Tha hương để được bên nhau
Nhiều năm qua, khu nhà trọ ẩm thấp nằm sâu trong con đường Nguyễn Thúc Tự (phường Vinh Tân, TP.Vinh, Nghệ An) là nơi trú ngụ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Sự (67 tuổi) và bà Đặng Thị Hương (60 tuổi). Họ quê gốc ở một xã nghèo huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định), phiêu bạt đến thành phố này ăn xin, nhặt rác kiếm tiền sống qua ngày.
Người dân đã quen với hình ảnh mỗi sáng sớm, ông Tự lại ôm người vợ tật nguyền lên chiếc xe đẩy đi ăn xin khắp thành phố. Trở về khi chiều tối, căn phòng trọ mới sáng đèn. Ông lại hết lòng chăm sóc cho người bạn đời bất hạnh.
Giữa trời Vinh nắng như đổ lửa, gương mặt ông Sự đẫm mồ hôi vì phải đẩy chiếc xe lăn chở người vợ nặng gấp rưỡi mình. Hỏi chuyện “đi làm”, ông vui vẻ kể: “Mấy hôm ni trời đỡ nắng hơn mọi hôm, nhiều người đi lại ngoài đường, nhưng vợ chồng tôi cũng chỉ xin được mấy chục nghìn. May là có người cho miếng thịt ba chỉ nấu ăn”, ông Sự nói.
Vừa dứt lời, người đàn ông lấy hết sức bế vợ từ xe lăn đặt lên giường. Căn nhà ẩm thấp, lụp xụp, bộn bề đồ đạc. Nhìn chồng lúi húi vơ vội đống quần áo ở góc giường, bà Hương cố giấu những giọt nước mắt. “Là đàn bà, đáng ra tôi phải làm những công việc dọn dẹp này. Nhưng suốt nhiều năm qua, ông ấy lại thay tôi làm điều đó”, bà nghẹn ngào.
Suốt cuộc nói chuyện, vợ chồng họ luôn dành cho nhau những lời yêu thương, trìu mến. Kể về thời thơ ấu của mình, bà Hương trầm ngâm: “Hoàn cảnh gia đình tôi bi đát. Nhà nghèo, không mảnh đất cắm dùi, con cái lại đông, gia đình chẳng ai có nghề nghiệp.
Đã thế, ngay từ lúc lọt lòng mẹ, hai chân tôi bị teo tóp, cứ trái gió trở trời lại thường xuyên đau ốm quặt quẹo. Vậy nên khi đến tuổi trưởng thành, tôi chẳng dám mong mỏi tình yêu đôi lứa như các bạn. Nhưng rồi điều kỳ diệu đã xảy ra”.
Nói đến đây, bà Hương mỉm cười nhìn chồng. Bà kể chồng bà ngày xưa là chàng trai khỏe mạnh, dáng vẻ phong trần và nụ cười hiền hậu. “Chàng hoàng tử” ấy đã xuất hiện bên đời bà, mang lại hạnh phúc dù còn nhiều gian khó. Vì ở cùng làng nên cả hai đã biết nhau từ nhỏ. Tuy nhiên, giữa hai người chỉ dừng lại ở tình cảm bạn bè, cho đến một ngày ông trở về sau gần hai năm xa quê.
Sau khi theo tổ thợ xây đi làm công trình phương xa, ông Sự trở về mới gặp lại người bạn gái tật nguyền. Những lần trò chuyện đưa họ lại gần nhau hơn. Càng hiểu, ông càng thông cảm, yêu thương cô gái ngồi xe lăn, từ đó luôn tìm cớ để sang thăm.
“Mọi người đồn thổi bảo tôi “điên” khi đem lòng yêu cô gái bại liệt. Một số người thường đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài, nhưng lại không thấy được bản chất tốt của người ta.
Tôi thấy Hương tuy suốt ngày chỉ ngồi trên chiếc xe lăn, mọi việc ăn uống, đi lại phải nhờ người khác, nhưng tấm lòng chân thành, ý chí chiến đấu mãnh liệt với bệnh tật, sự lạc quan, yêu đời của Hương làm trái tim tôi thổn thức. Cũng từ ngày đó, tôi thương thầm nhớ trộm Hương”, ông Sự bộc bạch.
Tình yêu lớn dần theo năm tháng nhưng bị mọi người phản đối, nhất là gia đình ông Sự. Dù cả hai đã tìm nhiều cách thuyết phục nhưng không thể lay chuyển được gia đình. Người thân ông Sự thời điểm đó còn gay gắt tuyên bố từ mặt ông nếu vẫn không chịu từ bỏ người yêu.
Gần 30 năm “cõng” vợ mưu sinh
Trước sự phản đối quyết liệt, ông bà quyết định trốn đi phương xa sinh sống. Khi chưa có xe đạp, rồi xe lăn, ông Sự cõng người yêu phiêu bạt khắp nơi. Do bà Hương không làm được gì nên một mình ông bươn chải. Lúc đi phụ hồ, lúc bán vé số, rửa chén bát, nhặt phế liệu… việc gì ra tiền cũng làm, dù nặng nhọc đến đâu. Nhưng nghề mưu sinh chính vẫn là cùng nhau rong ruổi các ngả đường trong phố ăn xin.
