Vụ tranh chấp kéo dài gần 20 năm
Theo ông Nguyễn Duy Hiếu (91 tuổi), diện tích đất 309m2, tại địa chỉ tổ 21, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, được Ban cải cách ruộng đất phân chia đất (không có nhà) năm 1956 cho mẹ ông Hiếu (là cụ Nguyễn Thị Đong - bần nông).
Khi bà Đong được cấp đất thì chỉ là thửa đất bỏ hoang, không có nhà cửa cây cối gì. Bà Đong cất nhà ở tạm, đăng ký thường trú và được Công an Thanh Trì (cũ) cấp hộ khẩu ngày 28/4/1956. Sau đó, bà Đong đã kê khai quyền sử dụng đất, được đứng tên trong Sổ mục kê và Bản đồ năm 1960 của địa chính xã. Bà Đong ăn ở ổn định đến 1986, xin phép xây dựng lại ngôi nhà trên thửa đất cũng được địa phương đồng ý. Bà Đong cho con trai (ông Hiếu) được thừa kế nhà đất có xác nhận của UBND xã Hoàng Văn Thụ. Đến năm 1990, ông Hiếu được UBND huyện Thanh Trì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Hàng năm, gia đình vẫn nộp các khoản thuế, lệ phí sử dụng đất và không có tranh chấp với bất kỳ ai.
Thế nhưng hơn 40 năm sau - năm 1998, ông Hiếu làm thủ tục tách thửa cho các con và đã kê khai xong, đợi ngày cấp lại GCNQSDĐ mới thì bị bà Nguyễn Thị Xuân kiện đòi nhà cho ở nhờ.
Vụ án đã kéo dài 18 năm với nhiều bản án, quyết định, có sự tham gia giải quyết của cả Tòa án nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Năm 2013, vụ án được TAND TP Hà Nội xử lần thứ 8 chấp nhận đòi nhà của nguyên đơn, chỉ trích công sức cho gia đình ông Hiếu bằng 1/5 giá trị tài sản và giá trị xây dựng trên đất nên ông Hiếu đã làm đơn xin xét lại toàn bộ bản án.
Ngày 27/5/2014, Viện KSND tối cao có quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 34/2014/KN-DS đối với bản án phúc thẩm số 335/2013/DSPT ngày 19/12/2013 của TAND TP Hà Nội nêu trên, đề nghị Tòa Dân sự TANDTC hủy 02 bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần thứ 8. Ngày 20/8/2014, Tòa Dân sự TANDTC xử hủy bản án phúc thẩm số 335/2013/DSPT ngày 19/12/2013 của TAND TP Hà Nội và giao cho Tòa án TP Hà Nội xét xử lại.
Nghi vấn về các chứng cứ
Điều kỳ lạ là nguyên đơn cung cấp cho Tòa án chứng cứ với bản San thư pho tô (Bút lục số 405 trong hồ sơ vụ án) ghi đã đối chiếu bản chính ký tên Hoa không có cơ quan có thẩm quyền chứng thực, lại được coi là nguồn chứng cứ để khởi kiện (Không có bản gốc xuất trình). Bản San thư này ghi có dấu hiệu giả mạo. San thư được lập năm 1942, nhưng Lý trưởng xác nhận vào năm 1940 (trước khi lập là 02 năm) và ông Tấn đã chết năm 1935 (trước đó 07 năm).
Về hình thức, San thư này không giống các bản được lập cùng thời điểm. Nguyên đơn cũng không có gì chứng minh là chủ sử dụng đất. Kỳ lạ hơn nữa là San thư được lập tại Hà Nội nhưng lại có dán Tem Cục thuế TP Hồ Chí Minh vào 27/10/1995 (sau 53 năm San thư được lập)? Nếu các văn bản khác được viết tay và do Lý trưởng xác nhận đánh bằng máy trước khi ký, nhưng San thư này lại được đánh máy sẵn, còn phần xác nhận lại viết tay... và xác nhận cả vào ngày Chủ nhật (22/Decembu -1940 dịch là 22/12/1940 ngày Chủ nhật).
