Vì sao 2.000 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông mỗi năm?

Vì sao 2.000 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông mỗi năm?
(PLO) - Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hàng năm có tới 2.000 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, trong đó việc trẻ không được đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
“Tai nạn giao thông vẫn là quốc nạn”!
Đó là khẳng định của bác sỹ (BS) Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc Trẻ em, Bộ LĐ-TB &XH, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và Phát triển Cộng đồng trước số liệu của UBATGTQG rằng, cả nước có khoảng 9.000 người chết do tai nạn giao thông (TNGT) mỗi năm, trong đó 1/3 là trẻ em. 
Số người chết và tử vong do TNGT còn rất lớn. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính của tình trạng này?
- Nguyên nhân chính vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông chưa cao, rồi việc cấp phép lái xe, vấn đề an toàn vẫn chưa được quản lý chặt chẽ… Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, chất lượng đường sá, phương tiện giao thông cũng chưa đảm bảo.
Một vấn đề cần bàn là văn hóa giao thông. Văn hóa giao thông là gì, tuyên truyền văn hóa giao thông như thế nào là một vấn đề rất khó. Tóm lại, việc chấp hành luật pháp về giao thông ở nước ta (từ giao thông đường bộ, đường thủy đến đường hàng không) vẫn chưa thực sự được làm tốt.
Thực tế này dẫn đến việc TNGT đường bộ xảy ra như cơm bữa. Giao thông đường thủy cũng vậy, thuyền bè thì rách nát, bằng lái không có, phao cứu sinh cũng không, lại chở rất nhiều người, kết quả là không ít người đã tử vong do đuối nước, trong đó có trẻ em. 
Vừa qua Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Tổ chức Y tế Thế giới phát động Tuần lễ An toàn giao thông (ATGT) đường bộ với chủ đề: “Trẻ em và ATGT đường bộ”. Ông nhận xét gì về hiệu quả của hoạt động này?
- Chúng ta vẫn biết TNGT là do người lớn, hệ lụy là trẻ em phải gánh chịu. Tất nhiên, có nhóm đối tượng choai choai, đang ở độ tuổi thay đổi về tâm sinh lý nên các em có sự hiếu thắng, ganh đua, tò mò… dẫn đến đua  xe, vi phạm...
TNGT ở nhóm tuổi nhỏ hơn thì đa phần là do người lớn gây ra. Các em chưa ý thức được ích lợi của việc đội mũ bảo hiểm, cũng như không thể đòi hỏi cha mẹ cho đội mũ bảo hiểm cho mình. Khi tai nạn xảy ra, các em phải gánh chịu.
Vì vậy, tuần lễ ATGT hàng năm vẫn tập trung vào việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao nhận thức của người lớn: từ việc kêu gọi không uống rượu bia khi tham gia giao thông; chấp hành nội quy khi điều khiển phương tiện giao thông…
Song song với tuyên truyền, giáo dục về ATGT, phát động tuần lễ ATGT… thì phải có “bàn tay sắt”, chế tài nghiêm để xử lý các hành vi không chấp hành các quy định về ATGT. Đó mới là động lực thúc đẩy hay uốn nắn lại ý thức lệch lạc để tạo thành quy chuẩn chấp hành.
Tôi đã từng tham quan rất nhiều nước thì thấy, kể cả lãnh đạo cấp cao hay người dân, nếu vi phạm giao thông đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tóm lại, phải có sự nghiêm minh và bình đẳng trước pháp luật đối với tất cả các sai phạm, cho dù đó là ai…
Có như vậy, mới không có tình trạng nhờn luật, lách luật, coi thường pháp luật.
Các bậc cha mẹ cần hành động ngay 
TNGT đối với trẻ em một phần là do ý thức của các bậc phụ huynh khi tham gia giao thông. Theo ông, làm thế nào để nâng cao nhận thức của mỗi gia đình đối với “quốc nạn” này?
- Số liệu thống kê cho thấy, hơn 46% ca TNGT ở nước ta liên quan đến xe máy; hơn 70% ca TNGT bị chấn thương sọ não. Tuy chúng ta vẫn chưa có một thống kê cụ thể về tỷ lệ số người bị chết do không đội mũ bảo hiểm và việc đội mũ bảo hiểm có thể không làm giảm số ca TNGT nhưng rõ ràng nó hạn chế rất nhiều các vụ chấn thương sọ não và tử vong.
Trong đời sống, chúng ta vẫn bắt gặp những hình ảnh các ông bố, bà mẹ đội mũ bảo hiểm để con đầu trần sau xe máy. Bố mẹ cần phải biết và ý thức được việc đội mũ bảo hiểm để bảo vệ tính mạng cho con em mình…
Trong gia đình người lớn phải là những tấm gương sáng để con cái mình soi vào. Nếu như các em vừa được noi gương từ cha mẹ mình, vừa thấm nhuần giáo dục từ các thầy cô giáo, nhà trường thì sẽ chấp hành giao thông rất tốt!
Việt Nam đã triển khai thí điểm mô hình cộng đồng an toàn (AT), trường học AT  và ngôi nhà AT. Ông đánh giá thế nào về mô hình đó?
- Việt Nam hiện có gần 30 cộng đồng AT ở khắp các tỉnh, thành, khu vực như: Đồng Tháp, Cần Thơ, Hưng Yên, Hà Nội… Từ những đường đi lối lại trong làng, những đoạn có nguy cơ hay gặp tai nạn, các góc khuất  đều có biển cảnh báo, gờ giảm tốc… Mô hình này chúng ta học tập từ Thụy Điển và được các chuyên gia Thụy Điển trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy. 
Trong cộng đồng AT ấy có rất nhiều vấn đề bảo đảm sự AT cho cả người lớn và trẻ em. Tại đây, tỷ lệ người chết và tử vong do TNGT giảm đi rất rõ rệt. 
Thứ hai là mô hình trường học AT. Theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn bộ trẻ em đã thực hiện tốt mô hình này. Nhờ đó TNGT trong khuôn viên trường học, trên đường từ nhà đến trường cũng đã giảm đi rõ rệt. 
Thứ ba là mô hình ngôi nhà AT do Bộ LĐ-TB&XH phát động xây dựng. Trước đây, có tới hơn 60% trẻ em bị tai nạn thương tích trong chính ngôi nhà của mình nhưng nay đã giảm đi trông thấy, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 05 triệu gia đình đảm bảo tiêu chí gia đình AT… Đó là những dấu hiệu rất đáng mừng!
Trước “quốc nạn” TNGT đối với trẻ em, bản thân ông và Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Cộng đồng có hành động như thế nào để bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước?
- Chúng tôi đang bắt tay và tập trung vào việc vận động sửa đổi hệ thống pháp luật về trẻ em, trong đó có Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em. Văn bản quy phạm pháp luật này sẽ được xem xét vào tháng 10/2015 và dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 3/2016. Cần bổ sung, sửa đổi các điều luật để bảo đảm an toàn, phát triển toàn diện cho trẻ em. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ thực hiện một cách nghiêm minh các quy định và bình đẳng trước pháp luật.
Xin cám ơn ông!
“Tất cả trẻ em như chúng cháu xứng đáng có một lộ trình an toàn để đến trường cũng như đi về nhà, chúng cháu muốn mỗi ngày khi ra khỏi nhà sẽ là một ngày, chúng cháu cần được đảm bảo an toàn đi bộ trên những con đường ấy. Chúng cháu cần những lối đi bộ, đi xe đạp an toàn, muốn có những gờ giảm tốc để hạn chế tốc độ của xe, và những vạch kẻ sang đường rõ nét để chúng cháu có thể đến trường học tập mà không phải sợ hãi hay lo lắng về tai nạn giao thông đang rình rập xung quanh chúng cháu hàng ngày.
Chúng cháu kêu gọi để những phương tiện giao thông chở trẻ em, ở bất cứ đâu trên thế giới và trên đất nước Việt Nam luôn được an toàn. Tất cả xe hơi và xe buýt cần phải có dây an toàn dành cho trẻ em. Khi đi xe máy cùng với người lớn, chúng cháu cần được đội mũ bảo hiểm. Chúng cháu biết rằng đội mũ bảo hiểm và cài dây an toàn có thể cứu mạng sống của chúng cháu….” Trích thư “Trẻ em kêu gọi hành động vì an toàn giao thông đường bộ”.

