Những bữa cơm khác thường
Tham gia Ngày hội Gia đình năm ngoái, chị Hiền Hạnh ở Ba Đình, Hà Nội thừa nhận rất hiếm khi gia đình chị có một buổi sum họp bên mâm cơm gia đình.
“Vẫn biết rằng một bữa cơm gia đình cuối ngày khi mà gia đình quây quần trò chuyện là rất cần thiết, đặc biệt đối với trẻ con, nhưng chúng tôi không thể nào thu xếp nổi. Rời cơ quan lúc 5 giờ chiều, tôi chạy đến 2 trường đón con, chở chúng về nhà tắm rửa xong thì cũng là 7h tối, lúc đó bố mẹ chồng tôi đã ăn xong và đi bách bộ thể dục.
Ba mẹ con ăn xong thì quay ra học bài, còn bố bọn trẻ hôm nào sớm là 9h tối, hôm nào muộn là 11h khuya mới về, có hôm ăn hôm không. Nhiều lúc đến nhà bạn bè thấy mọi người có bữa cơm quây quần tôi thấy buồn cho cảnh nhà mình quá. Tôi đã bàn với chồng nhưng anh ấy gạt phắt bảo là đang còn trẻ phải tranh thủ kiếm tiền, sau này già ăn cơm gia đình cũng không muộn” – chị Hạnh buồn bã tâm sự.
Khác với nhà chị Hạnh, nhà chị Hiền ở thành phố Hải Dương bữa cơm nào cũng đủ mặt vợ chồng con cái. Nhưng thay cho cảnh “chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon” thì bữa cơm nhà chị mạnh ai nấy xúc phần mình ra một chiếc bát to rồi bê ra một chỗ vừa ăn vừa dán mắt vào tivi hoặc ipad.
“Tôi đã nhiều lần góp ý với bố con anh ấy, nhưng chồng tôi bảo thời buổi này có mặt ở nhà ăn cơm là tốt rồi, cần tôn trọng không gian riêng của mỗi người. Lắm khi học được cách nấu món mới, kỳ công để nấu, xem mấy bố con khen chê gì, thế mà cuối cùng tất cả đều cắm mặt vào máy tính, xúc cơm như cái máy, chả biết mình ăn gì, nghĩ mà buồn” – chị Hiền than thở.
“Bữa cơm chan canh nước mắt” – đó là lời mà cô bé Diệu 15 tuổi người Quảng Ninh tâm sự với cán bộ tư vấn xã hội trong chương trình hỗ trợ tâm lý cho trẻ vị thành niên. Diệu cho biết, bố mẹ em có thói quen mang những bực dọc, bức xúc cả một ngày dài làm việc vào bữa cơm gia đình.
“Cứ tới bữa cơm là nhà em cứ như cái chợ vì cãi nhau, mẹ trách bố đưa tiền ít, bố trách mẹ không biết căn cơ, mẹ quay sang mắng chúng em ăn bám, nặng nợ. Hiếm có bữa cơm nào mà mấy chị em em không phải ăn cơm chan nước mắt. Hôm nào bố mẹ đi vắng, chúng em ở nhà tự nấu mì ăn với nhau rất vui, chẳng bị ai mắng cả” – Diệu kể.
Đừng đánh đồng bữa cơm gia đình với bữa nhậu ngoài đường
Theo khảo sát của một tờ báo thì có hơn 87% trong số 22.848 độc giả được hỏi ăn tối với gia đình ít hơn 3 buổi/tuần, riêng số người chỉ ăn tối với gia đình duy nhất 1 lần/tuần chiếm tới 60%; có đến gần 87% trong số 38.362 độc giả không dành đủ thời gian cho gia đình, đặc biệt 57% chỉ dành dưới 20 phút mỗi ngày cho gia đình; chưa đến 60% các bậc cha mẹ có con dưới 10 tuổi ở phía Bắc dành được một tiếng chơi với con, tương tự như vậy, các cha mẹ phía Nam cũng không có thời gian dành cho con cái, trò chuyện với con.
Trong khi đó, nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em sống trong gia đình có mức độ gắn kết cao thường được nhiều điểm A hơn trong học tập, các kỹ năng xã hội cũng phát triển tốt hơn, ít bị rối loạn hành vi khi ở tuổi chưa thành niên.
Thậm chí, sự gắn kết gia đình còn có ảnh hưởng tới chỉ số IQ của một đứa trẻ khi chỉ số IQ trung bình lúc 3 tuổi là 60,5, nhưng nếu trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường đầy yêu thương, chăm sóc thì chỉ số IQ sẽ đạt 91,8…
Nêu quan điểm về những con số này cũng như vai trò của bữa cơm gia đình trong nếp sống nhiều gia đình hiện nay, Thạc sĩ Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định bữa ăn của người Việt không chỉ để thỏa mãn nhu cầu sinh học mà còn thỏa mãn cả nhu cầu xã hội, là nơi để các thành viên quan tâm, chăm sóc, chia sẻ và giáo dục con cháu về nền nếp gia phong, về kỹ năng, kinh nghiệm trong cuộc sống. Bữa cơm gia đình là dịp ông bà, cha mẹ, con cháu quây quần thực hành văn hóa trong gia đình.
Theo ông Hoa Hữu Vân, sở dĩ ngày nay nhiều người thờ ơ với bữa cơm gia đình vì họ chưa lường hết được hậu quả của việc mình làm. Trong mỗi gia đình, nếu như bếp lửa nguội lạnh thì lòng người cũng sẽ lạnh theo. Việc xao nhãng bữa cơm gia đình khiến cho các mối quan hệ trong gia đình thiếu chất kết dính, đặc biệt là quan hệ vợ-chồng, cha mẹ-con, ông bà-cháu.
“Ngược lại, nếu có càng nhiều bữa cơm gia đình ấm áp thì tình yêu thương sẽ sưởi ấm căn nhà, từ đó nó sẽ lấn át, giảm bớt những xung đột, mâu thuẫn gia đình. Không ít người nghĩ rất đơn giản rằng bữa cơm gia đình chẳng khác gì bữa nhậu ngoài đường vì chỉ đơn giản là ngồi ăn.
Họ đã nhầm vì tuy bữa cơm gia đình không có giáo án, không dùng bút, dùng phấn, dùng bảng nhưng nó có sự giáo dục đặc thù của nó. Nó là sự trao truyền kinh nghiệm, lẽ sống thông qua hành vi ứng xử của người lớn.
Trong một bữa ăn, cách cầm đũa, cách và miếng cơm, cách bày biện thức ăn, gắp thức ăn, nhường người lớn, dành miếng ngon cho con trẻ…, những hành vi đó sẽ trở thành tấm gương mà đứa trẻ nhìn vào đó để lớn lên, để học tập, xây dựng lối sống và nhân cách” – ông Hoa Hữu Vân nhấn mạnh.