Tuy nhiên hiện nay, làng nghề đang đứng trước nguy cơ thất truyền, nhiều người không còn mặn mà với nghề truyền thống đan lát.
Làng nghề một thời vang bóng
Ở huyện miền biên viễn huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) khi nhắc đến vùng Sơn Long ở xã Chí Viễn người ta nghĩ ngay nghề đan lát truyền thống. Nơi đây một thời đã nổi tiếng gần xa bởi các sản phẩm như chiếu tre, cót, thúng mủng, quẩy tấu, gùi. Vào giai đoạn cực thịnh, nghề này đã góp phần cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc Tày 3 xóm Boong Trên, Boong Dưới và Bản Thay.
Theo các cụ cao niên vùng Sơn Long, nghề đan lát xuất hiện từ khoảng một trăm năm trước. Đan lát vừa là nghề phụ và cũng là nghề truyền thống của người dân trong làng, đây cũng là một nguồn thu nhập tương đối khá của bà con dân tộc. Tuy nhiên, để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh và bán chạy tại các buổi chợ phiên không hề đơn giản. Bởi mỗi sản phẩm được hoàn tất phải qua nhiều công đoạn như chọn tre, pha tre, chẻ nan, vót nan, đan, vênh, lận... và đặc biệt là chỉ làm bằng thủ công.
Việc đan lát được phân công khá rõ ràng trong từng gia đình. Những công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều sức lực như chặt tre, cưa tre, lận vành thì đàn ông do đảm nhận, còn phụ nữ, trẻ con lại đan lát, nứt vành do khéo tay hơn. Vài chục năm trước đây, khi các mặt hàng gia dụng bằng nhựa chưa xuất hiện tràn lan thì người dân vẫn có thói quen sử dụng những mặt hàng đan bằng mây, tre. Và 3 xóm Boong Trên, Boong Dưới, Bản Thay trở thành một trong những địa phương cung cấp chủ yếu sản phẩm gia dụng bằng tre của huyện Trùng Khánh cũng như các huyện lân cận như Hạ Lang, Quảng Uyên và Trà Lĩnh.
Người Tày vùng Sơn Long nơi huyện biên cương Trùng Khánh của tỉnh Cao Bằng có thể làm ra các loại rổ rửa rau, bồ đựng thóc, thúng nia, chiếu cói chỉ với những thanh cây tre. Hàng đan lát nơi đây được tiêu thụ khắp các chợ quê với giá một sản phẩm thấp nhất khoảng 50 ngàn đồng, cao nhất khoảng 500 ngàn đồng, giá cả tùy từng sản phẩm lớn bé cũng như chất liệu tre già hay non. Vào những dịp như trước Tết Nguyên đán hay trước mùa thu hoạch lúa, con đường ngoằn ngoèo đi vào vùng Sơn Long, cách chợ Pò Tấu thuộc xã Chí Viễn khoảng 10km lại bỗng trở nên tấp nập tranh nhau đặt hàng, cũng có khi người dân làng nơi đây chở hàng trên xe đi bán khắp nơi.
Theo ông Nông Văn Nam (68 tuổi) ở vùng Sơn Long cho rằng, để biết làm nghề đan lát khá dễ dàng, thế nhưng để làm ra những sản phẩm chất lượng bền tốt, mẫu mã đẹp thì cũng phải mất mấy năm theo nghề. Muốn có những tấm chiếu cót đẹp đòi hỏi người thợ phải kiên trì, tỉ mỉ từ khâu chẻ nan đến việc đan chiếu. Cũng bởi lẽ đó mà giới trẻ ngày nay ngại học nghề này. Trước đây, nhờ đan lát người dân quê tôi có thể kiếm thêm thu nhập để trang trải cho những sinh hoạt trong gia đình. Với một người thợ lành nghề, trung bình cũng làm được 3-4 sản phẩm/ngày, thu nhập khoảng 70-80 nghìn đồng. Người dân Sơn Long ngày trước không phải lo đến việc đói ăn, thiếu mặc. Bởi quanh năm hầu như không lúc nào là không có việc, sản phẩm làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết đến đó.
Nghề đan lát đòi hỏi nhiều công phu, sự tỉ mỉ |
Nguy cơ mai một làng nghề đan lát
Hiện những gia đình còn duy trì nghề đan lát tại vùng Sơn Long rất ít và thường là người lớn tuổi, còn hầu hết thế hệ trẻ không biết hoặc không mặn mà với nghề đan lát. Anh Nông Văn Thuận ở xóm Boong Dưới, xã Chí Viễn - người duy nhất hiện nay đang theo học nghề đan lát của các cụ cao niên trong làng cho biết: “Khó khăn lớn là nguồn nguyên liệu thiếu hụt, giá bán cao không ai mua, bán thấp quá lại không đủ chi phí nên lớp thanh niên phần lớn không mặn mà với nghề mà hầu hết muốn thoát ly để tìm một nghề khác cho thu nhập khá hơn. Tất cả cũng vì nghề này vất vả mà thu nhập không duy trì được mức sống tối thiểu, không mang lại hiệu quả kinh tế”.
Gắn bó với nghề đan lát suốt hàng chục năm qua, ông Ban Văn U ở xóm Boong Trên đã nặng lòng với nghề đan lát song cũng thấy xót xa vì nghề không nuôi nổi người: “Ngồi làm cặm cụi cả ngày mà chỉ kiếm được mấy chục bạc, đem ra chợ bán không chắc là bán được, so với công lao động hiện nay thấp quá”. Chính vì thu nhập thấp nên hiện tại chỉ còn vài chục hộ làm nghề, đa số những người còn bám trụ với nghề đều là người già.
Theo anh Ban Văn Kham, Trưởng bản Boong Trên cho biết, nguyên nhân dẫn đến làng nghề có nguy cơ mai một là do các sản phẩm từ nhựa ngày càng phổ biến, mẫu mã đa dạng, gọn nhẹ, tiện lợi hơn, khiến cho nhu cầu về sản phẩm từ tre, nứa giảm xuống. Từ một làng nghề sôi động, nghề đan lát bỗng chốc trở thành việc làm thời vụ. “Thời vàng son” của làng nghề giờ chỉ còn trong quá khứ, trong sự nuối tiếc của những người vẫn mặn mà với nghề ông cha để lại của làng. Thứ nữa là yếu tố nhân lực, thợ lành nghề cũng ảnh hưởng không nhỏ, bởi đa số nghệ nhân ở tuổi “xưa nay hiếm”, thợ có tay nghề lại đếm trên đầu ngón tay. Ngoài việc khó đầu ra, thu nhập thấp thì việc thiếu nguyên liệu cũng khiến đan lát ở đây gặp khó khăn. Nếu như trước đây nguyên liệu khá dồi dào vì trong làng hầu như nhà nào cũng trồng tre thì hiện nay việc tìm nguyên liệu không phải là chuyện dễ, nhiều người phải đi mua ở các làng, các huyện khác.
Rõ ràng, với việc loay hoay tìm giải pháp khắc phục khó khăn trong thế “tiến thoái lưỡng nan”, nguy cơ mai một nghề đan lát ở Sơn Long đang hiện rõ. Điều mà người dân địa phương đang rất cần là sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước để có được một định hướng đúng đắn cho sự phát triển của ngành nghề, giúp bà con có thể thoát khỏi cuộc sống bấp bênh bằng chính nghề truyền thống đã gắn với làng từ hàng trăm năm qua.