Già làng 'giữ lửa' âm vang cồng chiêng

Nghệ nhân ưu tú K’Tiếu tại một biểu biểu diễn cồng chiêng.
Nghệ nhân ưu tú K’Tiếu tại một biểu biểu diễn cồng chiêng.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Tôi không nghĩ sẽ được Thủ tướng tặng bằng khen, phong tặng nghệ nhân ưu tú, đơn giản đánh cồng chiêng chỉ vì đam mê, muốn giữ lại nghệ thuật truyền thống của cha ông cho con cháu mai sau…”, già làng K’Tiếu (72 tuổi, ngụ thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) bộc bạch.

Nỗi niềm trăn trở khi tiếng cồng chiêng vắng dần

Dáng vẻ cao gầy, da mặt chằng chịt nếp nhăn nhưng nhìn cử chỉ, động tác đánh cồng chiêng, nhìn những bước chân di chuyển nhịp nhàng theo điệu nhạc, ít ai biết được già làng K’Tiếu năm nay đã ngoài tuổi 70. Người đàn ông ấy vẫn ngày ngày say sưa với hành trình thổi lửa, tiếp sức nuôi dưỡng nghệ thuật cồng chiêng giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Trong ký ức của mình, già làng K’Tiếu vẫn nhớ như in những buổi hầu nước cho các bậc cao niên trong bản trong các buổi biểu diễn cồng chiêng ở thôn bản. Dần dần những buổi sinh hoạt cộng đồng ấy đã nhen nhóm tình yêu nghệ thuật cồng chiêng vào con người chàng thanh niên K’Ho lúc nào không hay, tình yêu cồng chiêng cứ thế lớn dần theo năm tháng: “Hồi đó tôi mới 14 tuổi, mỗi khi nghe ở buôn làng nào có lễ hội, dù xa mấy cũng tìm đến để nghe và học đánh chiêng”, vị già làng nhớ lại.

Với già làng K’Tiếu, âm vang cồng chiêng là món ăn tinh thần không thể thiếu sau những giờ lên rẫy. Hễ lúc nào rảnh rỗi chân tay ông lại mang chiêng ra sân đánh cho đỡ nhớ. Cứ thế, dòng chảy âm vang cồng chiêng được già làng K’Ho nuôi dưỡng ngày này qua ngày khác.

Dòng chảy thời gian cùng với công cuộc đổi mới đã thay đổi bộ mặt buôn làng, khiến vùng núi rừng ngày càng sầm uất, giàu có hơn. Thế nhưng điều khiến già làng K’Tiếu trằn trọc nhiều đêm là số người biết đánh cồng chiêng ngày càng ít đi, con cháu trẻ tuổi trong thôn bản cũng không mấy mặn mà với văn hoá truyền thống này: “Cứ thế thì văn hoá cồng chiêng sẽ mai một, thất truyền. Để giữ gìn văn hoá cha ông, thi thoảng tôi mới đem chiêng ra đánh, múa cùng các bạn già để ôn luyện ”, già làng K’Tiếu kể.

Nghệ nhân K'Tiếu dạy các trò đánh cồng chiêng.

Nghệ nhân K'Tiếu dạy các trò đánh cồng chiêng.

Để bảo tồn được văn hoá cồng chiêng, điều khó khăn nhất theo già làng K’Tiếu là làm sao thổi được niềm đam mê cho thế hệ trẻ, nhất là trong xu thế công nghiệp hoá diễn ra mạnh mẽ, nhiều thanh niêm ưa thích giải trí bằng game, thiết bị công nghệ hơn là quây quần nhảy múa, đánh chiêng bên ngọn lửa trại.

Khó khăn nữa là làm sao có được những bộ chiêng chất lượng. Với kinh nghiệm của mình, già làng K’Tiếu cho biết để có được bộ chiêng đầy đủ được chế tác theo bộ (3 chiêng một bộ, 6 chiêng một bộ) rất hiếm. Các bộ chiêng hiện nay phần lớn đều chắp vá, vì thế chất lượng âm thanh khó mà đồng bộ, hoà hợp.

Hơn nữa những nghệ nhân chế tác cồng chiêng cũng ít dần, trong khi đó những bộ chiêng không phải trường tồn mà cũng mòn, nứt vỡ theo thời gian sử dụng: “Nghịch lý rằng người đồng bào chúng tôi không biết làm chiêng nhưng lại biết đánh chiêng. Toàn bộ chiêng đều do người Kinh làm ra nhưng lại ít người biết chơi cồng chiêng giỏi như cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số”, già làng K’Tiếu nói.

Hơn 2 thập niên “thổi lửa” cho nghệ thuật cồng chiêng

Luôn muốn gìn giữ văn hoá cồng chiêng nhưng ông K’Tiếu lực bất tòng tâm, chỉ biết lúc chơi cồng chiêng cùng bạn già, con cháu.