Đến năm 1987, sau một thời gian phiêu bạt mưu sinh ở đất Bắc, số phận một lần nữa đưa đẩy đôi vợ chồng nghèo trôi dạt vào mảnh đất thành Vinh trên chuyến tàu đầy ắp những kỷ niệm.
Nhớ lại chuyến tàu “định mệnh” ấy, bà Hương không khỏi xúc động: “Đêm đó, trời rét như cắt da cắt thịt. Sau một đêm đi xin ăn, hai vợ chồng dừng lại ở một ga tàu. Ông Sự cõng tôi lên tàu, nhưng cõng đến cả chục lần lại bị người ta đuổi xuống.
Mặc dù lúc ấy đang là mùa đông giá lạnh, nhưng nhìn thấy mồ hôi của chồng chảy đầm đìa, tôi đã không cầm được nước mắt. May mắn, trước lúc chuyến tàu khởi hành, ông Sự cũng đã dùng hết sức lực của mình cõng tôi lên toa. Sau gần hai ngày, vợ chồng tôi có mặt tại thành phố Vinh, bắt đầu cuộc sống mới, những thử thách mới”.
Để tồn tại ở mảnh đất xa lạ không người quen thân, những ngày đầu tiên, vợ chồng ông phải ăn ngủ ngoài vỉa hè. Một lần “ngủ bụi” ở đường Trần Phú, do mệt quá nên vợ chồng ông bị kẻ xấu lấy mất toàn bộ tài sản gồm hơn một triệu đồng cùng xe đạp, giấy tờ...
Số tiền ấy với vợ chồng ông là mấy năm trời chắt chiu, dành dụm. Lại tay trắng làm lại, sau một thời gian ăn xin, cả hai mới có đủ tiền để thuê căn phòng cũ, giá rẻ tại khu vực dành cho người thu nhập thấp và người bốc vác.
Cuối mỗi ngày mưu sinh vất vả, trở về căn nhà trọ đơn sơ, ông Sự lại cặm cụi nấu ăn, cắt thuốc, giặt quần áo, chải tóc cho vợ... Đêm đêm, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ say nồng, ông lại để cho vợ ngon giấc, còn mình lặng lẽ ra đường nhặt phế liệu, mua thức ăn, nước uống chuẩn bị bữa cơm sáng.
Có lần bà Hương bị đau nặng không thể ngồi xe lăn, ông lại cõng vợ trong đêm tối lạnh giá đến bệnh viện. Khó khăn nối tiếp khó khăn, nhưng họ vẫn động viên nhau cố gắng vượt qua. Tình yêu và sự lạc quan của ông bà khiến những người sống cùng khu trọ luôn cảm phục.
Hạnh phúc lớn nhất của đôi vợ chồng ấy chính là người con trai duy nhất tên Nguyễn Văn Điệp (26 tuổi), rất ngoan và chịu khó. Nói về con trai, bà Hương tâm sự, để nuôi nấng con nên người với ông bà là cả một quá trình nỗ lực vất vả.
“Người bình thường nuôi con đã khổ, một người tàn tật như tôi mang bầu, sinh con, rồi chăm sóc càng khó khăn gấp trăm ngàn lần. Tôi vẫn nhớ như in ngày sinh con vào mùa đông giá rét năm 1990.
Do không thể đi lại được nên hầu như mọi công việc, từ bế bồng con cho đến giặt tã đều do ông Sự làm. Tôi chỉ cho con bú. Dù sống trong cảnh thiếu thốn, nhưng thằng Điệp bụ bẫm, ngoan và ít ốm vặt. Giờ nó đã trưởng thành. Vợ chồng tôi lại tích góp tiền để giúp nó cưới vợ”, bà Hương hạnh phúc kể.
Ông bà tâm sự, hiện nay, mỗi ngày “thu nhập” của cả hai ông bà được khoảng 50 đến 60 nghìn đồng. Hàng xóm cho biết không bao giờ thấy vợ chồng họ nặng lời cãi vã. Trái lại, dường như càng khó khăn, bệnh tật, họ càng đùm bọc thương yêu nhau hơn.
Do đi lại quá nhiều, ông Sự thường xuyên bị đau cổ chân, các khớp tê buốt. Nhưng không có ngày nào đôi chân ông ngừng nghỉ mà vẫn đều đặn đi khắp các ngõ ngách để kiếm tiền nuôi vợ. Nhiều lúc trên đường đời vất vả, vợ chồng ông lại ghé đến một ngôi chùa để tìm chút không gian bình yên thanh thản.
Hỏi về dự định tương lai, bà Hương nhìn chồng trìu mến và trải lòng: “Giờ vợ chồng tôi cũng già rồi, sức khỏe mỗi ngày yếu, không đủ sức đi kiếm ăn nữa. Chúng tôi dự định cố làm thêm vài năm nữa tại mảnh đất này rồi dắt díu nhau về quê chờ… chết. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng sẽ ở bên nhau, kể cả lúc nhắm mắt xuôi tay”.