“Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”
Trong số rất nhiều nghề truyền thống, nghề làm giấy dó của người Việt ra đời từ rất lâu và thực sự gắn bó với đời sống người Việt xưa, nó chính là chất liệu để lưu giữ và truyền tải các giá trị văn hóa lịch sử cha ông.
Làng nghề giấy dó Yên Thái, còn gọi là Kẻ Bưởi, ở phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội. Nghề làm giấy ở Việt Nam đã có từ xa xưa, có thể nói là ngay từ những năm đầu Công nguyên. Năm 284, các thương gia La Mã đã mua của ta 3 vạn tờ giấy Mật Hương để dâng lên Vua Tấn Vũ Đế. Một học giả người Hoa là Kê Hàm cũng đã xác nhận giấy Mật Hương của Giao Chỉ làm bằng gỗ trầm thơm, màu trắng, có vân vảy cá, thả vào nước không nát...
Khi Nhà nước Đại Việt ra đời và định đô ở Thăng Long, nghề này ở làng Yên Thái phát triển mạnh. Giấy dó Yên Thái đã từng là mặt hàng triều cống cho triều đình nhà Tống của đời Vua Lý Cao Tông (1176 - 1210). Trong sách “Dư địa chí” (1435), Nguyễn Trãi cũng đã đề cập đến phường Yên Thái ở Thăng Long gồm các làng Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ, Yên Thái, Nghĩa Đô làm ra nhiều loại giấy: giấy sắc (để viết sắc của vua ban), giấy lệnh (để viết các lệnh chỉ của vua), giấy bản (phục vụ dân dụng), giấy quỳ...
Thời xưa, có lẽ làng nghề này đã cung cấp phần lớn lượng giấy cho nhu cầu cả nước, nên tiếng chày giã dó một thời đã thành một trong những nét đặc trưng của kinh kỳ. Âm thanh tiếng chày khua trong đêm đã đi vào ca dao: “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương/Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”.
Trong bài “Phú Thượng Tây Hồ” Nguyễn Huy Lượng thời Tây Sơn cũng nói về nghề làm giấy rất thơ: “Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng/Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co”.
Có một điều mà người dân làng Yên Thái luôn tự hào, đó là bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên giấy dó vùng Bưởi, bìa được bóc kép 6 lần và những tờ giấy ruột bên trong cũng được bóc kép 3 lần. Làng cũng từng vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946.
Nghề làm giấy cổ truyền ở Yên Thái xưa cũng đã khá phức tạp, nó đòi hỏi từng loại thợ ở từng công đoạn tỉ mỉ phải có kinh nghiệm và giỏi nghề. Tuy không quá phức tạp, tinh xảo nhưng đòi hỏi có sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh, sự dẻo dai của người đàn ông và sự khéo léo của người phụ nữ. Nguyên liệu để làm giấy dó chính là vỏ của cây dó - loại cây cao từ 1 - 2m mọc tự nhiên thành rừng ở khu vực Phú Thọ, Yên Bái. Người dân trong làng thường lên đó thu mua vỏ dó rồi đóng thành từng bè xuôi theo dòng chảy sông Hồng và tập kết ở bến Xù Gạ (gần bến Chèm, quận Bắc Từ Liêm, ngày nay tên địa danh vẫn vậy), dùng xe bò tay kéo về làng.
Sau khi có được nguyên liệu tốt, hàng loạt các công đoạn sản xuất được thực hiện liên tục, nối tiếp nhau như: ngâm vỏ dó xuống ao cho mềm; ủ vôi tảng và hấp cách thủy trên vạc trong lò nung; phân loại sợi dó; giã cho nhuyễn; đãi bột; seo giấy; ép giấy; phơi, sấy khô và xếp thành từng chồng.
Tờ giấy nhẹ như bấc, mềm như lụa, óng như tơ
Dân làng Yên Thái sử dụng chính những gốc cây to trong làng để ép giấy. (Ảnh: tư liệu). |
Có lẽ công đoạn nặng nhọc nhất để làm ra những tờ giấy thanh tân phục vụ nhu cầu của người dân thời đó chính là công đoạn “vỡ bìa” - giã vỏ dó. Cái vất vả này cũng đã đi vào ca dao: “Giã nay rồi lại giã mai/Đôi chân tê mỏi, dó ơi vì mày.../Seo đêm rồi lại seo ngày/Đôi tay tê buốt vì mày giấy ơi”! Những người đàn ông trong làng nghề đảm nhiệm công đoạn vất vả này. Công cụ được sử dụng là những chiếc cối đá thành dày, miệng nhỏ. Nếu sử dụng chày lận chân thì cối được chôn dưới lòng đất chỉ để hở một chút miệng. Cần ít nhất là 2 người đàn ông đứng lận chân mới nhấc được chày. Đối với cối sử dụng chày tay, phần cối đá được đặt nổi trên mặt đất và hai người đàn ông sử dụng chày tay giã nhịp nhàng, ăn ý. Họ thường bắt đầu ngày làm việc từ 3 giờ sáng để giã sao cho những cối vỏ dó nhỏ nhuyễn thành bột.
