Tạo điều kiện cho các trường nghề liên kết với DN
Tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, quyết định việc chuyển chức năng quản lý GDNN về Bộ LĐTB&XH phải theo hướng ổn định và thuận lợi hơn cho các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp và nhấn mạnh, tự chủ là chủ trương chung của giáo dục ĐH, GDNN và hiểu theo đúng nghĩa là tự quản, đây là thuộc tính của giáo dục, nhất là giáo dục bậc cao.
Dẫn chứng thực tế quá trình thực hiện tự chủ đại học (ĐH), Phó Thủ tướng nêu rõ, quá trình này có rất nhiều khó khăn và cả lực cản, nhưng với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ chủ quản và các trường, đến nay đã có hơn 16 trường ĐH và 3 trường CĐ tự chủ, đạt được kết quả bước đầu rất tích cực, tốt hơn rất nhiều.
“Ngân sách nhà nước không cắt ngay, nhưng sẽ đổi mới cơ chế phân bổ, không thể duy trì tình trạng bao cấp cào bằng từ ngân sách nhà nước” – Phó Thủ tướng nói. Do đó, Phó Thủ tướng khẳng định, để đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN nhất định phải đẩy mạnh tự chủ cho các trường nghề để các trường có quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về chuyên môn, mở ngành đào tạo, bộ máy tổ chức của các trường.
Ghi nhận ý kiến của nhiều Hiệu trưởng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng lưu ý hoạt động GDNN là phải gắn chặt với doanh nghiệp, từ tìm hiểu nhu cầu việc làm, định hướng nghề nghiệp, đến đào tạo, sử dụng lao động. Có như vậy, GDNN mới đáp ứng và tiệm cận nhu cầu của thị trường lao động, không xảy ra tình trạng đào tạo “cập kênh” với nhu cầu thị trường, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp của lao động đã qua đào tạo. Vì thế, Phó Thủ tướng đề nghị tạo điều kiện cho các trường nghề liên kết với DN, thậm chí có xưởng sản xuất hoạt động ngay ở trong trường nhưng tuân thủ đầy đủ các quy định của chính quyền địa phương về môi trường, công nghệ…
Cơ hội học tiếp cho những người học nghề phải cởi mở hơn
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở đại diện các cơ sở GDNN quan tâm đến xu hướng quốc tế hoá trong đào tạo nghề khi Việt Nam đang phấn đấu để trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu, cung ứng lao động có tay nghề cho nền sản xuất toàn cầu.
Hiện nay, hệ thống GDNN bước đầu đã theo xu hướng quốc tế từ các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (Quyết định 1981/QĐ-TTg), Khung trình độ quốc gia (Quyết định 1982/QĐ-TTg), đến việc Bộ LĐTB&XH “nhập” các bộ giáo trình đào tạo nghề từ các nước, xây dựng các nghề trọng điểm theo chuẩn khu vực và quốc tế…
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTB&XH cần triển khai rộng các chương trình, giáo trình quốc tế, đào tạo giáo viên, đầu tư trang thiết bị…, tạo đà cho các trường tư thục, trường trọng điểm tiếp tục triển khai công việc này. Cùng với đó hỗ trợ, đẩy nhanh thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng GDNN của các hiệp hội.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho rằng: “Cơ hội học tiếp cho những người lựa chọn học nghề phải cởi mở hơn. ĐH theo hướng thực hành, ứng dụng phải song song với ĐH nghiên cứu. Các Quyết định 1981, 1982 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định học sinh khi học hết THCS có thể vào trung cấp rồi học liên thông lên cao, học tập suốt đời, nhưng chúng ta không thể ấn định chỉ có 30% học sinh phổ thông học ĐH, còn lại phải học CĐ. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này thì ĐH phải liên kết chặt chẽ với CĐ, CĐ phải gắn chặt với trung cấp”.
Phó Thủ tướng nói và mong muốn các trường nghề, các địa phương, các bộ, ngành bằng trách nhiệm của mình sẽ tạo ra những đổi mới thực sự, nâng cao chất lượng GDNN trong thời gian tới.