Dưới góc độ là chuyên gia tâm lý, ông cho rằng, bản thân mỗi người đều có một vỏ bọc được xây dựng từ những sai lầm, những nỗi sợ hãi đã từng xảy ra trong quá khứ của họ. Lâu dần họ cho rằng vỏ bọc này chính là bản chất con người mình.
Cũng theo ông, trong cuộc sống hiện đại, mỗi người đều có những áp lực riêng từ công việc, con cái, kinh tế… Vì thế muốn hạnh phúc, thấy tự do hơn, có thể vượt qua được những giới hạn bản thân chưa bao giờ đạt tới thì bản thân mỗi người phải phá vỡ được lớp vỏ bọc này.
Ông nói, trong cuộc đời, mỗi người dù ít hay nhiều đều một lần phải trải qua sự cự tuyệt hoặc mất mát, tổn thương nào đó.
Ví dụ: Bạn gặp trục trặc chuyện tình cảm hoặc bị phản bội bởi người mình tin tưởng. Bạn thường có xu hướng trấn áp sự tổn thương đó bằng việc tự dày vò bản thân mình, có người thì ngập trong rượu, thuốc lá… Và sự tổn thương đó cứ dai dẳng theo bạn suốt nhiều năm tháng trong cuộc đời.
Có lúc bạn tưởng mình đã vượt qua được cảm xúc đau thương đó, tuy nhiên chỉ cần bất chợt gặp một hình ảnh hay chuyện cũ, bạn lại thấy trái tim mình thương tổn, đau đớn. Để gạt bỏ đường nỗi đau, cho bản thân được tự do hơn… ông cho rằng chỉ có thể hàn gắn bằng cảm xúc và những sự trải nghiệm.
Đó chính là một cuộc hành trình, hành trình này giúp bản thân mỗi người thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tích cực dựa trên những khám phá về bản thân. Ông cũng đưa ra một số lời khuyên với mọi người về những ứng xử trong cuộc sống và gia đình, nuôi dạy con cái:
- Việc người khác nghĩ gì về bạn đó là việc của họ chứ không phải việc của bạn. Bạn không phải nhận trách nhiệm về cuộc đời của ai đó.
- Khám phá bản thân, thay đổi những niềm tin sai lầm trong quá khứ, thiết lập cách nhìn tích cực cho mỗi người trong hiện tại và hướng đến tương lai tương sáng.
- Nhiều người trách bản thân mình ít có thời gian dành cho gia đình, tuy nhiên đó không phải vấn đề lớn. Bởi quan trọng là chúng ta sẽ sử dụng thời gian đó như thế nào cho gia đình hơn là chúng ta có bao nhiêu thời gian. Kể cả bạn chỉ có 20 phút bên gia đình mỗi ngày.
- Dạy con bằng cách chỉ ra hậu quả, không phải bằng lời đe dọa. Đừng sợ nói “không” với con bởi vì sẽ còn tệ hại hơn nếu chúng ta không nói “không” với trẻ khi chúng làm điều sai trái. Tất cả những việc bạn cần nói với con là: “Hậu quả con gây ra là... ” hoặc "Hậu quả của việc con muốn làm là… ". Và trẻ có thể tự nhận ra hậu quả mà không cần chúng ta phải quát tháo to tiếng.
- Đừng mang tình yêu có điều kiện trao cho con. Đó là khi bạn nói với con: “Bố, mẹ chỉ mua quà cho con nếu con ngoan”. Như vậy chỉ khiến đứa trẻ có thói quen xấu. Chúng luôn nghĩ phải có quà mới phải nghe lời, không có quà tất nhiên không cần phải ngoan.
Hãy để con hiểu rằng, tình yêu của bố mẹ là vô điều kiện, bất kể không nhận được quà từ bố mẹ chúng vẫn phải trở thành đứa trẻ ngoan.
- Bạn trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, tuy nhiên bữa tối con bạn mải chơi không muốn ăn khiến bạn thêm lo lắng và mọi áp lực cứ thế tăng lên. Những lúc như vậy, bạn không cần giận dữ hay la mắng mà chỉ cần nói: “Nếu con không ăn, con sẽ bị mất bữa tối” và bạn có thể bỏ thức ăn đi.
Nếu con kêu đói, bạn nói: “Bố/mẹ rất tiếc giờ không còn đồ ăn nữa”. Sự việc có thể lặp đi lặp lại vài lần và con sẽ tự hiểu được việc phải tôn trọng bố mẹ, cho dù là bữa ăn.
Ông cũng cho rằng, để giúp một người hàn gắn những tổn thương trong quá khứ, cách tốt nhất là dùng cảm xúc của chính họ thay vì đưa ra những lời khuyên, những kỹ năng...
Chị Nguyễn Thị Hoa, một người từng tham gia một số khóa học của Tiến sĩ Menis Yousry, chia sẻ: “Có những kỷ niệm trong quá khứ tôi nghĩ đã qua, cách đây mấy chục năm, không còn ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại nhưng kỳ thực không phải vậy.
Qua bài tập thực tế, tiến sĩ Menis đưa tôi trở lại trải nghiệm những cảm xúc đau buồn cũ. Khi được đối mặt với quá khứ như vậy, tôi nhận ra rằng, việc đau buồn hay không là do mình lựa chọn.
Khi bạn đối mặt được, bạn sẽ sống hạnh phúc hơn, đó là chìa khóa để quẳng gánh lo đi và sống hạnh phúc mà tiến sĩ gửi đến mọi người”.