Lợi ích lớn từ dự án
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu cho rằng, sự cấp thiết của việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành là một điều không phải bàn cãi, nhất là khi so với tiềm năng phát triển rất lớn của ngành Hàng không và việc sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải, các phương án mở rộng sân bay này đều không cho thấy tính khả thi.
Trong kế hoạch đến năm 2030, sẽ sử dụng song song cả sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành. Bộ Giao thông Vận tải luôn tôn trọng và tham khảo, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học và các cá nhân có quan tâm và có tâm huyết đối với dự án để có thể nhanh chóng triển khai dự án.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc TCty Cảng hàng không Việt Nam, việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi Cảng HKQT Tân Sơn Nhất hiện đã đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải.
Dự kiến từ năm 2017, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ quá tải so với thiết kế 25 triệu hành khách/năm do quá tải công suất khai thác của đường hạ cất cánh, sân đậu máy bay, nhà ga hành khách; hạn chế về vùng trời tiếp cận hạ cất cánh, hạ tầng giao thông tiếp cận.
Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải hàng không khi Cảng HKQT Tân Sơn Nhất quá tải thì việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành là cần thiết. Vị trí được lựa chọn đầu tư xây dựng và quy mô đầu tư của Cảng HKQT Long Thành đã hội tụ đủ các điều kiện cần thiết để hình thành, phát triển một cảng HKQT trung chuyển có khả năng cạnh tranh trong khu vực.
Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, một trong những lợi thế của việc xây dựng sân bay Long Thành là: “Vị trí lựa chọn xây dựng Cảng HKQT Long Thành đảm bảo giải quyết được hạn chế tổ chức vùng trời mà Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đang gặp phải, khai thác được tối đa năng lực phục vụ của cấu hình đường cất hạ cánh được xây dựng; đồng thời giảm thiểu việc gây ô nhiễm tiếng ồn, khí thải, các nguy cơ về an toàn hàng không cho khu vực dân cư dày đặc của TP và đặc biệt là có thể đảm bảo khai thác 24/24h”.
Cần cân nhắc thận trọng
Theo TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Dự án Long Thành là dự án gắn với tương lai đất nước, cần phải có tầm nhìn tương lai chứ không chỉ là 5 năm, 10 năm. Đây là một thử thách đối với tầm nhìn quốc gia, không thể căn cứ vào những bức xúc hiện tại để quyết định. Một dự án kinh tế luôn đi kèm sự đánh đổi, việc tranh luận về dự án phải dựa trên lợi ích tổng thể của đất nước”.
Ông Thiên cho rằng, vị trí sân bay trung chuyển luôn dịch chuyển phụ thuộc vào sự phát triển nên “sân bay Long Thành không chỉ nghĩ đến chuyện vận tải hành khách mà còn là điểm trung chuyển vận tải hàng hóa”.
Liên quan việc một số người đề xuất đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sang phía đối diện nhà ga hiện hữu qua đường băng để nâng công suất sân bay lên 40-50 triệu hành khách/năm, TS.Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Hải Âu đặt ra những vấn đề cần phải xem xét kỹ lưỡng, trong đó có những khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng cho việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, phát triển hạ tầng giao thông kết nối sân bay với thành phố, đảm bảo không tắc nghẽn giao thông ra vào sân bay, điều kiện hoạt động của sân bay 24/24h và quan trọng là nếu mở rộng thì cũng chỉ đáp ứng được 10 năm nữa. Vậy sau đó sẽ thực hiện phương án tiếp tục mở rộng hay xây dựng sân bay mới?
Bên cạnh đó, TS.Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn và Khoa học Công nghệ và Quản lý Hascon cho rằng, cần phải có sự thảo luận để tìm ra sự đồng thuận trong việc xây dựng sân bay Long Thành vì trong kế hoạch tiền khả thi của dự án này vẫn còn tồn tại nhiều sai sót.
Do đó, ông Phúc kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thảo luận về những tiêu chí, điều kiện để trở thành một cảng trung chuyển hàng không quốc tế, dự báo sản lượng, hiệu quả của sân bay Long Thành cũng như tổng mức đầu tư và vốn đầu tư đối với sân bay này.