Cái chết thương tâm của một phụ nữ xảy ra thật đáng tiếc, song cách ứng xử của người có trách nhiệm khiến mọi người bất bình. Người đứng đầu một cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương khi bị báo chí hỏi về trách nhiệm đã trả lời rằng đã làm hết trách nhiệm và không thể hàng ngày canh cửa thủ phạm cũng như hàng đêm ôm nạn nhân ngủ được. Nhiều ý kiến đã tỏ ra phẫn nộ khi đọc thông tin này.
Không thấy trách nhiệm hoặc chối bỏ trách nhiệm của mình khiến dư luận bức xúc là những chuyện thường thấy trong cách ứng xử của những người có trách nhiệm. Thường thì người ta đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan, thâm chí cho “ông trời” như vụ đường cao tốc chi chít “ổ gà” hay vụ 6 em nhỏ bị thương vong do dây điện đứt chẳng hạn. Vụ phá rừng phòng hộ ở Sóc Sơn (Hà Nội) xây biệt thự và các công trình nghỉ dưỡng giải quyết nhùng nhằng hơn 10 năm nay mà chính quyền sở tại tỏ ra vô can thì không đơn giản là thiếu trách nhiệm nữa.
Mới đây, trường hợp một Chủ tịch thành phố bị kỷ luật cảnh cáo lại được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở khiến dư luận thắc mắc. Người có trách nhiệm trả lời báo giới là đúng quy định, chỉ “điều động” thôi chứ không phải là “bổ nhiệm”, trong khi đó, quyết định “thăng chức” cho trường hợp này ghi rõ “điều động và bổ nhiệm” – một việc rõ ràng đến thế mà người ta cũng chối bỏ được thì thật là... dũng cảm!
Sự chối bỏ trách nhiệm hay đổ thừa còn bắt gặp rất nhiều trong lĩnh vực được coi là mô phạm. Hiệu trưởng chỉ đạo “tận thu” khi vỡ lở thì đổ cho giáo viên, trước đó thì bảo “chưa thu”, người dân trưng chứng cứ thì lẩn trốn trách nhiệm. Bệnh viện gây chết bệnh nhân nhưng lẩn trốn trách nhiệm đến cùng khi phải bồi thường hàng trăm triệu đồng thì lại tỏ ra nhân đạo đó là tiền “hỗ trợ”.
Chúng ta đang đề cao và thực hành phong cách sống liêm chính trong đội ngũ cán bộ. Chính vì không “liêm” nên chẳng thể “chính” được, từ hành động đến phát ngôn đều vậy.