Thực tế 2 năm nay, việc một số trường đại học tổ chức sơ tuyển, xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT đã tác động tới việc dạy và học ở các trường THPT. Mới đây, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, tỉnh An Giang đã thẳng thắn phản ánh, những thay đổi trong tuyển sinh mấy năm qua đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục THPT và từ khi có chuyện xét học bạ, điểm HS lớp 12 cao thấy rõ.
Hiệu trưởng một trường THPT Hà Nội cho biết, một số HS sau khi kiểm tra bị điểm thấp đều xin giáo viên bộ môn kiểm tra bổ sung để cải thiện điểm. Về nguyên tắc, cách làm này không đúng vì trong quy định của Bộ GD-ĐT không cho phép. Tuy nhiên, trước nguyện vọng của HS hay phụ huynh nhờ vả, thầy cô giáo cũng khó lòng từ chối. Và vì thế, việc kiểm tra được tăng cường bằng nhiều hình thức.
Và mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa kết luận, giáo viên đã thay đổi đầu điểm môn Vật lý cho 12 HS lớp 12D4 là không đúng quy định, đồng thời xem xét kiểm điểm trách nhiệm hiệu trưởng, thầy giáo sửa điểm. Trước đó, theo một số phụ huynh HS Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội phản ánh về việc giáo viên nhà trường bất ngờ sửa và nâng điểm môn Vật lý cho hàng loạt HS lớp 12 D4. Theo đó, văn bản được được cho là bảng điểm môn Vật lý của lớp 12 D4, học kỳ 1, năm học 2016-2017 do thầy giáo Đỗ Văn Thành giảng dạy, có tới 11/44 HS được sửa điểm, nâng điểm ở thang điểm kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút (điểm hệ số 1) và điểm hệ số 2.
Tại điểm hệ số 1 (kiểm tra miệng và 15 phút), HS đạt điểm kém, điểm yếu (điểm 3, 4) được gạch đi và điền bên cạnh là mức điểm khá, giỏi (điểm 7, 8, 9); HS có mức điểm trung bình khá, điểm khá (điểm 6, 7) được thay thành mức giỏi (điểm 8, 9). Tương tự, tại điểm hệ số 2, một số điểm cũng được gạch đi để thay thế bằng mức điểm cao hơn. Theo phản ánh của phụ huynh HS, nếu đúng sự việc xảy ra như vậy thì rõ ràng những HS học thật, điểm thật không được nâng điểm sẽ rất thiệt thòi.
Tuy nhiên, khi trả lời báo chí về vấn đề này, thầy Đỗ Văn Thành cho biết, đây chỉ là bản in nháp từ phần mềm sổ điểm điện tử của trường. Sau khi nhập điểm, thầy Thành in ra để so sánh với sổ điểm cá nhân và phát hiện nhiều lỗi sai trong quá trình nhập điểm nên đã chữa vào bên cạnh. Nếu là nâng điểm cho HS thì không giáo viên nào lại gạch xóa như trong bản in nháp mà phụ huynh phản ánh.
Theo Sở GD-ĐT, việc thầy giáo cho HS lên bảng làm bài tập, trả lời câu hỏi lý thuyết để lấy điểm cao hơn thay thế điểm trước đó cũng không đúng quy định. Việc làm trên của thầy giáo Đỗ Văn Thành tuy không mang động cơ cá nhân, không vụ lợi nhưng đã vi phạm quy định về tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của HS.
Như vậy, trước nhu cầu thực tế đỗ đại học bằng mọi giá thì việc nâng điểm, sửa điểm học bạ là điều hoàn toàn có thể xảy ra ở bất cứ trường THPT nào...