Dũng cảm trong chiến tranh
Đại tá Lê Xuân Đây kể, ông sinh ra trong một gia đình cách mạng nên khi còn trẻ ông đã sớm tham gia kháng chiến. 18 tuổi ông được kết nạp vào Đảng. 20 tuổi ông được chính thức đứng vào hàng ngũ bộ đội chủ lực tham gia kháng chiến và trở thành người lính Trường Sơn.
Ông không còn nhớ rành rẽ từng trận đánh, từng mốc thời gian nhưng ông vẫn nhớ như in tiếng bom đạn, tiếng hô "Xung phong" năm nào. Ông bảo, ngày đó ông và đồng đội chỉ nghĩ duy nhất một điều: chiến đấu tới cùng với mong muốn tột bậc là giải phóng đất nước.
Trong những ngày tháng bom đạn mù mịt ấy, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mỏng manh nhưng ông và đồng đội không hề run sợ. Bản thân ông Đây cũng nhiều lần trúng đạn của địch. Nhưng ông luôn nghĩ, ông vẫn còn sống là một may mắn lớn và ông tự nhủ sẽ trả ơn sự may mắn đó bằng cách tiếp tục chiến đấu cho phần bản thân, cho cả phần đồng đội đã mất.
Với sự giác ngộ cách mạng và tinh thần trách nhiệm trong công việc, sau này, ông Đây được tín nhiệm vị trí Sư trưởng Sư đoàn 968-Quân tình nguyện Nam-Lào.
Về chuyện hôn nhân, ông kể, sau khi tập kết ra Bắc, ông quen và kết hôn với một nữ bộ đội miền Bắc xinh đẹp đang công tác ở Quân khu Tả Ngạn-Hải Dương. Giữa bom đạn, hai người được 2 bên đơn vị tác hợp bằng một đám cưới đơn sơ.
“Đám cưới xong tôi lại lên đường chiến đấu theo tiếng gọi của Tổ quốc. Trước đó, chúng tôi giữ đường 9 Nam Lào ở Quảng Trị. Đây là thời kỳ khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Sau đó, theo yêu cầu chính trị, đơn vị tôi đánh sang Lào giữ Tây đường Hồ Chí Minh. Anh em chúng tôi vẫn gọi vui mình là lính Trường Sơn Tây. Chúng tôi làm nhiệm vụ quốc tế hỗ trợ, giải phóng nước Lào”, ông Đây kể.
Trong thời gian tác chiến bên Lào, ông Đây nhớ nhất là chiến dịch cao nguyên Bolovens – Paksong. Ông bảo, ông không thể quên những trận đánh tốc chiến khi quân ta dội hàng ngàn quả pháo, oanh tạc vào trận địa của địch chỉ trong 1 phút.
Kể đến đây, ông trở vào nhà lấy ra cho chúng tôi xem những kỷ vật từ chiến tranh. Chiếc áo Sư trưởng năm nào của ông giờ như cái bao bố đã sờn màu, cũ kỹ. Thế nhưng ông luôn nâng niu, trân trọng bởi nó chứa đựng ký ức oai hùng của ông. Chúng tôi nhìn thấy những lỗ thủng trên áo mà ông bảo đó là vết đạn của quân thù găm vào.
“Hồi đó phía mình còn thiếu thốn nhiều bề, nhưng anh em luôn đoàn kết, yêu thương nhau và quyết tâm chiến đấu để giải phóng đất nước”, Đại tá Đây kể với niềm tự hào pha lẫn ngậm ngùi khi nhớ về đồng đội.
Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ông vinh dự nhận Huân chương Độc lập |
Nhân đạo trong thời bình
Năm 1975, rời chiến trường, ông Đây đi tìm vợ con để đoàn tụ với gia đình. Lúc bấy giờ, vợ ông vẫn công tác ở miền Bắc. Gia đình ông đoàn viên chưa được bao lâu thì vợ ông mất. Không lâu sau đó, người con trai của ông đang công tác trong quân đội cũng qua đời.
Ở miền Bắc thêm một thời gian ngắn, ông Đây quyết định về quê hương của mình, tức làng Tiên Đõa, xã Bình Sa. “Bản thân tôi hồi đó đã mắc bệnh tim vì bị thương nhiều quá. Chân thì có tật do bị mảnh bom cắt đứt 1/3 gân gót Achille. May là những đứa con còn lại cũng đã trưởng thành hơn. Tôi quyết định về đây - quê hương của mình để sinh sống”, ông Đây tâm sự.
