Ngày 1/2/2016 bà Lê Thị Thanh Lan, Tổng Giám đốc Cty Khiết Tường đã nộp đơn khởi kiện Cty Hồng Ân tại TAND quận 1, kèm một số tài liệu, trong đó có hai Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông số 26.12/BBH-12 của Cty Khiết Tường và Biên bản họp Hội đồng thành viên (HĐTV) số 26.12/BBH-12 của Cty Hồng Ân.
Ông Trương Thanh Vĩnh Phúc (Chủ tịch HĐTV Cty Hồng Ân, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Cty Khiết Tường) cho biết: “Tôi không thể dự họp trong cùng một thời gian (từ 09h đến 10h30 cùng ngày 26/12/2012 tại hai Cty cách nhau đến 7 km). Thế nhưng điều đó lại được thể hiện tại hai biên bản này. Do vậy, hai biên bản này có thể là do bà Lê Thị Thanh Lan tự cố ý tạo ra để phục vụ cho ý đồ chiếm đoạt Cty Hồng Ân…”.
Tại Giấy ủy quyền số 02.01/GUQ-13 (ngày 08/01/2012) có chữ ký của bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh (Tổng Giám đốc Cty Hồng Ân) và con dấu của Cty Hồng Ân. Tuy nhiên, bà Trinh cho biết: “Tôi chưa bao giờ lập giấy ủy quyền này, vì lúc đó tôi chưa quen biết với bà Lê Thị Thanh Lan. Tại thời điểm này, bà Lan chưa làm lại giấy CMND. Ngày 11/7/2012, bà Lan mới được công an TP. HCM cấp mới giấy CMND thì làm sao có số CMTND trên giấy ủy quyền đã ký trước đó 7 tháng? Ngày 08/1/2012, Sở Xây dựng Bình Thuận chưa cấp phép xây dựng (GPXD) Nhà máy xử lý hơi nước nóng cho Cty Hồng Ân (Nhà máy Hồng Ân) thì tại sao Giấy ủy quyền lại đã ghi số GPXD là 285/GPXD ngày 23/8/2012? Đến ngày 13/11/2012, Cty Khiết Tường mới được thành lập thì làm sao tôi có giấy ủy quyền cho Cty này vào ngày 08/1/2012? Cũng tại thời điểm này, giữa Cty Hồng Ân với Cty Khiết Tường chưa có một hợp đồng hợp tác kinh doanh nào. Đến ngày 14/11/2012, hai bên mới ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01/HĐHT-12 thì làm sao ngày 8/01/2012, bà Lan đã căn cứ vào Hợp đồng này để làm giấy ủy quyền?
Ngoài những vấn đề vô lý về thời gian như trên, theo nghi vấn của bà Trinh thì Biên bản họp số 01.03.2014/BBHHA-KT ngày 01/3/2014 giữa Cty Hồng Ân với Cty Khiết Tường cũng là giả. Bởi tại thời điểm này, mẫu dấu của Cty Hồng Ân chưa có (con dấu của Cty này chỉ được phép sử dụng từ ngày 22/5/2014 theo Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu số 258343/ĐKMD ngày 15/5/2014 của Công an TP.Hồ Chí Minh).
Cả bà Trinh và ông Phúc đều cho rằng, do có ý đồ chiếm đoạt toàn bộ tài sản của Cty Hồng Ân nên trong biên bản này có nội dung “… trong trường hợp đến 31/12/2014 mà Cty Hồng Ân vi phạm các cam kết thanh toán nêu tại Mục 2, 3, 4 thì nếu trong vòng 01 tháng mà Cty Hồng Ân không thực hiện đúng như cam kết trên thì Cty Hồng Ân chuyển giao toàn bộ Dự án Thanh long Hồng Ân cho Cty Khiết Tường quản lý và khai thác kinh doanh Trang trại Hồng Ân…”.
Ngày 01/02/2016, bà Lê Thị Thanh Lan đã sử dụng biên bản này làm cơ sở cho việc khởi kiện Cty Hồng Ân và đề nghị TAND Quận 1 “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT)”. Ngày 4/2/2016, TAND Quận 1 thông báo thụ lý vụ án. Ngày 5/2/2016 (tức 27 Tết Nguyên đán), TAND Quận 1 ra quyết định “áp dụng BPKCTT”, giao cho Cty Khiết Tường tạm thời quản lý, sử dụng toàn bộ tài sản là Trang trại Thanh Long Hồng Ân, Nhà máy Hồng Ân.
Trong một diễn biến khác, trước khi có vụ kiện trên thì vào rạng sáng ngày 29/1/2016, có khoảng 50 người lạ mặt cầm nhiều hung khí, ngang nhiên đột nhập vào Trang trại Hồng Ân và Nhà máy Hồng Ân hành hung bảo vệ và nhân viên rồi chiếm giữ tài sản của Cty Hồng Ân cho đến nay…
Ông Trương Thanh Vĩnh Phúc (Chủ tịch HĐTV Cty Hồng Ân) đã bức xúc cho rằng “Tài sản trang trại, nhà máy gia nhiệt, trang thiết bị máy móc của Cty chúng tôi giá trị hơn 300 tỷ, nhưng TAND Quận 1 chỉ “cho phép” nguyên đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT nộp 200 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy định thì đương sự yêu cầu áp dụng biện pháp này buộc phải nộp tại tòa 70% giá trị tài sản kê biên. Việc này có phải là động thái “hợp thức hóa” hành vi “chiếm đoạt tài sản” của nhóm người xông vào trang trại, Nhà máy Hồng Ân vào ngày 29/1/2016?
Bà Trinh cho biết thêm: “Cty Hồng Ân đã đầu tư trồng hơn 50ha Thanh Long theo tiêu chuẩn VietGAP, Global. A.P và đầu tư thêm hơn 4 triệu USD để xây dựng nhà máy xử lý hơi nước nóng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu trái Thanh Long sang thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài, xuất khẩu trái Thanh Long trong 10 năm tới với giá trị hàng chục triệu USD. Tưởng chừng đầu ra cho trái Thanh Long ổn định, mang lại thu nhập cao cho nông dân Bình Thuận nhưng không ngờ, hơn một năm nay thì nhà máy và trang trại bị “chiếm” do cạnh tranh không lành mạnh, khiến doanh nghiệp đang ở bờ vực phá sản…Trong khi đó, trước khi thành lập Cty Khiết Tường và làm Tổng Giám đốc Cty này thì bà Lê Thị Thanh Lan là Luật sư tư vấn cho Cty Hồng Ân trong nhiều vụ việc. Phải chăng, bà này đã dựa vào mối quan hệ của mình để “mạnh miệng” tuyên bố rằng “sẽ thắng kiện” và tài sản Cty Hồng Ân sẽ thuộc về Cty Khiết Tường” .
PLVN sẽ thông tin tiếp vụ việc.