Và, đến hôm nay thì ông bị bắt thật, vụ án đã được khởi tố sau rất nhiều đồn đoán. Nhân vật “lừng lẫy” đó là Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), người đã có cả một thập kỷ là nhân vật số một về quyền lực trong giới ngân hàng, tài sản khổng lồ cũng như khá nhiều giai thoại khó tin về tính cách và hành động của ông.
Rất đáng chú ý là ông “trùm” ngân hàng đã nghỉ hưu từ năm 2016, vợ con ông cũng lần lượt rút khỏi những vị trí trọng yếu trong “đế chế” của ông. Dư luận chỉ thực sự rúng động vào cuối tháng 5/2018, khi Ủy ban Kiểm tra TƯ công bố kết luận về những sai phạm của ông là “rất nghiêm trọng” và sau đó bị kỷ luật với hình thức cao nhất là khai trừ Đảng.
Ngay cả khi cứ nghĩ là ông sẽ vướng vào vòng tố tụng trong vụ cho Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ đồng sai nguyên tắc. Song, cả 3 lần triệu tập, ông đều không có mặt tại Tòa với lý do chữa bệnh hiểm nghèo tại Singapore.
Sau khi ông bị bắt, ngay lập tức báo chí và truyền thông đã dành rất nhiều trang để nói về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của ông, kể cả các việc làm trong lĩnh vực tâm linh cũng như các hành vi ứng xử khó có thể tưởng tượng được thời ông đang trên đỉnh quyền lực.
Một người như vậy, thực sự có tài năng và cống hiến trong lĩnh vực của mình, thế nhưng, điều đó không thể “bù đắp” cho những hành vi phạm pháp. Việc ông bị khởi tố, bắt giam cùng với các đồng sự lãnh đạo của Ngân hàng BIDV cho thấy cuộc chống tham nhũng thực sự không có “vùng cấm” đối với bất kỳ ai.
Sự lo ngại “lò không thể đốt được củi gộc” đã không còn có lý do tồn tại. Chắc hẳn, khi “vùng cấm” đã mở toang thì những gì khuất tất, bí hiểm sẽ được đưa ra ánh sáng và đó chính là việc thực hiện lẽ công bằng xã hội và đảm bảo sự nghiêm minh pháp luật.