Cột mốc đáng nhớ là vào năm 1990, ở thôn Duệ tái diễn lễ đâm trâu đón mùa lúa mới. Để chuẩn bị cho lễ hội, ông K’Tiếu vận động nhiều người trong làng ôn lại các bài chiêng rồi kiên nhẫn hướng dẫn cho từng người chơi những điệu cơ bản. Sau lễ hội, thấy người làng có vẻ hào hứng hơn với việc chơi chiêng, ông K’Tiếu mượn chiêng, mở lớp dạy các thanh, thiếu niên trong làng, mỗi lớp trên 10 người.

Vừa lắng nghe, nghệ nhân K’Tiếu vừa chỉnh cách đánh cồng chiêng cho các học trò.

Vừa lắng nghe, nghệ nhân K’Tiếu vừa chỉnh cách đánh cồng chiêng cho các học trò.

May mắn, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật cồng chiêng này được chính quyền, các nhà nghiên cứu văn hoá quan tâm. Bấy giờ già làng K’Tiếu bất ngờ được chú ý đến như một “báu vật” sống bởi cả xã Đinh Lạc không ai còn thuộc nhiều bài cồng chiêng và thành thục môn nghệ thuật này như ông. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, từ năm 2005, các lớp truyền dạy cồng chiêng được mở tại thôn Duệ, xã Đinh Lạc một cách bài bản, đầy đủ nhạc cụ.

“Những ngày đầu khó khăn lắm vì chẳng có ai quan tâm. Người ta chơi trên mạng Internet, chơi game đủ thứ nên không có mấy người để ý đến cồng chiêng. Trong buôn cũng không có ai biết đánh cồng, đánh chiêng như thế nào cho nó bài bản. Vì vậy, mình phải giải thích, phải đi tuyên truyền, nói lại lịch sử của cồng chiêng…”, ông kể.

Khác với các lớp học khác, việc truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng ở thôn Duệ không hề có giáo án, bài giảng nào mà hoàn toàn trực tiếp, “cầm tay chỉ việc”. Những buổi lên lớp, già làng K’Tiếu hướng dẫn rồi người học thực hành, già làng nắn chỉnh trực tiếp; người học cũng chỉ ghi nhớ và học thuộc chứ không theo sách vở nào.

Ka Thửi (SN 2005), hiện đang học lớp 12 là thành viên trẻ CLB, chia sẻ rằng, bản thân tham gia học cồng chiêng với niềm tự hào đó là món ăn tinh thần của bao thế hệ cha ông. Thửi mong muốn đóng góp phần nhỏ công sức vào việc gìn giữ, phát huy giá trị cồng chiêng Tây Nguyên. Mặc dù việc học cồng chiêng mất nhiều thời gian nhưng em luôn cố gắng sắp xếp…

Theo học lớp cồng chiêng từ năm 2016, anh K’Tình (SN 1970), thành viên lớn tuổi nhất CLB cồng chiêng Đinh Lạc cho biết: “Tôi đăng ký học trước hết vì đam mê nghệ thuật cồng chiêng, sau là biết để lưu giữ, truyền lại cho thế hệ sau chứ nghệ thuật cồng chiêng ngày càng mai một dần”.

Theo anh K’Tình, học đánh cồng chiêng thì dễ và nhanh, nhưng để đánh đúng điệu nhạc, hợp âm với các thành viên trong đội cồng chiêng mới khó. Anh giải thích, có khoảng 10 bài cồng chiêng, mỗi bài có thể đánh từ 1 chiêng đến hợp âm 6 chiêng. Dù đã hơn 5 năm học hỏi, thực hành nhưng anh K’Tình cũng chỉ đánh thành thục được 5 bài cồng chiêng, có thể đánh từ vị trí chiêng 1 tới chiêng 6.

Ngoài sự hoà điệu, cảm âm cần có những kỹ năng đánh chiêng cơ bản, nếu không sẽ làm nứt, vỡ chiêng. Chẳng hạn khi đánh chiêng, tay trái giữ lòng chiêng, ấn chặt các đầu ngón tay, còn tay phải nắm lại, đánh vào vị trí mặt chiêng nơi các đầu ngón tay ấn giữ phía bên kia.

