Như tin đã đưa, Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam (VNECO) được xác định là Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm. Trong cả 2 phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, HĐXX đều xác định số tiền 200 tỷ đồng này là vật chứng vụ án (do nằm trong số tiền hơn 5.200 tỷ đồng bị cáo Hứa Thị Phấn hạch toán thu khống để sử dụng của ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) và buộc VNECO phải hoàn trả số tiền này cho ngân hàng CB.
Theo hồ sơ vụ án, đối với giao dịch giữa VNECO và bị cáo Ngô Kim Huệ, ngày 12/10/2007 hai bên ký kết Hợp đồng Hợp tác đầu tư về xây dựng công trình phức hợp cao tầng trên khu đất 80.352m2 tại thị trấn Tân Tức, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.
Theo đó phương thức góp vốn là bà Ngô Kim Huệ góp bằng Quyền sử dụng lô đất trị giá 357,5 tỷ đồng, được sở hữu 10% dự án. Trong lúc chờ hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án để đảm bảo quyền lợi cho bà Huệ thì bà Huệ được nhận khoản vốn góp của VNECO tương đương 90% giá trị lô đất là 321,7 tỷ đồng.
Sau đó, VNECO đã chuyển cho bà Huệ số tiền 310 tỷ đồng theo 8 ủy nhiệm chi từ 22/10/2007 đến 07/11/2007 bằng nguồn vốn tiền phát hành trái phiếu và vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, việc sang tên để VNECO đứng tên trong Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất lô đất trên không hoàn thành đúng tiến độ theo thỏa thuận trong Hợp đồng.
Do đó đến ngày 25/6/2010 hai bên đã lập biên bản làm việc thống nhất chấm dứt hợp đồng hợp tác và nghĩa vụ tài chính do bà Huệ vi phạm hợp đồng.
Đến ngày 30/6/2010 VNECO và bà Ngô Kim Huệ thống nhất ký Bản thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư số 1001/TLHĐ/VNECO-NKH, theo đó bà Ngô Kim Huệ phải trả lại cho VNECO 400 tỷ đồng bao gồm 310 tỷ đồng tiền gốc đã góp và 90 tỷ đồng bù đắp các khoản lãi vay, chi phí khác phát sinh.
Thực hiện thanh lý Hợp đồng, Bà Huệ đã chuyển trả cho VNECO số tiền 400 tỷ đồng chia làm 4 lần (mỗi lần 100 tỷ) vào các ngày 03/8/2010, 09/09/2010, 22/02/2011, 17/3/2011 thông qua chuyển khoản ngân hàng. Sau khi thu được tiền từ bà Ngô Kim Huệ, VNECO đã sử dụng toàn bộ để thanh toán các chi phí như trả tiền nhân công, tiền lương, tiền vật tư, tiền đền bù và các chi phí khác....; phục vụ thi công hoàn thiện đúng tiến độ các công trình điện quốc gia bao.
Theo VNECO thì việc HĐXX hai cấp tuyên VNECO phải hoàn trả 200 tỷ đồng cho ngân hàng CB là không phù hợp với quy định pháp luật. Bởi lẽ, Hợp đồng Hợp tác đầu tư giữa VNECO với bà Ngô Kim Huệ ký kết năm 2007 và Bản thanh lý Hợp đồng hợp tác đầu tư năm 2010 là các giao dịch dân sự hợp pháp, đã có hiệu lực pháp luật và được thực hiện công khai, ngay tình, đúng pháp luật, hai bên đã hoàn thành nghĩa vụ được 8 năm nay mà không có bất cứ tranh chấp, khiếu kiện gì.
Việc chuyển giao số tiền 200 tỷ đồng từ bà Ngô Kim Huệ sang VNECO đã được thực hiện xong từ năm 2010, có căn cứ, đúng pháp luật, quyền sở hữu tài sản với số tiền nêu trên đã chuyển giao cho VNECO theo đúng quy định của Bộ luật dân sự chứ không còn là tài sản của bà Ngô Kim Huệ do phạm tội mà có.
Từ thời điểm bà Ngô Kim Huệ chuyển tiền vào các ngày 03/8/2010, 09/09/2010, 22/02/2011, 17/3/2011 thì số tiền 400 tỷ đồng đã thuộc quyền sở hữu hợp pháp của VNECO.
VNECO cho rằng trong vụ việc này VNECO là bên thứ ba ngay tình, giao dịch dân sự với bị cáo Ngô Kim Huệ đã có hiệu lực pháp luật, quyền sở hữu tài sản đã chuyển giao và VNECO đã sử dụng số tiền này vào các dự án của mình 8 năm nay, do đó Tòa án không thể buộc VNECO phải hoàn trả số vật chứng “không còn tồn tại”. VNECO tham gia giao dịch trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, tuân theo các quy định của pháp luật mà không biết và không thể biết đối tượng của giao dịch là số tiền bất minh do chủ sở hữu trước đó xác lập giao dịch dân sự vô hiệu.
Trong trường hợp này pháp luật không buộc VNECO biết về sự việc đó. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ VNECO nếu giao dịch dân sự giữa VNECO và bà Ngô Kim Huệ không bị vô hiệu.
Trao đổi với Phóng viên, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Theo quy định tại điều 89 và điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì vật chứng có thể bao gồm: Vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có. Như vậy, tiền là vật chứng của vụ án hình sự.
Tuy nhiên để thu hồi tiền là vật chứng thì phải thỏa mãn các điều kiện là nó phải hiện hữu, xác định được hiện đang ở đâu và biết rõ số lượng các loại tiền và xác định được người đang quản lý tiền là chiếm giữ không có căn cứ, không ngay tình. Trường hợp vật chứng là tiền đã không còn, không xác định được đang ở đâu hoặc dù xác định được đang ở đâu nhưng chủ thể chiếm giữ có căn cứ, ngay tình thì không thể thu hồi được".
"Tôi cho rằng bản án tuyên về xử lý vật chứng như vậy là thiếu cơ sở do đó có đủ căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, đảm bảo công bằng minh bạch trong các quan hệ dân sự” - Luật sư Cường cho hay.
Trở lại với vụ việc của VNECO, luật sư Cường cho rằng số tiền 200 tỷ đồng bị cáo Ngô Kim Huệ thanh toán cho VNECO là thông qua một giao dịch hợp pháp, đã có hiệu lực pháp luật và VNECO được xác định là bên thứ ba ngay tình. VNECO không thể biết được nguồn gốc số tiền này.
Trong khi đó, Tiền là tài sản vật cùng loại chứ không phải loại vật đặc định, đồng thời vật cùng loại này đã được chuyển giao trong các giao dịch dân sự, nay không thể xác định được số tiền bà Huệ chuyển cho VNECO đang ở đâu. Sau khi nhận số tiền từ bà Ngô Kim Huệ thì VNECO đã sử dụng, chi trả cho các nghĩa vụ tài chính của mìnhhiện nay không thể xác định được vật (số tiền) đó đang ở đâu, có thể ở Kho bạc nhà nước hoặc do các cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm giữ nên việc thu giữ tài sản coi là vật chứng vụ án như bản án đã tuyên là không có căn cứ.
VNECO xác định VNECO đã nộp đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên tới Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và tin tưởng có đủ căn cứ pháp lý để đề nghị hủy các bản án hình sự đã tuyên, lấy lại quyền lợi cho VNECO cùng hàng chục nhà đầu tư, cổ đông, hàng ngàn người lao động của Tổng công ty.
Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự 2015: Xử lý vật chứng
1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;
b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:
a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;
b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;
c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;
d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.