Quy định hiện hành đang làm ”mất đi tính chủ động của Thừa phát lại”?
Với một địa bàn mà lượng án rất lớn như TP.Hồ Chí Minh thì việc lập các Văn phòng Thừa phát lại được coi là một biện pháp hữu hiệu để giảm tải cho các cơ quan thi hành án TP. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực thì ”việc xác minh, trực tiếp tổ chức thi hành án chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa xứng với tiềm năng của Thừa phát lại”.
Cũng theo ông Lực, hiện nay theo quy định, Thừa phát lại muốn cưỡng chế thì phải xin ý kiến Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện, nơi đặt Văn phòng và kế hoạch cưỡng chế phải được Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự phê duyệt. Quy định này đã làm mất đi tính chủ động của thừa phát lại. Do đó, theo ông Lực, cần bỏ quy định nói trên, cho phép Thừa phát lại được lập kế hoạch cưỡng chế và Công an có trách nhiệm bảo vệ việc cưỡng chế đó.
Tương tự, ở Hà Nội, việc xác minh điều kiện và tổ chức thi hành án từ khi lập các văn phòng đến nay cũng chỉ dừng lại ở con số hàng chục. So với việc tống đạt và lập vi bằng là vô cùng ít ỏi. Một trong những nguyên nhân theo ông Bùi Trọng Hào, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Hà Đông (Hà Nội) là chế định Thừa phát lại còn rất mới mẻ, lạ lẫm nên người dân, doanh nghiệp, cán bộ, cơ quan nhà nước, thậm chí cán bộ tư pháp, những người hành nghề luật chưa biết đến “Thừa phát lại” là gì. Bên cạnh đó, còn thiếu các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động Thừa phát lại. Có văn bản đã ban hành nhưng lại chưa cụ thể dẫn tới nhiều cách hiểu không thống nhất.
Cần trao quyền lớn hơn cho Thừa phát lại
Vấn đề này, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm Thừa phát lại cũng thừa nhận: pháp luật hiện hành chưa quy định thẩm quyền của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại ngang bằng Chấp hành viên, cơ quan thi hành án như: về thẩm quyền trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế; về thẩm quyền xác minh điều kiện thi hành án.
Trong đó, mặc dù các Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ đã tháo gỡ một phần khó khăn trong việc xác minh điều kiện thi hành án tại ngân hàng và tổ chức tín dụng nhưng vẫn chưa giải quyết được các vướng mắc trong việc Văn phòng Thừa phát lại quyết định áp dụng các biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế thi hành án tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác.
Bên cạnh đó, Văn phòng Thừa phát lại còn gặp khó khăn do “độ vênh” giữa Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại với các luật liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng các biện pháp cưỡng chế tại cơ quan thuế, Cảnh sát giao thông (xác minh đăng ký của chủ sở hữu phương tiện giao thông).
Ngoài ra, cùng là tổ chức có chức năng thi hành án nhưng các Văn phòng Thừa phát lại không được Nhà nước ”bao cấp” như đối với cơ quan thi hành án dân sự (hiện nay cả nước mới chỉ có 46 Văn phòng Thừa phát lại hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, trong khi chúng ta đang có cả một hệ thống cơ quan thi hành án gồm 63 Cục thi hành án dân sự, trên 700 Chi cục Thi hành án với trên 10 ngàn người và toàn bộ chi phí do ngân sách nhà nước cấp).
Đồng thời, tâm lý người dân chưa quen và chưa thật sự tin tưởng ở Thừa phát lại. Những điều này đã tạo nên một ”sân chơi” không ngang bằng giữa các cơ quan thi hành án dân sự và Văn phòng Thừa phát lại.
Quy định rõ thẩm quyền của Thừa phát lại, nghiên cứu, xem xét trao quyền lớn hơn cho Thừa phát lại cũng như các cơ chế bảo đảm phối hợp cho Thừa phát lại hoạt động hiệu quả là kiến nghị của nhiều Thừa phát lại và cả một số cơ quan thi hành án.
Tính đến hết ngày 31/7/2014, tổng doanh thu của các Văn phòng Thừa phát lại là 54 tỷ 133 triệu 245 nghìn đồng, cụ thể:
Lập 21.187 vi bằng, thu được 30 tỷ 450 triệu 133 nghìn đồng; Tống đạt 324.155 văn bản, thu được 19 tỷ 851 triệu 885 nghìn đồng; Xác minh điều kiện thi hành án 467 việc, thu được 1 tỷ 905 triệu 968 nghìn đồng; Trực tiếp tổ chức thi hành án 96 việc, thu được 1 tỷ 925 triệu 259 nghìn đồng.
(Báo cáo tại Phiên họp thứ 3 của
Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm Thừa phát lại)