(Tiếp theo)
Đại Việt sử ký toàn thư chép Lê Thánh Tông “thực là bậc vua anh hùng tài lược…Vua sinh ra,… thần sắc anh dị, tuấn tú, sáng suốt, chững chạc, thực là bậc thông minh đáng làm vua, bậc trí dũng đủ giữ nước… Tính trời sinh tri, mà sớm khuya không rời quyển sách; tài năng lỗi lạc mà chế tại lại càng lưu tâm. Ưu điều thiện, thích người hiền, chăm chăm không mỏi”.
Tiểu sử Vua Lê Thánh Tông có đoạn chép: “Sức học của Vua có nguồn gốc, rừng kinh bể sử không đâu là không kê cứu”. Sử thần Vũ Quỳnh ghi: “Vua tự trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi, văn hay, mà thánh học rất chăm, tay không lúc nào rời quyển sách. Các sách kinh sử, các sách lịch toán, các việc thánh thần, cái gì cũng tinh thông”. Vua Lê Thánh Tông “sửa tam đức để thiện lòng người, coi học hành để chấn hưng văn hóa… Kính tôn bậc nho cố cựu, lễ phép với bực đại thần. Thưởng phạt thì rõ ràng. Chính lệnh thì nghiêm minh... Siêng cần dân sự thì lấy việc làm ruộng, trồng dâu làm gốc… Không chuộng châu báu lạ kỳ, không ưa xa xỉ… biết các quan là nguồn gốc trị loạn, nên đem liêm giới khuyên răn. Hết lòng hiếu kính triều trước, mà bỏ luôn thú vui phóng túng”.
Trong đời sống thường nhật, Vua Lê Thánh Tông “xa kẻ nịnh, thân người hiền tài. Cố gắng mưu yên định cho dân. Phát động chính trị ôn hòa. Lấy chín điều mà làm việc nước”. PGS.TS. Nguyễn Minh Tường viết: “Lê Thánh Tông… là một vị vua thông minh, “hùng tài đại lược”, có tư chất và tính khí rất cao minh”.
Thực tế lịch sử thời Vua Lê Thánh Tông là minh chứng rõ nét cho chân lý: Vua sáng là điều kiện tiên quyết để có nhiều hiền thần. Có vua tài năng là điều kiện để người tài được trọng dụng. Suy rộng ra, trong mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, có lãnh đạo tài năng thì mới có môi trường để người giỏi được trân trọng, phát huy.
Thứ hai, chính sách đãi ngộ, trọng dụng hiền tài kể trên trước hết xuất phát từ nhận thức rất sâu sắc của Vua Lê Thánh Tông và vương triều dưới thời Vua Lê Thánh Tông về tầm quan trọng của hiền tài đối với sự phát triển của quốc gia và đối với sự vững bền của vương triều. Điều đó thể hiện rất rõ trong Văn bia tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám được Vua Lê Thánh Tông giao cho Thân Nhân Trung soạn vào năm 1884: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy, các đấng Thánh Đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế: cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng”.
Có thể nói, những câu nói bất hủ kể trên chính là tư tưởng và điều khắc cốt, ghi tâm của vị vua sáng Lê Thánh Tông. Có niềm tin ấy, thiết nghĩ, không chỉ học từ trong sách vở, mà bản thân chứng nghiệm qua sự lên ngôi của ngài và kết quả đất nước thịnh trị những năm sau đó như là kết quả của sự “se duyên” người tài đức với vị trí phù hợp, xứng tầm.
Lê Thánh Tông, trước khi làm vua vốn bậc hiền tài, khi được trao ngôi báu, đã làm xoay chuyển thế cục của nước Đại Việt thời bấy giờ. Điều rất đáng nhắc tới là khía cạnh quần thần khi tôn ngài lên làm Vua đã dựa trên một tư duy rất tiến bộ: trao vị trí trọng trách cho người xứng đáng. Bia ở Chi Lăng về tiểu sử Vua Lê Thánh Tông (do Thân Nhân Trung soạn năm 1498 tức 1 năm sau ngày mất của Vua Lê Thánh Tông) có đoạn nói về “mưu tính” của các đại thần khi tôn Lê Tư Thành lên ngôi báu như sau: “Ngôi trời thực khó, ngai vàng rất quan trọng, nếu không phải bực đại đức khó có thể kham được. Nay Gia vương thiên tư minh duệ, khí lược trầm hùng, trội xa đồng lớp, các vị vương khác chẳng sánh kịp. Lòng người đều theo thì ý trời có thể biết được”.(Còn tiếp)