Theo cách nói của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc thì: “Cuộc chiến với vấn nạn này chưa kết thúc mà chỉ mới… bắt đầu”.
Còn nhiều rào cản
Tại hội thảo về đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh vừa diễn ra, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố tình trạng chồng chéo, vướng mắc của các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh đang gây rất nhiều khó khăn và rào cản đối với hoạt động của các doanh nghiệp.
Ông Đậu Tuấn Anh, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện rà soát đối với 37 văn bản luật đang có hiệu lực đã cho thấy có tới trên 150 điểm chưa phù hợp, lạc hậu, thiếu tương thích với đời sống kinh tế hiện tại, gây trở ngại cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, có luật còn tới 12 điều khoản không hợp lý, chồng chéo với văn bản pháp luật khác.
Điển hình của sự chồng chéo và thiếu hợp lý này được VCCI chỉ ra ở Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô. Theo VCCI, Việt Nam đã có đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng ô tô sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam.
Thông tư 20 đã phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp (có ủy quyền và không có ủy quyền), qua đó tạo ra động lực ngược, khiến cho các liên doanh sản xuất ô tô trong nước tập trung nhập khẩu xe từ nước ngoài, thay vì nỗ lực sản xuất và nội địa hóa.
Còn ông Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội kinh tế Tổng Hội địa chất Việt Nam cho rằng, tính đồng bộ và khả thi của luật còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Đưa Luật Khoáng sản ra làm dẫn chứng, ông Thụ phân tích:
“Hiện nay, chỉ có luật Việt Nam quy định khai thác mỏ phải có giám đốc mỏ nhưng lại không có quyền và không quy định trách nhiệm cụ thể. Quy định này vừa thiếu thực tế, vừa vô lý, bởi lẽ khi xảy ra sự cố, sạt lở, tai nạn chết người trong hoạt động khai thác thì giám đốc doanh nghiệp là người bị phạt và phải chịu trách nhiệm chứ phạt gì ông giám đốc mỏ”.
Theo ông Thụ, Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường lại có những quy định chồng chéo khiến các doanh nghiệp khổ vì các quy định thanh, kiểm tra ở cả hai luật, một năm có đến vài chục cuộc thanh tra khiến doanh nghiệp chẳng còn làm ăn được gì do chỉ cùng một nội dung mà hai luật và các nghị định hướng dẫn luật đều quy định tới vài ba cơ quan thanh, kiểm tra.
Một quy định khác, theo Nghị định 69/CP mới ban hành thì, doanh nghiệp môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ phải có vốn trên 5 tỷ đồng, hoạt động mua bán nợ phải có vốn trên 100 tỷ đồng, mở sàn giao dịch nợ phải có trên 500 tỷ đồng.. Những điều kiện này, dù đã giảm một nửa so với dự thảo ban đầu, song theo phản ánh của các doanh nghiệp, vẫn quá cao và là một trong những rào cản ngăn doanh nghiệp tham gia thị trường mua bán nợ.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, với bối cảnh mua bán nợ bế tắc như hiện nay, cần gỡ bỏ tối đa rào cản đối với các nhà đầu tư, nhằm thu hút nhiều nhất tổ chức, cá nhân tham gia thị trường mua bán nợ, thậm chí có thể ban hành một số cơ chế riêng để kích hoạt thị trường này. Bởi vậy, với cách nhìn về nợ xấu quá thận trọng như hiện nay, việc xử lý nợ xấu chắc chắn sẽ chậm và kéo dài.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cũng vừa đề nghị được “cởi trói” một số giấy phép con. Theo quy định, các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được vay vốn tín dụng khi có sự chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, trong hơn 4 năm qua, chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện và thủ tục trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xin vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.
Mạnh tay với giấy phép con “ẩn mình”
Nhìn vào thực tế môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, rất nhiều người khẳng định, môi trường đầu tư hiện nay không ổn định, thiếu an toàn. Sự ra đời của nhiều giấy phép con buộc doanh nghiệp phải thực hiện đúng và đủ là cả vấn đề. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI ví điều kiện kinh doanh giống như “một rừng đinh có khả năng gây sát thương cao” đối với doanh nghiệp.
Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 doanh nghiệp mới được thành lập nhưng số giải thể, ngừng kinh doanh cũng lên đến khoảng 60.000. “Tỷ lệ này cho thấy sự sàng lọc, đào thải tự nhiên, song không có nghĩa doanh nghiệp không gặp khó khăn. Trong số những doanh nghiệp rút khỏi thị trường, chắc chắn có những doanh nghiệp bị “hạ gục” bởi điều kiện kinh doanh, giấy phép con”, ông Lộc nhận định.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc giải quyết vấn đề giấy phép con không hề đơn giản. Một số bộ đã “bê” nguyên thông tư lên nghị định để hợp thức hóa những giấy phép con đó.
Như vậy về bản chất không thay đổi và sắp tới doanh nghiệp có nguy cơ sẽ tiếp tục bị hành bởi các điều kiện kinh doanh trái luật trong nghị định. Điều này còn gây cản trở hơn cho cộng đồng doanh nghiệp vì văn bản càng có hiệu lực cao thì việc bãi bỏ càng khó hơn.
Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên tổ công tác thi hành luật doanh nghiệp và luật đầu tư thẳng thắn chỉ ra: “Theo Luật Đầu tư, chỉ còn 268 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, nếu cứ chép lại điều kiện kinh doanh trong các thông tư vào nghị định hay căn cứ ban hành điều kiện kinh doanh không có cơ sở hợp lý thì không những gây khó khăn, cản trở hoạt động kinh doanh mà còn trái với Luật Đầu tư”.
Giấy phép con là nỗi khiếp sợ của các doanh nghiệp, nhưng tại sao một văn bản thiếu tính khả thi, gây lãng phí vẫn có “đất sống”? Câu trả lời đơn giản, dễ hiểu là do cải cách hành chính quá chậm và ì ạch. Để dễ quản hơn, các bộ, ngành, địa phương tự đặt ra những “lệ” riêng của mình với những quy định khắt khe hơn quy định của luật, pháp lệnh. Vì vậy, hàng trăm giấy phép con đã bị vạch mặt, chỉ tên trong những đợt rà soát nhưng hễ bị cắt ít lâu là nó lại nhanh chóng mọc trở lại.
Trong suốt quá trình rà soát các điều kiện kinh doanh, thông điệp nhất quán của Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là kiên quyết cắt giảm các quy định về điều kiện kinh doanh, loại bỏ các giấy phép con bất hợp lý; quy định về điều kiện đầu tư phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho phát triển.
“Cuộc đấu tranh loại bỏ giấy phép con như Thủ tướng nói, là từ bỏ lợi ích nhóm, vì lợi ích doanh nghiệp và đất nước. Đây là minh chứng cho cuộc đấu tranh cho sự đổi mới, đẩy lùi bảo thủ để thực hiện mục tiêu là nhà nước kiến tạo, xây dựng một hành lang thông thoáng và thúc đẩy đổi mới, phát triển”, GS. Nguyễn Mại bình luận.
Để Việt Nam cất cánh trên con đường hội nhập, việc “quét” sạch những giấy phép con gây rắc rối cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được xem là ưu tiên hàng đầu. Và, cuộc đấu tranh loại bỏ giấy phép con còn rất gian nan, theo cách nói của ông Vũ Tiến Lộc, “cuộc chiến với vấn nạn này chưa kết thúc mà chỉ mới… bắt đầu”./.