Quá trình giải quyết vụ án, gia đình ông Hiếu đã có đơn yêu cầu giám định bản San thư xem là thật hay giả, nhưng không hiểu tại sao Tòa án không giải quyết và không giám định.
Tài liệu thứ hai là Công văn số 234/CV-TTLT ngày 09/12/2002 và số 201/CV-TTLT ngày 03/11/2003 của Trung tâm lưu trữ và dịch vụ nhà đất – Sở Địa chính Hà Nội do nguyên đơn cung cấp cho Tòa án khi khởi kiện: Nguồn gốc thửa đất (gia đình ông Hiếu đang ở) theo bản đồ địa chính và sổ điền bộ làng Hoàng Mai lập năm 1950, thửa đất số 29, tờ số 16 đứng tên cụ Nguyễn Duy Tấn (lập năm 1942)…
Tài liệu trên là nguồn gốc thửa đất, ngoài thông tin nêu trên Trung tâm không có tài liệu phản ánh quá trình biến động về sở hữu và sử dụng thời kỳ cải cách ruộng đất và hiện nay nên chưa thể xác định được. Những loại tài liệu này cũng chỉ để tham khảo, không phản ánh được quá trình biến động thửa đất nên không được coi là nguồn chứng cứ và chính nội dung văn bản khẳng định là “chưa thể xác định được”, công văn cũng khẳng định chỉ là tài liệu để tham khảo, mà Tòa án lại chấp nhận đơn kiện “có ngôi nhà trên thửa đất” để tuyên án?!
Trích lục bản đồ tỷ lệ 1/500 thửa đất 29, tờ số 16, khu Làng Hoàng Mai, vị trí Lập 1942, đứng tên (không có) và ghi rõ: “Bản đồ này không chứng nhận quyền sở hữu và sử dụng mà chỉ dùng làm tài liệu tham khảo” (không ngày tháng năm, không có dấu và không có ai chữ ký) do nguyên đơn cung cấp kèm theo 02 công văn của Sở địa chính Nhà đất Hà Nội làm tài liệu khởi kiện cũng không có giá trị pháp lý.
Các tài liệu nêu trên đều “không có nhà”, thế nhưng Tòa án vẫn chấp nhận đơn khởi kiện về “Đòi nhà cho ở nhờ bằng miệng” theo Nghị quyết số 58.
Cần xem xét hoãn thi hành án
Ngược lại, các chứng cứ bị đơn cung cấp lại không được Tòa xem xét hợp lý. Ví như tài liệu chứng nhận gia đình ông Hiếu là gia đình “Bần nông”, sổ hộ khẩu xác định ông Hiếu nhập khẩu về ở ngày 06/9/1974, tài liệu về quá trình quản lý, biến động tình hình sử dụng đất, sổ mục kê xã Hoàng Văn Thụ năm 1960...
Trong khi Bản án số 141/2015/DS-PT đang được THADS Hoàng Mai tích cực đôn đốc thi hành, nhận được đơn kêu cứu của gia đình ông Hiếu, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội có văn bản số 02/TANDCC-DS ngày 07/7/2016 yêu cầu Chi cục trưởng THADS Hoàng Mai ra quyết định hoãn thi hành án trong thời gian 3 tháng đối với bản án nêu trên để TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Sau đó, theo yêu cầu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao đã có quyết định rút hồ sơ vụ án nêu trên để xem xét, giải quyết. Thế nhưng, hiện nay, gia đình ông Hiếu vẫn liên tục nhận được các văn bản đốc thúc triển khai thi hành án. Thiết nghĩ, do tính chất phức tạp của vụ việc, trong khi chờ Chánh án TAND tối cao có quyết định, cần hoãn thi hành án đối với vụ án này nhằm tránh những hệ lụy khó giải quyết về sau.