Những cối bột được đựng vào rá to đưa ra sông Tô Lịch đãi, loại bỏ những mảnh vỏ đen giữ lại thứ bột trắng tinh khôi nhất. Bột giấy được đổ vào tàu seo, người thợ sử dụng đòn đánh bột - làm từ ngọn tre uốn cong để khuấy cho bột giấy hòa tan vào nước cộng thêm chất phụ gia là nhớt của cây mò để tạo độ kết dính. Nhờ có chất nhớt từ nhựa cây mò giúp cho các tờ giấy khi bóc khỏi bàn seo, dù còn ướt nhưng để chồng lên nhau vẫn không bị dính với nhau.
Seo giấy có thể nói là công đoạn quan trọng nhất trong quy trình làm giấy thủ công. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận của người phụ nữ. Cụ Vũ Thị Thiết - một trong những nghệ nhân cuối cùng còn nhớ được cách làm giấy dó xưa từng tâm sự với truyền thông: “Những người phụ nữ làng Yên Thái phải đứng bên tàu seo làm việc miệt mài trong nhiều giờ đồng hồ, đôi tay ngâm trong bể nước bất kể trời mùa đông giá buốt đến đâu”. Vừa kể, cụ vừa ngâm câu ca dao “cửa miệng” của những người con gái seo giấy vùng Bưởi: “Tàu seo nước giá như đông/Tay đưa liềm giấy mà lòng nhớ ai/Nhớ người tuổi ngoại đôi mươi/Da xanh mai mái miệng cười đưa duyên”.
Giấy Yên Thái dùng lò sấy là chủ yếu, ít khi phải đem phơi. Do đó, dù trời mưa vẫn không ảnh hưởng đáng kể đến công việc, giấy vẫn được sấy khô như thường. Lò sấy giấy đã xuất hiện ở Yên Thái từ mấy trăm năm trước đây. Người làng nghề truyền lại rằng, khi xưa con gái Bưởi khi xưa ra ngoài đường không dám mặc áo cộc tay, bởi vì khi sàng giấy, các cô phải tì hai tay vào thành bể để sàng, nên bị sây sát thành chai, thành sẹo. Con trai ra ngoài đường, người ta biết ngay là trai Bưởi, vì anh nào đi cũng hơi vẹo một bên vì gánh nguyên vật liệu làm giấy ở dưới thuyền lên chỉ bằng một bên vai.
Có thể nói, ở tất cả các công đoạn sản xuất từ bóc vỏ dó, ngâm và giặt dó, giã dó, nấu dó, lọc dó, seo giấy, đến đóng gói kiện giấy và vận chuyển đi bán đều hết sức vất vả và hầu như hoàn toàn bằng sức người với đôi tay trần của người thợ.
Trải qua nhiều công đoạn chế tác thủ công cầu kỳ, phức tạp, đôi tay tài hoa của người thợ Việt đã làm ra thành những tờ giấy nhẹ như bấc, mềm như lụa, óng như tơ, nhưng bên trong dáng vẻ mảnh mai tinh tế đó lại chứa đựng sức bền tuyệt vời đối với thời gian dù trong điều kiện khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Giấy dó Yên Thái có thể bảo quản được hàng trăm năm mà không bị mốc hay hư hại.
Giấy dó truyền thống ở vùng Bưởi được một người Pháp có tên Henri Oger mô tả trong cuốn “Kỹ thuật của người An Nam” là loại giấy xốp nhẹ mà bền dai, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt. Giấy dó cũng nổi tiếng với độ bền có thể lên tới hàng trăm năm do đặc tính của xơ sợi và quy trình làm hoàn toàn bằng thủ công, không có sự tác động của hóa chất. Chính vì điều này, người xưa đã dùng giấy dó để in kinh sách, viết chữ, in tranh dân gian và đặc biệt hơn cả khi các triều đại phong kiến Việt Nam dùng nó cho việc viết sắc phong. Đến nay, nhiều đình, chùa và làng xã vẫn còn lưu giữ được những sắc phong này.
Để triển khai có hiệu quả Chương trình số 02-CTr/QU ngày 19/10/2020 của Quận ủy Tây Hồ về tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế; Chú trọng phát triển ngành dịch vụ - du lịch gắn với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống của quận giai đoạn 2020 - 2025; UBND phường Bưởi được giao nhiệm vụ xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức vận hành, khai thác Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và phục dựng mô hình nghề sản xuất truyền thống làm giấy dó, phường Bưởi”.
Ngày 13/5/2024, “Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống “làm giấy dó” của vùng Bưởi xưa” tại địa chỉ số 189 phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội đã hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động. Đây không chỉ là một điểm dịch vụ, du lịch văn hóa, nơi tôn vinh lưu giữ, bảo tồn những giá trị của nghề làm giấy dó truyền thống mà còn là địa chỉ tin cậy, quen thuộc đối với người dân Thủ đô và các tỉnh, thành trong cả nước, bạn bè quốc tế khi về tham quan, du lịch trên địa quận Tây Hồ.