Cái từ mang ý nghĩa to tát và trừu tượng này khá phù hợp với ý định thuyết phục mọi người nghe theo và tạo ra sự đồng thuận. Bởi, bất cứ ai cũng muốn sống trong một xã hội văn minh, đất nước giàu đẹp, có những công trình xây dựng đáng tự hào. Từ lâu, người ta không hài lòng với sự “đàng hoàng” mà thay thế vào đấy là “hoành tráng” mới thích.
“Xứng tầm” rất phù hợp với việc xây dựng các nhà hát, bảo tàng, cung thể thao, tượng đài... vì đó là những biểu tượng văn hóa, tinh thần, nghệ thuật kiến trúc nên thường được sử dụng để thuyết minh cho ý tưởng xây dựng những công trình này. Việc biểu quyết thông qua xây dựng Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm là một ví dụ.
Tuy nhiên, “xứng tầm” với cái gì thì rõ ràng là không định danh, định tính được. Chắc chắn, không thể “xứng tầm” với cơ sở hạ tầng ở một thành phố ngập nước, kẹt xe và ô nhiễm được. Có lẽ, xây dựng một nhà hát hiện đại, “xứng tầm” là “cần thiết” nhưng không phải bây giờ, vào thời điểm này, lại ở tại cái địa điểm mà những sai phạm với dân ở đó vẫn chưa được ưu tiên giải quyết.
Nếu xét ở mức độ cần thiết thì rõ ràng việc khôi phục quyền lợi của người dân mất đất đã 20 năm là cần thiết hơn. Nhà hát này bị phản ứng là thế, chứ không phải chuyện tiền từ đâu và không chỉ là nó chỉ phục vụ cho một bộ phận “tinh hoa” của xã hội. Nếu có một hội nghị bất thường của HĐND thành phố để giải quyết các vấn đề sai phạm đối với người dân Thủ Thiêm trước cái hội nghị bất thường quyết định xây nhà hát hẳn mọi chuyện sẽ khác đi rất nhiều. Các động thái sau này chỉ là sự vớt vát, xoa dịu dư luận và không nhiều ý nghĩa.
Ngoài ra, những công trình “xứng tầm” với Thủ đô nghìn năm văn hiến cũng không mang lại niềm tự hào cho người Hà Nội cũng như nâng tầm quốc tế của thành phố này khi những công trình trăm tỷ xây dựng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội mà công năng sử dụng rất thấp, thậm chí là hoang vắng. “Tiền lệ” này khiến người dân cùng dư luận xã hội nghi ngờ vào tác dụng thực tế, khả năng nâng cao đời sống tinh thần, thu hút khách du lịch... của các công trình “xứng tầm” khác.
Không cứ những người quản trị xã hội mà cả những người dân bình thường cũng đều có mong muốn là đất nước chúng ta xứng tầm với một dân tộc kiên cường bất khuất ở tất cả các lĩnh vực khác nhau, “sánh vai” với quốc tế. Tuy nhiên, “Chiếc áo tu hành không làm nên thầy tu” nhắc nhở chúng ta rằng, “y phục sánh kỳ đức” là nét văn hóa cần phải giữ gìn./.