Báo cáo đăng tải trên Tạp chí Khoa học của Mỹ ngày 28/9 đã lần đầu tiên lý giải về cách thức mà chủng virus nguy hại nói trên biến đổi thành một mối đe dọa tới sức khỏe của người dân trên toàn cầu.
Theo đó, các nhà khoa học cho rằng sự biến đổi tại một trong số các phân tử protein mang tính cấu trúc của virus Zika, có tên gọi là pRM, xảy ra trước thời điểm bùng phát dịch bệnh năm 2013 tại vùng lãnh thổ hải ngoại Polynesia của Pháp.
Các nghiên cứu cho thấy sự biến đổi tại lớp màng bảo vệ của mầm bệnh, được gọi là S139N, khiến virus tăng khả năng triệt tiêu các tế bào não đang phát triển ở chuột và ở con người so với những chủng virus trước đây.
Biến đổi này có liên quan tới việc thay thế giữa một acid amin xerin (có công thức hóa học là C3H7O3N) với một acid amin arginin (có công thức hóa học là C6H14N4O2) và đây là một trong số những biến đổi lớn trong hệ gene của virus Zika vào giai đoạn 2010-2016.
Virus Zika lần đầu tiên được phát hiện ở một con khỉ tại Uganda vào năm 1947. Ban đầu virus này được cho là nguyên nhân gây mẩn ngứa và sốt nhẹ. Tuy nhiên, vào năm 2015, Brazil - quốc gia chứng kiến dịch bệnh bùng phát nặng nhất thế giới - đã ghi nhận các trường hợp sản phụ đầu tiên nhiễm virus Zika sinh con với dị tật đầu nhỏ bất thường.
Tính đến nay, dịch bệnh do virus này gây ra đã lan rộng khắp 84 quốc gia trên thế giới. Đây là loại virus dễ lây nhiễm và truyền bệnh chủ yếu qua vết đốt của muỗi mang mầm bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng y tế công cộng quốc tế khẩn cấp do virus Zika từ tháng 2 đến tháng 11/2016.
Zika đặc biệt nguy hiểm đối với các phụ nữ mang thai và được cho là nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây hội chứng rối loạn tự miễn dịch Guillain Barre ở người trưởng thành, cũng như gây dị tật đầu nhỏ và nhiều dị tật bẩm sinh khác liên quan tới não bộ ở trẻ sơ sinh./.