Rời xa quê vợ, ông Đây hồi hương với nỗi nhớ da diết về người vợ và đứa con đã mất. Giấu nỗi buồn trong lòng, ông vẫn vui vẻ, hòa đồng với hàng xóm, láng giềng. Thời điểm ông về quê là những năm 1989-1990, làng Tiên Đõa còn nghèo khó, điện đài không có, nước sinh hoạt thì nhiễm phèn.
Bấy giờ, chính quyền địa phương ra sức cố gắng để đưa điện về miền biển của ông. Năm 1996, đường dây điện đã về làng bên, nhưng Tiên Đõa vẫn âm u trong ánh đèn dầu hiu hắt. Bởi muốn có điện thì mỗi hộ dân phải nộp 500 ngàn đồng trả tiền chi phí kéo dây điện. Thời điểm đó, 500 ngàn đồng là số tiền khổng lồ với những người dân vùng quê nghèo khó này. Nhiều người chấp nhận sống chung với đèn dầu, ánh nến mà không đăng ký kéo điện.
Chính trong lúc ấy, ông Đây đã đăng ký với địa phương rằng ông sẽ nộp tiền để kéo điện cho cả làng. “Chúng tôi sửng sốt khi nghe tin ông Đây bỏ ra mấy chục triệu đồng nộp phí cho cả làng. Rồi chúng tôi vui mừng, phấn khởi khi ánh điện tràn ngập khắp thôn xóm. Có người mừng đến phát khóc. Sau đó, chúng tôi nghe tin ông Đây đã mang căn nhà của mình ra cầm cố ngân hàng để có tiền mang điện về cho cả làng. Về sau, những hộ có tiền đã xin gửi trả lại cho ông Đây nhưng ông không nhận. Không trả được tiền, mọi người nghĩ cách mỗi khi đi chợ mua biếu ông mớ rau, mớ cá. Việc làm của ông đã thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm”, bà Trương Thị Tiền (SN 1968), người dân địa phương xúc động chia sẻ.
Sau khi thế chấp nhà, ông Đây dùng tiền vay ngân hàng để kéo điện cho làng. Tiền vay vẫn còn, ông tiếp tục làm công việc thiện nguyện. Đầu tiên, ông mua vật liệu và thuê người sửa sang lại giếng Tiên (giếng chung của làng bấy giờ) để bà con có nước sinh hoạt. Rồi ông sửa sang lại trường mẫu giáo cho trẻ em có nơi học hành tử tế. Nhiều người vẫn còn nhớ hình dáng ông túc tắc đạp xe đạp đi mua từng cái quạt, cái chậu... cho trường mẫu giáo.
Ông Đây còn xây nhà cho nhiều người nghèo khó như cụ Huỳnh Mãi ở tổ 2 thôn Tiên Đõa. Khi ông Mãi qua đời, gia đình không có tiền để lo đám tang, ông Đây đã giúp 1 triệu đồng và vận động bà con trong thôn xóm chung tay lo tang ma chu đáo… Cứ thế, giúp được cho ai việc gì, vị cựu chiến binh rất vui. Phải hơn 3 năm sau từ ngày thế chấp nhà, ông mới góp đủ lương hưu để trả nợ vay ngân hàng.
Câu chuyện về ông sẽ càng thêm cảm động nếu người nghe ghé đến nhà ông. Không phải có điều kiện kinh tế mới làm việc thiện, mà với ông, thiện nguyện ngay khi cuộc sống không hề dư giả. Ngôi nhà cấp 4 của ông đã quá cũ kỹ nhưng ông không hề nghĩ cho mình mà say mê công việc thiện nguyện. Trong nhà không còn gì có giá trị lớn vậy mà ông không hề bận tâm chuyện mua sắm phương tiện hay làm nhà mới, khoản tiền lương hưu ngoài chi tiêu cho sinh hoạt hằng ngày ông đều dành tất cả để giúp người nghèo khó.
“Tôi đã trải qua những ngày tháng chiến tranh gian khổ nên tôi rất quý trọng cuộc sống này và muốn tất thảy mọi người đều có cuộc sống tốt. Cho đi sẽ được nhận lại mà”, vị Đại tá nói.
Nhận xét về vị Đại tá nhân hậu, ông Nguyễn Văn Lương-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Sa phát biểu: “Sau khi đồng chí Đây về hưu, từ những đồng tiền lương ít ỏi của mình, đồng chí đã tiết kiệm và thậm chí là vay mượn thêm để giúp đỡ những hội viên cựu chiến binh cũng như nhân dân có hoàn cảnh khó khăn. Đồng chí là người rất nhân hậu. Các cấp chính quyền và người dân ai cũng kính trọng, mến thương đồng chí Đây”.