công đón tiếp các vị, ông nào cũng phán chẳng giúp được gì cho cơ sở”. Đó là thực tế buồn. Nhiều khi người dân nghĩ đến: việc vẽ ra tổ chức, cho nhau “xôi chùa” nó cũng là biến tướng của hiện tượng tham nhũng qua “tổ chức” có điều khó để “chỉ mặt, đặt tên”.
Bộ máy ngang, dọc trùng trùng điệp điệp dẫn đến nay buộc phải sắp xếp lại là do đến lúc ngân sách không chịu nổi nữa. Nếu ngân sách “rủng rỉnh” có lẽ không bao giờ có chuyện sắp xếp, dẹp tổng cục, sáp nhập ban, bệ như hiện các địa phương đang “rón rén” làm.
Báo chí hôm qua đưa tin: Tỉnh ủy Hà Tĩnh chính thức hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy Đức Thọ với Phòng Nội vụ huyện Đức Thọ thành cơ quan Tổ chức - Nội vụ; hợp nhất Ủy ban kiểm tra huyện ủy với Thanh tra huyện thành cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra huyện.
Tính đến nay, huyện Đức Thọ đã nhập 24 xã, thị trấn thành 9 xã, thị trấn; hợp nhất 4 tổ chức hội; tiếp tục thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã những nơi có đủ điều kiện.
Hoan nghênh Hà Tĩnh, nhưng cũng xin nói luôn, ở nước láng giềng họ làm cách đây 50 năm. Đất nước họ rộng lớn, quy mô một tỉnh bằng đất nước chúng ta, nhưng Bí thư đồng thời là Chủ tịch, Thanh tra – Kiểm tra là một…., từ trên thượng đỉnh họ làm từ “tám hoánh”.
Nghịch lý cười ra nước mắt là năm 1972 của thế kỷ trước Nhà nước đã thực hiện “tinh giản biên chế”, hơn nửa thế kỷ, càng giảm, càng phình đến mức “dị dạng”.
Sao mà vẽ ra lắm chức danh, bày biện lắm “ghế” đến thế? “Nếu như kiêm nhiệm được là điều rất tuyệt vời. Vì nói thật, hiện nay chúng ta có quá nhiều chức danh, nhiều đến mức không có người để làm”- Đây là lời ông Vũ Hồng Khanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đưa ra tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án 06 về kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã phường, thị trấn do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 30/11 vừa qua.
Hàng năm, Hà Nội phải chi ngân sách để cấp phụ cấp cho số cán bộ kiêm nhiệm các chức danh là 1.079 tỷ đồng. Nếu như cả nước sẽ bao nhiêu? Tất nhiên, cấp cơ sở có lẽ cũng không gây “choáng” bằng việc trong bộ máy có quá nhiều hàm thứ trưởng, hàm vụ trưởng, hàm phó vụ trưởng, tướng và hưởng lương cấp tướng đâu. Con số này chắc chắn là rất lớn.
Hết thời ngân sách không chịu nổi thì phải “thu ghế” lại thôi. Không biết nên vui hay buồn?. Không biết “ghế” cất vào kho có “bày ra” nữa không?.