Bằng sự kiên trì, những lớp học đã mang lại trái ngọt. Theo UBND xã Đinh Lạc, sau gần 2 thập niên, đến nay những lớp học do già làng K’Tiếu dạy đã đào tạo cho hơn 200 người biết đánh cồng chiêng thành thạo. Thế nhưng già làng K’Tiếu vẫn chưa hết lo, ông bộc bạch nhiều người lúc còn thanh niên thì ham mê đánh chiêng, nhưng sau đó lấy vợ gả chồng rồi, một phần vì áp lực kinh tế mà làm biếng, dần dần quên cả cách đánh. Rút kinh nghiệm, các khoá dạy cồng chiêng sau này, già làng K’Tiếu đa dạng hoá thành phần, dạy cho cả nam lần nữ, người lớn cũng có trẻ nhỏ cũng có.

Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

Vất vả, khó khăn như vậy nhưng theo già làng K’Tiếu, nghệ thuật cồng chiêng ở xã Đinh Lạc đang hồi sinh theo năm tháng. Trong lớp học của ông ngày càng có nhiều học sinh tham gia, đó là tín hiệu mừng vì lớp trẻ đã hướng về cội nguồn. Cùng với đó, các trường học cũng ngày càng phổ biến nghệ thuật cồng chiêng nhiều hơn, khuyến khích học sinh tham gia nhiều hơn…

Cần hướng đi mới trong bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng

Các bài chiêng người K’Ho vùng Tây Nguyên có ý nghĩa chào mừng khách, đón khách, tiễn khách sau khi dự lễ hội. Ngoài lễ hội, các bài chiêng còn được chơi vào dịp mừng lúa mới, lễ hội, đám cưới… Mặc dù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, song trước sự phát triển kinh tế thị trường, không gian văn hóa cồng chiêng ở Tây nguyên vẫn luôn đối mặt với nguy cơ bị mai một.

Theo già làng K’Tiếu, nếu biết cách khai thác, nghệ thuật cồng chiêng sẽ tự nuôi lấy mình, những người đánh cồng chiêng không chỉ thoả chí đam mê mà đó là nghề mưu sinh. Chẳng hạn như CLB cồng chiêng Đinh Lạc ngày càng được nhiều đơn vị mời biểu diễn, đặc biệt ngày càng nhiều đoàn du khách về Di Linh “đặt hàng” CLB biểu diễn. Do đó nếu biết đưa nghệ thuật cồng chiêng vào phát triển du lịch thì không chỉ góp phần bảo tồn nét văn hoá đặc sắc mà còn làm phòng phú thêm sản phẩm du lịch.

Với sự đóng góp tích cực của mình trong việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, các năm qua, già làng K’Tiếu đã nhận được rất nhiều bằng khen của huyện Di Linh và tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, trong năm 2022, già làng K’Tiếu vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Mới đây, hồi tháng 5/2023, Nghệ nhân K’Tiếu còn là một trong 31 cá nhân được Thủ tướng tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước; là điển hình tiên tiến của tỉnh Lâm Đồng được giới thiệu tham dự hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc nhân dịp 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/06/1948 – 11/06/2023).

“Tôi không nghĩ sẽ được Thủ tướng tặng bằng khen, phong tặng nghệ nhân ưu tú, đơn giản đánh cồng chiêng chỉ vì đam mê, muốn giữ lại nghệ thuật truyền thống của cha ông cho con cháu mai sau. Sự quan tâm của Đảng, nhà nước cũng như tinh thần ham học hỏi của con cháu càng khiến tôi quyết tâm truyền dạy lại nghệ thuật đánh cồng chiêng hơn, lưu giữ văn hoá truyền thống của dân bản”, già làng K’Tiếu chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Nghệ nhân dân gian Mã Văn Trực say sưa và tự hào khi chia sẻ về bộ môn nghệ thuật dân gian ông đã dành nhiều năm gắn bó (Ảnh: Thanh Tùng)

Nghệ nhân dân gian Mã Văn Trực – Người giữ lửa truyền thống hát Then tại Bắc Kạn

(PLVN) -  Giữa thăng trầm của cuộc sống, có một nghệ nhân vẫn lặng lẽ, bền bỉ giữ gìn và truyền lại những tinh hoa của loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này, đó là nghệ nhân dân gian Mã Văn Trực – người không chỉ đam mê hát Then, đàn Tính mà còn xem đây là sự nghiệp cả đời, là trách nhiệm và tình yêu với văn hóa dân tộc.

Đọc thêm

Đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo bước đột phá trong bảo tồn giá trị di sản ở Cố đô Huế

Nhiều du khách khám phá sự hiện đại với công nghệ số trong Đại Nội Huế
(PLVN) - Thừa Thiên Huế với 8 di sản Thế giới, khoảng 1 nghìn di tích lịch sử. Có thể khẳng định, quần thể Di tích Cố đô Huế có hệ thống đồ sộ với các công trình di tích có lối kiến trúc cung đình độc đáo. Vì vậy, để lưu giữ nguồn dữ liệu về những yếu tố gốc của các công trình di tích cho muôn đời sau, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo bước đột phá trong bảo tồn giá trị di sản.

Chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật và kỷ vật quý của vị vua yêu nước

Cuốn sách Hàm Nghi Hoàng đế lưu vong - nghệ sỹ ở Alger. (Ảnh: Thùy Dương)
(PLVN) - Những hậu duệ của Vua Hàm Nghi đã hiến tặng các tác phẩm nghệ thuật và kỷ vật quý của Vua Hàm Nghi cho các bảo tàng, di tích Việt Nam. Những tác phẩm nghệ thuật và kỷ vật hiến tặng ấy minh chứng sống động cho một giai đoạn đầy thăng trầm trong lịch sử Việt Nam. Việc hiến tặng các kỷ vật của Vua Hàm Nghi có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo tồn di sản, tôn vinh các giá trị lịch sử của dân tộc. Các kỷ vật được hồi hương, mở ra thêm cơ hội để người dân trong nước, đặc biệt là thế hệ trẻ được chiêm ngưỡng và tìm hiểu về vị vua yêu nước.

Lễ cầu ngư, thả hoa đăng trên sông Đà

Lễ cầu ngư, thả hoa đăng trên sông Đà
(PLVN) - Tối 15/11, tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ cầu ngư, thả hoa đăng trên sông Đà. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của Lễ hội cá tôm sông Đà lần thứ 2 năm 2024.

Thành cổ giữa lòng thành phố Biên Hoà

Thành cổ giữa lòng thành phố Biên Hoà
(PLVN) - Thành cổ Biên Hoà được người dân xây dựng vào đầu thời nhà Nguyễn. Đến năm 1834 vua Minh Mạng thứ 18 cho đắp lại bằng đất theo hình cánh cung, bốn mặt thành đều dài 70 trượng, cao 4 thước 3 tấc, dày 1 trượng, mở 4 cửa hào rộng 2 trượng sâu 6 thước, đặt tên là Thành Cựu

Vang xa những làn điệu Quan họ Bắc Ninh

Hát Quan họ trên thuyền. (Ảnh: Thanh Tùng)
(PLVN) - Sau khi Dân ca Quan họ được vinh danh, Bắc Ninh có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện tốt cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thế giới. Nhân kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Bắc Ninh cho biết, từ ngày 11 - 30/11/2024 sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc.

Thêm hiểu sâu sắc về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt Nam

NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng hoa chúc mừng Ban tổ chức chương trình. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Được sự nhất trí của UBND huyện, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Cẩm Khê, hôm nay - ngày 10/11, Đảng ủy - Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tuy Lộc và Ban quản lý di tích lịch sử Đình Hội tổ chức Lễ động thổ Đình Hội cùng các công trình phụ trợ và Tọa đàm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

'Tấm vé' về với Hà Nội xưa

'Tấm vé' về với Hà Nội xưa
(PLVN) - Thủ đô nghìn năm văn hiến Hà Nội được ví như bảo tàng sống với hàng ngàn di tích lịch sử, văn hóa nổi bật. Vì thế, Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng bất tận, là đề tài rung động tâm hồn các nghệ sỹ trong nỗ lực gìn giữ văn hóa đất Kinh kỳ.

Đồng dao - Đi tìm di sản tuổi thơ xưa trong thời hiện đại

Đồng dao - Đi tìm di sản tuổi thơ xưa trong thời hiện đại
(PLVN) - Trong ký ức của nhiều thế hệ, đồng dao gắn liền với tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ vang vọng khắp sân làng, những trò chơi tuổi thơ đơn sơ mà thú vị. Những bài đồng dao ấy không chỉ là những lời ca vui vẻ, mà còn chứa đựng trong mình cả nền văn hóa, lịch sử và giá trị truyền thống của dân tộc.

Tôn vinh cây trà tổ 400 tuổi ở Suối Giàng

Tôn vinh cây trà tổ 400 tuổi ở Suối Giàng
(PLVN) -  Lễ hội tôn vinh cây trà tổ Shan tuyết hơn 400 tuổi được tổ chức trang trọng với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc nhằm gửi gắm ước mơ và cảm tạ trời đất đã ban phước lành cho dân bản. 

Rộn ràng Xẩm từ miền quê huyền thoại

Nhiều thế hệ cùng tham gia CLB hát xẩm Hà Thị Cầu.
(PLVN) - Ninh Bình được coi là một trong những cái nôi của Xẩm, gắn liền với cố nghệ nhân hát Xẩm nổi tiếng Hà Thị Cầu. Việc bảo tồn giá trị nghệ thuật hát Xẩm đang được tỉnh Ninh Bình thực hiện với mục tiêu tạo thành sản phẩm du lịch, góp phần định vị điểm đến của du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam.