Hiện tại, ở thị trấn Cao Phong có hơn 400 hộ trồng cam. Người dân Cao Phong xây được biệt thự, sắm được ô tô chủ yếu là nhờ vào những vườn cam bạt ngàn đương vụ. Nhiều gia đình ở đây “phất” lên thành đại gia, tỷ phú chỉ trong 1 - 2 vụ cam được mùa.
Phóng viên đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thuần là một trong số những đại gia trồng cam ở xã Bắc Phong. Từ Hà Nam lên Cao Phong làm kinh tế năm 2001, cách đây 3 năm, ông Thuần bắt đầu trồng cam. Hiện tại ông Thuần đã có hơn 3ha cam, trong đó có hơn 2ha đã cho thu hoạch. Nhờ trồng cam mà bây giờ ông đã có cả một cơ ngơi đồ sộ với ngôi nhà hơn 1 tỉ đồng vừa hoàn thành năm 2011.
“Năm nay nhà tôi thu được khoảng 20 tấn cam, trừ chi phí lãi khoảng 1-2 tỉ” - ông Thuần tươi cười khoe. Được biết, gần tháng nay ông Thuần huy động cả nhà, thuê thêm đến hơn chục người đi cắt cam để bán cho thương lái.
Được biết, ngày 13/6/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển sản xuất một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014-2020, trong đó cây có múi được xác định là một trong những cây chủ lực. UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt quy hoạch vùng đủ điều kiện sản xuất cam an toàn, tập trung đến năm 2020 với quy mô 5.085ha.
Thêm một sự kiện nữa là vào ngày 16/11/2014, tỉnh Hòa Bình đã chính thức tổ chức Lễ đón nhận “Chỉ dẫn địa lý Cao Phong” cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong. Từ đó có thể khẳng định đây là cơ hội lớn mở ra cho người dân trồng cam ở huyện Cao Phong.
Hiện nay, tổng diện tích cam toàn huyện đạt 1.200ha, sản lượng năm 2015 ước đạt 16.500 tấn/ha. Xác định cây có múi là cây trồng chủ lực tại địa phương nên tỉnh Hòa Bình đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển vùng trồng cam như sử dụng hệ thống tưới theo công nghệ Israel...
Nhờ kết quả của nhiều năm xây dựng, bảo tồn, lựa chọn và hồi phục nguồn gen quý của cây cam được trồng tại huyện Cao Phong mà hệ số nhân giống cây cam nhanh hơn, chất lượng tốt hơn, đem lại năng suất và giá trị kinh tế ngày một cao hơn.
Tỉnh Hòa Bình đã và đang hướng tới một mục tiêu xa hơn, đó là từng bước xây dựng Bộ tiêu chuẩn canh tác thống nhất cho cam Cao Phong như tiêu chuẩn nông sản chất lượng cao của Việt Nam (VietGap) hoặc xa hơn nữa, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGap) như đã áp dụng cho các sản phẩm nông sản khác trong cả nước, vươn tới thị trường nước ngoài với kỳ vọng đưa sản phẩm cam bước vào các siêu thị, đại siêu thị, hướng tới xuất khẩu và mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp chế biến tại vùng đất này. Quả cam từ chỗ chỉ được sử dụng làm sản phẩm tiêu dùng trực tiếp sẽ được chế biến thành nhiều loại sản phẩm đa dạng mà vẫn giữ vị ngọt thơm.