“San bằng” cả lăng mộ để làm bãi đỗ xe
Giữa năm 2012, tỉnh Thừa Thiên - Huế ra văn bản thống nhất chủ trương cho phép đầu tư bãi đỗ xe tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh tại tổ dân phố 11, khu vực 3, phường Thủy Xuân, TP Huế. Một năm sau đó, UBND TP Huế ban hành thông báo về chủ trương thu hồi đất để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Đến tháng 4/2016, tỉnh này cấp phép đầu tư xây dựng bãi đỗ xe có diện tích gần 17.000m2.
Dự án trên có tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 30 năm, do Công ty TNHH Chuỗi Giá Trị làm chủ đầu tư. Khi thi công những ngày gần đây, công ty này bị cho là đã san lấp luôn ngôi mộ vợ vua Tự Đức.
Tại hiện trường, theo quan sát, khu vực này chỉ còn là một hố nhỏ, những công trình xung quanh mộ như tường thành, bình phong, tẩm mộ đã bị ủi hoàn toàn. Vết tích duy nhất còn sót lại chỉ vài viên gạch vồ, mảnh sứ, dấu vết của bức bình phong, cùng như tường thành.
Khu vực bị san ủi làm bãi đỗ xe |
Theo một số người dân trong khu vực, trước họ thấy ở đây có phần lăng mộ diện tích chừng 40m2, được xây bằng đá và vôi vữa, có cổng hình vòm, riêng phần tường cao tới 3m, trước lăng còn có tấm bia khắc chữ Hán bằng đá xanh nguyên khối. Toàn bộ khu lăng cao quá đầu người, không leo vào được.Ngày 19/6/2017, đơn vị thi công khi đưa phương tiện đến san lấp mặt bằng đã ủi luôn cả khu mộ.
Ông Tôn Thất Hộ (con cháu Nguyễn Phước tộc) cho biết: “Khi phát hiện sự việc, chúng tôi đến ngăn cản nhưng việc san ủi vẫn được tiếp tục. Đến sáng 20/6/2017, cả khu lăng này đã “biến mất”. Bốn ngày sau, tại hiện trường, dòng tộc chúng tôi mới phát hiện tấm bia mộ cổ có chiều dài khoảng 70cm, ngang 35cm, dày 7cm. Phía trên có khắc dòng chữ Hán được dịch: “Mộ của bà Tài Nhân họ Lê, thụy là Thục Thuận”.
Nhà nghiên cứu Huế, ông Trần Đại Vinh phân tích: “Tấm bia vừa tìm thấy ghi “Tiền triều tài nhân cửu giai Lê Thị Thụy Thục Thuận chi mộ” có nghĩa đây là mộ phần của một bà họ Lê, khi mất được vua ban tên Thụy là Thục Thuận. Đem đối chiếu trùng hợp với bài vị tại gian tả nhất của Chí Khiêm Đường (miếu thờ các phi tần của vua Tự Đức).
Vị trí được cho là lăng mộ của vợ vua được người dân dựng tạm lại |
Như vậy, chúng ta thấy đây là phi tần cung bậc cấp 9 (cấp thấp nhất - PV). Vua Tự Đức (1829 - 1883) có 103 bà vợ. Danh phận của các vợ vua được gọi tên từ Hoàng quý phi, Thiện phi, Cung tần, Học phi và Cung phi”.
“Vừa thiếu trách nhiệm, vừa vô nhân tâm”
Trao đổi với XLPL, ông Nguyễn Anh Tuấn (Phó giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế) cho rằng: “Chúng tôi là đơn vị được giao giải phóng mặt bằng. Tại khu vực triển khai dự án có 3 hộ dân đang trong diện điều chỉnh hỗ trợ về giá đền bù nên chưa giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thi công. Công ty Chuỗi Giá Trị đã tự động san ủi mặt bằng mà chúng tôi không hề hay biết. Việc chủ đầu tư chưa được bàn giao mà đã tiến hành thi công là sai”.
Ông Tuấn cũng cho rằng: “Phía chúng tôi chỉ có trách nhiệm kiểm đếm, thống kê chứ không khảo sát. Tại thời điểm kiểm kê, toàn bộ khu vực dự án có 42 ngôi mộ cần di dời, chúng tôi không hề phát hiện được ngôi mộ nào nghi là của vợ vua Tự Đức hết. Có thể do mộ lâu năm, đã tàn lụi, nằm dưới đất nên phía chúng tôi không biết để kiểm kê”.
Còn ông Lê Quốc Tuấn (Giám đốc Công ty Chuỗi Giá Trị), cũng đã lên tiếng thừa nhận trách nhiệm và gửi lời xin lỗi tới dòng họ vua triều Nguyễn. Đại diện chủ đầu tư đồng thời cam kết sẽ khắc phục sai phạm theo yêu cầu của dòng tộc Nguyễn Phước và cơ quan chức năng. Trong đó sẽ xây dựng lại mộ trên cơ sở nhờ trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tư vấn về lối kiến trúc phù hợp.
Nói về trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh, ông Nguyễn Văn Hà (Chánh Thanh tra Sở) cho rằng: “Phần mộ bị san ủi có quy mô nhỏ, lại nằm ở vị trí xa khu di tích. Ngoài ra, lăng này đã bị đổ nát một phần, nên anh em mới không biết”.