Đọc thêm

Từ 01/11/2024, Hà Nội chính thức tăng giá vé xe buýt

Từ 01/11/2024, Hà Nội chính thức tăng giá vé xe buýt
(PLVN) - Sau nhiều năm giữ nguyên giá, UBND Thành phố Hà Nội vừa quyết định tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn từ ngày 01/11/2024. Với những tuyến có cự ly từ 40km trở lên, giá vé sẽ tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt.

Nâng cao văn hóa giao thông bằng chế tài và giám sát

Tài xế xe bồn chạy ngược chiều trong đường dân sinh ở Củ Chi. (Ảnh: A.X)
(PLVN) - Thực trạng tài xế chạy ẩu, phạm luật là vấn đề “nhức nhối” của toàn xã hội. Hệ lụy đằng sau nó là những vụ tai nạn nghiêm trọng, là sự tang thương, mất mát cho biết bao gia đình. Để ngăn chặn tình trạng này, cần có sự giám sát hiệu quả và xử lý nghiêm bằng chế tài.

Chuẩn bị xây dựng cầu Phong Châu mới trong quý IV/2024

Chuẩn bị xây dựng cầu Phong Châu mới trong quý IV/2024
(PLVN) - Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) vừa ban hành quyết định về việc ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp Dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới - Quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ, theo quy định về xây dựng công trình khẩn cấp.

Cục Đăng kiểm yêu cầu tăng cường giám sát phòng, chống tiêu cực tại các Trung tâm Đăng kiểm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) cho biết, thời gian qua nhận được một số phản ánh về việc một số đăng kiểm viên (ĐKV), nhân viên nghiệp vụ một số TTĐK gợi ý, xin tiền bồi dưỡng của chủ xe khi đưa phương tiện đến kiểm định; gợi ý chủ xe phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự trong khi phương tiện vẫn có bảo hiểm, hoặc gợi ý mua nối tiếp thời gian không đúng quy định. Nếu chủ xe không mua thì gây khó dễ bằng cách kéo dài thời gian trả kết quả kiểm định.

Lưu ý các quy định cần thực hiện nghiêm để không xảy ra tai nạn trên đường Hà Nội

Nhường đường cho người đi bộ khi chuyển hướng phương tiện.
(PLVN) - Chuyển hướng xe, sang đường là việc làm khá thường xuyên mỗi khi tham gia giao thông, nhưng không ít trường hợp người điều khiển phương tiện không thực hiện đúng quy định, dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Để bảo đảm an toàn, Công an TP Hà Nội lưu ý người tham gia giao thông cần tuân thủ các quy định.