Ông Quế: “Họ nói không thấy ngôi mộ với lý do mộ bị lụi tàn, nằm âm dưới đất là không đúng sự thật” |
Những ý kiến trên không nhận được sự đồng tình của người địa phương. Nhiều người dân đã bày tỏ bức xúc vì cho rằng các lý do như “lăng mộ bị san ủi do mộ nằm âm dưới đất”, hay “khu vực mộ tọa lạc có nhiều mồ mả, cây cối che khuất”, đều là không đúng sự thật.
Theo lời kể của cụ Trần Duy Quế (80 tuổi, ngụ tổ 11, phường Thủy Xuân), người sinh ra và lớn lên tại đây cả đời, lúc ông còn thanh niên, lăng này thường có 2 người lính lên đây để bảo vệ. Lăng được xây bằng đá, có mái vòm, bia rất to làm bằng đá thanh được viết chữ Hán, “về quy mô thì dân thường không thể xây dựng được khu lăng mộ trên”.
Vào năm 2015, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm kê để đền bù giải phóng mặt bằng, ông đã phản ánh sự việc. Lực lượng kiểm kê đã tận mắt thấy ngôi mộ này.
“Tuy lăng không còn nguyên vẹn vì thời gian, rồi có nhiều cây dại mọc không được phát dọn nhưng người dân ở đây ai cũng biết về ngôi lăng này. Đơn vị giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư đã tận mắt chứng kiến. Họ nói không thấy ngôi mộ với lý do mộ bị lụi tàn, nằm âm dưới đất là không đúng sự thật, là nói dối”.
Ông Trương Văn Hậu tiếp lời: “Tôi từng lên cạnh mộ này để khai hoang, trồng sả. Thời gian đó, chính tôi có thắp nhang ở đây. Mới đầu năm 2017, khi tôi đi tảo mộ cho người thân vẫn thấy mộ này đứng sừng sững. Không hiểu vì động cơ, mục đích gì mà họ dám ủi cả lăng mộ của người chết”.
Một viên gạch còn sót lại khi khu lăng bị ủi |
Theo PGS TS Đỗ Bang (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế), vì dự án nằm trong “vùng nhạy cảm” nên lẽ ra trước khi san ủi mặt bằng cần tiến hành khảo cổ cẩn thận chứ không thể dùng máy móc ủi phẳng như thế. Ông Bang cũng khẳng định, việc tồn tại một ngôi mộ cổ rộng đến hàng chục m2 có đầy đủ các hạng mục nhưng các đơn vị liên quan nói vì không biết nên san ủi là khó chấp nhận. Nó thể hiện các cơ quan này “vừa thiếu trách nhiệm, vừa vô nhân tâm”.
Ông Tôn Thất Viễn Bào (Chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc) trăn trở, theo gia phả dòng Nguyễn Phước tộc thì các vua triều Nguyễn có rất nhiều vợ. Vợ vua được chia theo 9 bậc từ hàng Nhất giai đến Cửu giai. Điều này đồng nghĩa có hàng nghìn ngôi lăng mộ là vợ của các vua triều Nguyễn tồn tại trên đất Cố đô Huế.
Ngoài lăng tẩm của các Hoàng hậu, Phi tần nằm trong khuôn viên lăng vua triều Nguyễn, được UNESCO công nhận là di tích, được trông coi, tu bổ thường xuyên; thì hiện có rất nhiều lăng mộ của các bậc phi tần thuộc những cấp bậc thấp đang rơi vào cảnh hoang phế, đổ nát, cỏ dại bao phủ, xuống cấp nghiêm trọng, nhưng kinh phí Hội đồng trị Nguyễn Phước Tộc có hạn, việc tu bổ chờ Nhà nước là chủ yếu.
Mặc dù nằm gần lăng vua Tự Đức, nếu không có sự việc lăng tài nhân Lê Thị thụy Thục Thuận bị san ủi thì ít ai biết khu vực này còn có lăng học phi Nguyễn Thị Hương, một trong những bà vợ của vua Tự Đức. Nhìn bên ngoài, lăng hoang phế, tường gạch không còn nguyên vẹn.
Lăng bà thục tần Nguyễn Thị Bửu, vợ vua Minh Mạng, nằm gần chùa Từ Hiếu thuộc phường Thủy Xuân (TP Huế) cũng ít được biết đến. Lối vào khu này um tùm cây cỏ, không có biển chỉ dẫn. Lăng Thoại Thánh mẹ vua Gia Long nằm trong quần thể lăng Thiên Thọ (lăng vua Gia Long) cũng hoang phế, xuống cấp nặng.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết, theo phân cấp quản lý, Trung tâm được giao quản lý lăng tẩm các chúa Nguyễn, vua Nguyễn gắn liền với khu vực di tích đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Những năm qua, Trung tâm cũng đã nỗ lực bảo vệ, trùng tu các lăng tẩm của vua, chúa Nguyễn và một số lăng vợ vua.
Để khắc phục bất cập trong công tác quản lý lăng mộ, sắp tới Trung tâm sẽ cùng một số nhà nghiên cứu và Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc khảo sát, kiểm kê đánh giá toàn bộ số lăng mộ hoàng tộc, từ đó lập bản đồ số hóa và đề xuất giải pháp phân cấp quản lý, bảo tồn phù hợp.